Đẩy mạnh đấu tranh với hoạt động lợi dụng quyền tự do tôn giáo
Lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước là một thủ đoạn đặc biệt nguy hiểm. Dưới danh nghĩa chức sắc tôn giáo, một số đối tượng đã tiến hành tuyên truyền rao giảng những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái, đe dọa sự ổn định của chính quyền.
Gần đây, trên mạng xã hội đang lan truyền nhanh chóng vụ việc linh mục Phạm Văn Lộc đã rao giảng, vu khống rằng nguyên nhân của việc “lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung thời gian qua là do chế độ vô thân bị Chúa trừng phạt; do nhà nước bắt Phạm Đoan Trang, xử vụ Đồng Tâm không công bằng nên Chúa phạt”. Rõ ràng, đây là những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ, thể hiện tư duy thiểu cận và sự đối lập với chính quyền.
Cảnh giác trước thủ đoạn chống phá dưới vỏ bọc tôn giáo
Tôn giáo một cách đơn giản được hiểu là niềm tin, đức tin của con người vào một thế lực siêu nhiên. Hoạt động tôn giáo gắn liền với các đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định tôn giáo là một nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Vì vậy, chúng ta luôn tôn trọng việc người dân theo hay không theo tôn giáo. Với các trường hợp theo tôn giáo, chúng ta cũng tôn trọng việc người dân tự do lựa chọn hình thức tôn giáo mà mình cảm thấy phù hợp. Trước pháp luật, các tôn giáo đều bình đẳng và được Đảng, Nhà nước tôn trọng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận việc một số đối tượng cực đoan đã lợi dụng tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Thông qua hệ thống giáo lý, giáo luật và các ràng buộc trong tôn giáo cũng như thông qua đức tin của mọi người, các đối tượng chống đối đã rao giảng những thông tin, luận điệu tiêu cực, kích động tư tưởng thù hằn, chống phá chế độ, tạo ra sự đối lập với chính quyền.
Thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những chức sắc có uy tín, sống một cuộc sống tốt đời đẹp đạo, cống hiến năng lực, trí tuệ vì sự phát triển chung của tôn giáo và sự hòa bình, ổn định của xã hội thì cũng đã xuất hiện một số đối tượng dưới danh nghĩa chức sắc tôn giáo nhưng có tư tưởng và hành vi chống phá sâu sắc, thể hiện rõ sự thù hằn với chế độ. Hoạt động chống phá của các đối tượng núp danh tôn giáo diễn ra dưới nhiều phương thức khác nhau. Trong đó, tập trung chính vào các vấn đề là kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”; liên kết và phụ họa với các thế lực thù địch, các phần tử phản động, chống đối ở cả trong và ngoài nước trong hoạt động chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, bịa đặt, vu cáo cấp chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo để kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế… Đặc biệt, gần đây một số đối tượng triệt để lợi dụng các vấn đề nóng, được dư luận và xã hội quan tâm và giải thích, hướng lái, xuyên tạc bản chất của vụ việc theo hướng đổ lỗi cho chế độ, cho Đảng, cho Nhà nước. Từ đó, các đối tượng này kích động tư tưởng thù hằn, chống đối với chính quyền, gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc.
Quay lại với vụ việc linh mục Phạm Văn Lộc cho rằng “lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung thời gian qua là do chế độ vô thân bị Chúa trừng phạt; do nhà nước bắt Phạm Đoan Trang, xử vụ Đồng Tâm không công bằng nên Chúa phạt”, đây là một luận điệu xuyên tạc trắng trợn, phi lý, phi thực tế. Việc giao giảng luận điệu như trên thể hiện rõ sự thiển cận trong nhận thức và sự thù hằn, mâu thuẫn với chế độ. Điều này cần phải được vạch trần, lên án.
Muốn có tự do tôn giáo trước hết cần bảo vệ sự ổn định và bình yên của Tổ quốc
Cần phải hiểu rõ, tôn giáo là một phần trong xã hội Việt Nam. Những giáo dân, dù theo bất kỳ tôn giáo nào thì trước nhất họ cũng đều là người dân Việt Nam, mang trong mình dòng máu đỏ, da vàng. Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Sống trên lãnh thổ Việt Nam, là người dân Việt Nam thì nhiệm vụ cao cả nhất là phải trung thành với Tổ quốc, phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Nếu không có Tổ quốc, chúng ta sẽ chẳng là gì. Nếu hòa bình, độc lập của dân tộc không còn thì chắc chắn sẽ chẳng có chỗ cho tôn giáo có thể tồn tại. Để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, không có cách nào khác là mỗi người phải kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá đất nước; cố gắng ra sức bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bình yên của cuộc sống.
An ninh tôn giáo là một yếu tố quan trọng cấu thành nên an ninh quốc gia. Do vậy, chúng ta phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và đẩy mạnh việc đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá đất nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả