+
Aa
-
like
comment

ĐBQH: Dùng từ “Thu giá” thay cho “Thu phí” như “bôi mỡ cho kiến đốt”

16/11/2020 16:56

“Điều 48 quy định “những cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh được thu phí”, nhưng ở đây lại nói là “thu giá sử dụng đường cao tốc”. Tôi thấy rằng nếu chúng ta quy định vào văn bản như thế này thì lại rơi vào tình trạng mọi người hay nói là “bôi mỡ cho kiến đốt”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

Ngày 16/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) có ý kiến về quy định phí sử dụng đường bộ quy định trong luật tại Điều 46.

“Tôi đồng tình là phí sử dụng đường bộ bao gồm 2 loại là phí thu theo phương tiện giao thông và phí thu sử dụng các công trình giao thông như là công trình đường cao tốc hoặc một số các hầm giao thông đường bộ. Mặc dù rằng cũng còn có những ý kiến khác nhau về việc thu 2 loại phí như thế này thì có bị trùng lặp hay không? Riêng đối với tôi, tôi lại đồng tình với việc chúng ta cần phải có 2 loại phí đó”, đại biểu Cường nói.

ĐBQH: Dùng từ "Thu giá" thay cho "Thu phí" đường cao tốc như "bôi mỡ cho kiến đốt" - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

Đáng chú ý, nhắc tới Điều 48 của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc có nghĩa vụ có nghĩa vụ thu giá sử dụng đường cao tốc, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Điều 48 có quy định là “những cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh được thu phí”, nhưng mà ở đây lại nói là “thu giá sử dụng đường cao tốc”.

“Tôi thấy rằng nếu chúng ta quy định vào văn bản như thế này thì lại rơi vào tình trạng mọi người hay nói là “bôi mỡ cho kiến đốt”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Thảo luận Luật Giao thông đường bộ: “Lần đầu tiên chỉ có một đại biểu ủng hộ”ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Tôi hỏi tài xế taxi, chả ai đồng ý chuyển Bộ Công an cấp giấy phép lái xeThảo luận Dự án Luật Giao thông: Nhiều ĐBQH không đồng ý tách 2 luật

Cũng theo đại biểu Cường, trước đây, xã hội đã phản ứng rất nhiều từ gọi là “thu giá giao thông”. Do vậy, đề nghị điều này phải sửa lại là những đường được đầu tư xây dựng để kinh doanh được quyền thu phí sử dụng đường đó, nhưng thu phí theo cơ chế giá chứ chúng ta không nên quy định là thu giá.

Cũng trong phiên thảo luận, trong phần tiếp thu ý kiến giải trình của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết chúng ta có một kế hoạch xây dựng đường cao tốc rất lớn mà chúng ta hiện nay đang rất là khó khăn.

“Nghị quyết 52, Nghị quyết 117 của Quốc hội cũng đã cho phép chúng ta đầu tư bằng ngân sách nhà nước thì sẽ tổ chức thu phí. Do đó, đây là cơ sở để chúng tôi đưa vào trong luật”, ông Thể nói.

Theo ông Thể khi đã đưa vào trong luật thì đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền và chúng ta có kinh phí để phát triển đường cao tốc, có điều kiện để quản lý giao thông vận tải tốt.

Cũng đề cập về vấn đề này, theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nếu chúng ta không quy định về phí sử dụng đường cao tốc riêng thì sẽ xảy ra tình trạng bất bình đẳng.

Bất bình đẳng thứ nhất là, bất bình đẳng giữa những địa phương mà được đầu tư đường cao tốc với những địa phương không được đầu tư, giữa những người dân được sử dụng đường cao tốc với những người dân không được sự đường cao tốc.

“Vô hình trung chúng ta đều nghĩa vụ đóng góp như nhau vào ngân sách, nhưng có những người lại được sử dụng các tuyến đường cao tốc rất thuận lợi, có những người lại không có điều kiện để sử dụng việc này”, đại biểu Cường nói.

Cũng theo đại biểu Cường, việc thu phí nó đảm bảo công bằng giữa những người cùng sử dụng đường cao tốc, nhưng mà đường cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư với đường cao tốc mà chúng ta sử dụng các dự án BOT.

“Vô lý, tại sao người đầu tư, người dùng đường cao tốc BOT thì chúng ta phải bỏ tiền để trả cho nhà đầu tư? Còn nếu Nhà nước đầu tư, chúng ta lại không phải bỏ tiền để trả ra và những bất bình đẳng giữa 2 người này”, ông Cường nêu ra bất bình đẳng thứ hai.

Do vậy, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh trong điều kiện chúng ta chưa đủ ngân sách để đầu tư toàn bộ hệ thống đường cao tốc đồng bộ và phủ kín ở khắp tất cả mọi vùng, miền thì tôi cho rằng, việc chúng ta quy định những người nào sử dụng đường cao tốc và các công trình đặc thù khác thì phải trả thêm phí đó. “Tôi nghĩ đó cũng là điều bình đẳng”, ông Cường khẳng định.

(Theo DV)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều