ĐBQH: Có đại biểu cả tháng họp không có nổi 1 ý kiến, có người tích cực phát biểu chỉ để quê hương thấy mặt
ĐBQH cho rằng cần cơ cấu đại biểu chất lượng hơn để không xảy ra trường hợp có người họp không có nổi 1 ý kiến, có người phát biểu chỉ để quê hương thấy mặt.
Sáng 29/10, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Tại tổ Hà Nội, góp ý về cơ cấu đại biểu Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Văn Được đề xuất tăng đại biểu chuyên trách bởi làm luật mà không có đại biểu chuyên trách, không có cán bộ chuyên môn, trình độ thì không thể làm ra luật được.
“Theo tôi, nên tăng đại biểu chuyên trách từ 35% lên 40% và hơn nữa. Một đại biểu nên kiêm nhiệm vừa phải. Như tôi, các cơ quan nhà nước có cuộc họp gì là đi họp cái đó. Nhiều công văn, giấy tờ chưa kịp xử lý”, ông chia sẻ.
Dẫn ra một trường hợp trong Quốc hội khóa 9, trong đoàn mình có đại biểu cả kỳ họp không có nổi 1 ý kiến, ông Được cho rằng cơ cấu đại biểu cần chất lượng hơn.
“Không cẩn thận có trường hợp tích cực phát biểu nhưng chỉ để quê hương thấy mặt. Điều đó là rất không nên”, vị Thượng tượng cho biết.
Đồng quan điểm với đại biểu Được, đại biểu Nguyễn Chiến cho biết tất cả các ủy ban đều xét thấy số lượng đại biểu chuyên trách để thực hiện công việc còn đang thiếu.
Theo ông Chiến, có những ý kiến đặt ra tới tỷ lệ 50%, nhưng con số này không phù hợp. Thay vào đó, nên phấn đấu tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40% để khả thi hơn và đáp ứng với nhu cầu hiện nay.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng tỷ lệ đại biểu chuyên trách 40% là hợp lý.
“Đại biểu Quốc hội chuyên trách cần phải được quan tâm một cách xứng đáng khi chúng ta đang giảm dần các lực lượng đại biểu nhân dân, hội đồng nhân dân ở các cấp kiêm nhiệm”, bà Khánh nói.
Tuy nhiên, vị nữ đại biểu khẳng định tăng đại biểu chuyên trách là phải tăng trong các cơ quan Mặt trận Tổ quốc và công tác pháp luật bởi các đại biểu này hiểu biết về vấn đề thực thi pháp luật trong công tác xây dựng pháp luật. Họ có tiếng nói bảo vệ, đại diện cho nhân dân ở Quốc hội.
“Nếu chỉ tăng chung chung rồi đưa các doanh nghiệp vào sẽ chỉ thất bại. Tôi đề nghị có chủ trương đúng là tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng phải hướng đến khối đoàn thể Mặt trận Tổ quốc, khối pháp luật, cơ quan tư pháp, luật sư, luật gia”, bà Khánh đề xuất.
Vấn đề đại biểu chuyên trách cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi ở đoàn TP.HCM.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân thẳng thắn thừa nhận, nhiều lúc ông cảm thấy có lỗi với cử tri bởi nhiều vụ việc không có đủ thời gian đeo đuổi. Từ đó, ông đề xuất bổ sung thêm đại biểu chuyên trách, nâng cao nguồn nhân lực của lực lượng này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng ý với quan điểm cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Theo ông Nghĩa, cần có cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm theo lĩnh vực bởi có nhiều đại biểu, do đặc thù ngành nghề, vị trí công tác, khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ dân cử khó khăn.
Vị luật sư đề xuất nghiên cứu cơ cấu cụ thể ngành nào, cấp nào sẽ có đại biểu chuyên trách hay kiêm nhiệm. Từ đó, Luật thiết kế chính sách, chủ trương cho hợp lý để đại biểu kiêm nhiệm làm tốt vai của mình, cử tri cũng cảm thấy hài lòng hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, nếu cần thiết, không chỉ sửa đổi một số điều mà nên sửa toàn diện Luật Tổ chức Quốc hội để tăng tính hiệu quả cho Quốc hội.
Bà nhắc lại hoạt động của đại biểu chuyên trách ở khóa XI như ví dụ cho việc nâng hiệu quả của các đại biểu chuyên trách. Tại khóa XI, giữa hai kỳ họp, các đại biểu chuyên trách được triệu tập họp khoảng 10 ngày. Đây là khoảng thời gian các đại biểu chuyên trách được nêu ý kiến ở tất cả các lĩnh vực, nhờ thế phát huy được tốt vai trò chuyên trách. Do đó, nếu được áp dụng trở lại, bà Hoa tin rằng có thể giảm thời gian họp Quốc hội khá dài như hiện nay.
Song Hy-Duy Thành/VTC