ĐBQH nói cây cao su thải CO2 là thiếu khoa học nhưng gióng lên tiếng chuông báo động về rừng
“Phát ngôn của ĐBQH Ksor Phước Hà rằng cây cao su thải ra CO2 là thiếu kiến thức khoa học, nhưng gióng lên tiếng chuông báo động về rừng” – ông Bùi Hồng Quân – Viện trưởng Viện CNSH và ứng dụng vi sinh nói.
Nói cây cao su thải CO2 là không đúng
* Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp (tên thường gọi là Ksor Phước Hà) đã có phát biểu gây tranh luận khi cho rằng: “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”. Thông tin mà ĐBQH Ksor Phước Hà đưa ra có đúng không, thưa ông?
Ông Bùi Hồng Quân: – Phải nói ngay rằng thông tin ĐBQH Ksor Phước Hà đưa ra chưa đúng, thiếu tính khoa học. Ban ngày cây cao su quang hợp giống như các cây khác, hút CO2, nhả O2 nhưng chuyển sang dạng hút O2 và nhả CO2 vào ban đêm, giống như tất cả các loại cây khác. Nhiều người dân trong thực tế vẫn sống ngay trong rừng cao su cho biết rằng cả con người và vật nuôi tại nhà họ đều được yên ổn nhiều năm qua, không có bất cứ ai hay con vật nuôi nào cảm thấy khó chịu khi cư trú dưới tán rừng cao su.
* Thưa ông, vậy thì ý kiến của TS Nguyễn Anh Nghĩa – Viện phó Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam – cho rằng nhiều côn trùng ăn lá cao su một thời gian sau sẽ bị chết thì sao?
Ông Bùi Hồng Quân: – Làm gì có chuyện đó. Nếu thật như vậy, nên đề xuất Viện Nghiên cứu cao su tiến hành nghiên cứu khoa học cụ thể, chế tạo thuốc trừ sâu organic từ lá cao su, sẽ rất có lợi cho tất cả các loại cây trồng khác.
* Thưa ông, nhưng trên thực tế, rừng cao su hầu như không có sinh vật sinh sống trong đó. Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
Ông Bùi Hồng Quân: – Thực tế này đúng, nhưng do nguyên nhân khác. Về thảm thực vật, cao su là rừng trồng, có độ cao của thân và độ dầy của tán lá khá lớn, toàn bộ diện tích bên dưới đều không có ánh nắng mặt trời cho nên hầu hết các loài cây nhỏ ở bên dưới đều không sống được vì không có ánh nắng để quang hợp.Và một khi đã không có thảm thực vật sống trên bề mặt đất thì làm sao có động vật sống được.
Rừng tự nhiên không có độ đồng đều về chiều cao và tán cây che phủ, vẫn có những khoảng giãn cách, ánh nắng mặt trời xuống đủ, nên mới có thảm thực vật trên bề mặt, và theo đó, có các loài sinh vật trú ngụ sinh sống trong đó.
Đừng nhập nhằng, “che phủ” các số liệu
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về ý kiến của ĐBQH Ksor Phước Hà cho rằng cây cao su, cà phê, tiêu không thể được được tính vào tỷ lệ cây che phủ rừng?
Ông Bùi Hồng Quân: – Hoàn toàn chính xác. Các loại cây như cao su, cà phê, tiêu… đều là rừng trồng, với mục đích khai thác kinh tế. Rừng trồng không có độ ổn định, do thuộc sở hữu của người dân, nên người dân có quyền tự quyết định việc duy trì hay chặt bỏ, không cần xin phép chính quyền, không vi phạm bất cứ quy định nào của nhà nước. Như thế thì rừng trồng đâu có bảo vệ thiên nhiên? Rừng trồng cũng không phải đối tượng cần bảo vệ.
Những loài cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu… đều có thể giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động cũng như góp phần tăng trưởng kinh tế, vậy thì các ngành nông nghiệp hay thương mại, trồng và phát triển những loại cây này có quyền làm đúng chính sách quy định.
Nhưng gióng lên tiếng chuông về việc cần phải bảo vệ rừng tự nhiên thì cực kỳ cần thiết. Chỉ rừng tự nhiên mới được tính là có độ che phủ, vì rừng tự nhiên có độ ổn định cao, người dân không được phép chặt phá.
Cơ quan quản lý cần định nghĩa rõ ràng hơn về các loại rừng, về độ che phủ. Có định nghĩa rõ ràng thì mới có thể lên kế hoạch khắc phục hiện trạng.
* Nếu để trồng rừng thì kể cả trồng cao su vẫn là tốt hơn là không trồng rừng, chứ không phải vì cây cao su có độc mà không nên trồng, có đúng không thưa ông?
Ông Bùi Hồng Quân: – Để trồng rừng thì cây gì cũng tốt. ĐBQH Ksor Phước Hà phát ngôn về cây cao su thiếu tính khoa học nhưng ngược lại, từ sâu thẳm bên trong có ý tốt.
Cần nhắc nhở mạnh mẽ thông điệp về việc diện tích rừng tự nhiên của chúng ta càng ngày càng bị thu hẹp một cách thảm hại, dẫn đến nhiều hệ lụy như biến đổi khí hậu, bão lũ, sạt lở triền miên, ảnh hưởng môi trường thiên nhiên và đời sống con người. Trong khi các số liệu hiện nay đưa ra khá nhập nhằng, không đi thẳng vào vấn đề “nóng” mà xã hội cần nhìn nhận, giải quyết.
Chẳng hạn như mới đây, theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 8/2020, diện tích rừng bị thiệt hại trên toàn quốc là 116,5 ha, giảm 75,8% so với cùng kỳ năm trước. Mới nghe nói giảm, mọi người sẽ vội vã mừng vui.
Nhưng, nên nhớ rằng trong 116,5 rừng bị mất đi đó, diện tích rừng bị cháy là 45,8 ha, giảm 89,5% so với năm trước; còn diện tích rừng bị chặt phá là 70,7 ha, tăng đến tận 55% so với cùng kỳ năm trước.
Hãy hiểu rằng diện tích rừng cháy giảm thì không phụ thuộc vào con người mà đó là thiên tai. Còn diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá tăng tới tận 55% mỗi năm thì hoàn toàn chỉ vì ý chí của những kẻ phá rừng. Với tốc độ kinh hoàng của nạn phá rừng, chỉ một vài năm nữa chúng ta sẽ hoàn toàn không còn rừng tự nhiên, và thảm hoạ thiên nhiên kinh khủng hơn cả hiện tại sẽ liên tiếp ập tới.
Hô hào trồng mới rừng là cần thiết, tỉnh nào cũng nên làm, hội đoàn, tổ chức cá nhân đều nên làm. Nhưng thử nghĩ xem, miệt mài trồng những cây non xuống đất thì bao lâu sau cây mới trở thành rừng, mới đạt được độ che phủ? Trong khi đó, những kẻ “hút máu” rừng cứ tiếp tục tiêu diệt rừng tự nhiên với một tốc độ kinh hoàng như vậy? Cho nên, rất cần cơ quan chức năng phải công bố những con số thẳng thắn, đặt vấn đề tàn phá rừng tự nhiên lên nghị trường để xem xét, tìm giải pháp khắc phục.
PV/VT