ĐBQH: Lực lượng CAND ngày đêm chiến đấu quên mình vì bình yên của cuộc sống
Đại biểu Quốc hội khẳng định Việt Nam hiện là điểm đến an toàn, tin cậy, một đất nước hòa bình có môi trường đầu tư lý tưởng của nhiều quốc gia và để đạt được thành công đó có công sức không nhỏ của lực lượng Công an nhân dân.
Lực lượng CAND đang ngày đêm chiến đấu
Sáng 4-11, thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đoàn Nghệ An bày tỏ đồng tình cáo với báo cáo của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội là nền tảng vững chắc, là quy luật tất yếu, là bài học sâu sắc cho tất cả các quốc gia dân tộc và Việt Nam là một điển hình trong con mắt của bạn bè quốc tế. Việt Nam hiện là điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội, là một điểm đến an toàn, tin cậy, một đất nước hòa bình, môi trường đầu tư lý tưởng của nhiều quốc gia và đối tác.
“Đằng sau sự bình yên đó là sức lực, là trí tuệ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có lực lượng CAND đang ngày đêm chiến đấu quên mình vì sự bình yên của cuộc sống”, đại biểu khẳng định.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, trong cuộc chiến đấu thầm lặng đầy cam go, quyết liệt ấy, máu của các chiến sĩ CAND đã đổ. “Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, từ năm 2016 đến nay đã có 45 đồng chí hy sinh, hơn 365 đồng chí bị phơi nhiễm HIV, 1314 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Trong đó, nhiều đồng chí bị thương, di tật, di chứng để lại suốt đời và hết sức nặng nề”, đại biểu nêu.
Ông Cầu cũng nhấn mạnh sự hy sinh, mất mát ấy đã không làm nhụt ý chí chiến đấu mà trái lại đó là niềm tự hào, là danh dự, là sự cống hiến của toàn lực lượng CAND cho quê hương, đất nước.
Cần hình sự hoá hành vi sử dụng trái phép ma tuý
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng thông tin, nhiều đại biểu, cử tri và Quốc hội vẫn băn khoăn, lo lắng về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy. “Những băn khoăn đó là có cơ sở”, đại biểu nói và nêu 4 vấn đề trong thực tiễn công tác đấu tranh chống lại loại tội phạm này, gồm, thứ nhất, số lượng ma tuý thu được trong các vụ án ngày càng tăng, không còn được tính bằng lạng, bằng kg như trước mà tính bằng tạ.
Thứ hai là người nghiện ma túy trẻ hóa và gia tăng nhanh. Thứ ba, tình trạng ngáo đá và nhiều đối tượng ngáo đá đã gây ra các vụ thảm án gây dư luận bức xúc. Thứ tư, xuất hiện các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo ông, việc tấn công trấn áp tội phạm ma tuý hiện được tiến hành rất tích cực, nhưng chưa thực sự hiệu quả vì còn có sự chia cắt trong tổ chức lực lượng và địa bàn đấu tranh, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy ngày càng thu hẹp, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm mỏng.
Về pháp luật, đại biểu cho rằng vẫn còn đó nhiều bất cập, trong đó hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy do người nghiện ma túy thực hiện không bị xử lý hình sự. “Hướng dẫn này là trái với thực tiễn, làm trói tay, trói chân các cơ quan bảo vệ pháp luật, là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ”, đại biểu khẳng định.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản liên quan phù hợp với thực tiễn. Tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy, nhất là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong lớp trẻ. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn. Đồng thời, bổ sung kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020 và ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy trong giai đoạn tiếp theo. Nghiên cứu, tổ chức lại lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy theo hướng giao cho Bộ Công an đấu tranh phòng, chống ma túy từ xa, từ trên biên giới, bên kia biên giới và trong nội địa, đảm bảo không chia cắt địa bàn và lực lượng đấu tranh.
Thứ ba, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, các cơ quan tư pháp trung ương cần theo sát tình hình bức xúc nổi lên của từng loại tội phạm, từ đó phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương để hướng dẫn các cơ quan cấp dưới đấu tranh mạnh tay với các tội phạm mới nổi lên để ổn định tình hình trong từng thời điểm cụ thể.
Với Bộ Công an, đại biểu đề nghị tổ chức lại lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy theo hướng ở các tỉnh, các huyện trọng điểm về ma túy phải thành lập Đội cảnh sát phòng chống ma túy. Tham mưu cho Chính phủ xây dựng chính sách đặc thù và ưu tiên nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác phòng, chống ma túy. Có chính sách động viên, hỗ trợ người có công, người bị thương, người bị phơi nhiễm HIV và thân nhân cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
“Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm còn đầy cam go, quyết liệt sẽ còn tiếp tục có cán bộ, chiến sĩ phải đổ máu hy sinh. Hôm nay, tại nghị trường này tôi muốn chia sẻ và mong muốn cử tri, đại biểu Quốc hội tiếp tục vững tin, tiếp tục động viên, tiếp tục khích lệ lực lượng công an luôn tiến về phía trước, xả thân trên tuyến đầu, bảo vệ bình yên cuộc sống cho quê hương, cho đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Cầu, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng tình trạng vi phạm pháp luật về ma túy ngày càng nhức nhối hơn, với phương thức, thủ đoạn manh động, liều lĩnh của các đối tượng khi bị phát hiện, kể cả người nước ngoài, việc vận chuyển, mua bán với số lượng lớn ma túy với biện pháp tinh vi nhằm che mắt các cơ quan chức năng.
“Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng chất ma túy chưa được kiềm chế diễn ra khắp nơi, ở đô thị lẫn nông thôn, gây tâm lý bất an trong xã hội”, đại biểu khẳng định và đề nghị cân nhắc lại các biện pháp pháp lý trong xử lý đối tượng sử dụng ma tuý trái phép cho phù hợp với thực tiễn.
Q. Vinh – T. Minh/Công An Nhân Dân