+
Aa
-
like
comment

ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần bộ tiêu chí đánh giá năng lực 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy

05/11/2020 15:49

“Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề xuất khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Nhân sự trẻ, kết quả mới chỉ là bước đầu

Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh đã hoàn tất, trong đó đa số bí thư tỉnh ủy, thành ủy được tín nhiệm bầu với số phiếu tuyệt đối. Ông nhìn nhận, đánh giá ra sao về kết quả này?

Có thể nói, kết quả Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố vừa qua được tiến hành suôn sẻ. Mặc dù một số địa phương còn vài trục trặc về phương án nhân sự, nhưng Trung ương đã giải quyết được phương án nhân sự rất hợp lý . Tôi cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự lần này tốt hơn khóa trước, đặc biệt là vai trò quan trọng của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đáng lưu ý, việc đảm bảo cho cơ cấu độ tuổi, cơ cấu trình độ của đội ngũ lãnh đạo các cấp lần này hợp lý. Vừa có tính kế thừa, phát triển, vừa có không gian để nhân sự mới, nhất là nhân sự trẻ tuổi trải nghiệm, thử thách. Tôi cũng như nhiều người khác, chắc chắn ủng hộ và kỳ vọng vào số cán bộ trẻ. Đó là một thế hệ sẽ được tập dượt nhiều năm tới, những hạt giống được lựa chọn, còn nhiều thời gian để kiểm nghiệm.

Tất nhiên, kết quả ở đây cũng chỉ là bước đầu. Chúng ta chưa thể khẳng định được một cách chắc chắn trong 5 năm tới, số nhân sự này sẽ phát huy được tài năng, trách nhiệm của mình.

Xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực người đứng đầu địa phương - ảnh 1
Đại biểu thành phố Hà Nội bỏ phiếu bầu nhân sự. Ảnh PV

Vậy theo ông, cần có những tiêu chí nào để đánh giá đúng nhất, sát nhất về năng lực của từng lãnh đạo địa phương vừa được đại hội tín nhiệm bầu?

Để làm được điều này, Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Bộ tiêu chí đó phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương, chứ không phải đưa ra một tiêu chí chung cho toàn bộ các tỉnh, thành phố. Do vậy, cần dựa trên cơ sở phân loại các nhóm địa phương có cùng tính chất, đặc điểm giống và khác nhau để xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhóm thích hợp.

Ví dụ như phân loại tiêu chí đánh giá bí thư tỉnh ủy của một địa phương có dân số từ 1 đến 2 triệu người; rồi điều kiện giao thông, điều kiện văn hóa, tiềm năng kinh tế ra sao phải đánh giá cho kỹ.

Khởi xướng chính sách, trọng dụng nhân tài

Theo ông những tiêu chí nào quan trọng nhất cần phải đưa ra để xem xét, đánh giá từng bí thư cấp tỉnh?

Trước hết, đó phải là tiêu chí khởi xướng chính sách. Người đứng đầu là người dẫn dắt đoàn tàu, bộ máy địa phương. Vì vậy, anh phải khởi xướng chính sách bằng ý tưởng, bằng nhìn nhận xu hướng phát triển, tận dụng tốt lợi thế của địa phương mình, chứ không phải dựa vào bộ máy, rồi sau này xảy ra sự cố gì lại đổ lỗi cho bộ máy. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc khởi xướng chủ trương, chính sách, thậm chí khởi xướng cả giải pháp thực hiện.

Tiêu chí thứ hai là trọng dụng nhân tài. Các nước phát triển coi đây là nguyên tắc hàng đầu. Người lãnh đạo không biết trọng dụng nhân tài, có nghĩa là anh không phát huy được một nguồn tài nguyên đặc biệt, mà cha ông ta vẫn gọi là “nguyên khí quốc gia”. Thứ ba, người đứng đầu địa phương phải quy tụ được sự đoàn kết, tạo được năng lượng cho tập thể.

Tiêu chí cuối cùng chính là thành quả, sự thay da đổi thịt của địa phương. Việc đánh giá có thể thực hiện trong 6 tháng, hay 1 năm, 3 năm, 5 năm. Còn nếu không có tiêu chí rõ ràng, ai cũng tốt cả thì sẽ không tạo ra cú hích đột phá nào cả.

“Kết quả bầu thành công 63 bí thư tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy sự chuẩn bị công phu, tiến bộ hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là thành công bước đầu”. Ông Lê Thanh Vân

Vậy còn đối tượng tham gia đánh giá là những ai, thưa ông?

Có nhóm 3 đối tượng được tham gia đánh giá bí thư cấp tỉnh. Trước tiên là cấp dưới của người đứng đầu địa phương đó. Việc đánh giá có thể bằng phương pháp bỏ phiếu kín và có kiểm soát phiếu, làm sao để cơ chế đánh giá tường minh, khách quan, công bằng. Chẳng hạn, Trung ương sẽ chủ trì việc lấy phiếu và người đứng đầu tỉnh, thành phố đó không tham gia. Phiếu đó Trung ương sẽ lấy về, chia làm 2 phần cuống và phiếu, để Ban Tổ chức và Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ, cần thiết hồi phách lại. Như vậy sẽ khách quan vì người đứng đầu cấp ủy sẽ không biết được cấp dưới của mình đánh giá tốt, xấu như thế nào.

Thứ nữa là cấp ủy, ban thường vụ, ban chấp hành cùng cấp, nơi đã bầu ra người đó đánh giá. Việc đánh giá có thể diễn ra ở các cuộc họp phê bình, đóng góp hàng tháng, hàng quý, hàng năm và đánh giá theo yêu cầu của Trung ương. Cuối cùng là cơ quan Trung ương, cụ thể Ban Tổ chức Trung ương sẽ trực tiếp đánh giá.

Còn vai trò của người dân trong việc đánh giá cán bộ lãnh đạo địa phương đó cụ thể ra sao?

Cơ chế đánh giá của nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo địa phương thì  có nhiều cách.

Một là trực tiếp thông qua các hội nghị mở rộng, lấy ý kiến nhân dân. Hai là thông qua cơ chế gián tiếp, thông qua người đại diện của nhân dân. Theo cơ chế đó, HĐND cấp dưới hoặc cùng cấp có thẩm quyền đánh giá vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác của bí thư cấp ủy. Nhìn chung, đảng phải nghe rất nhiều kênh, nhiều chiều để xem đánh giá về cán bộ của mình có chính xác hay không.

Cảm ơn ông!

Thành Nam (TPO)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều