Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để dẹp bỏ tín dụng đen
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xem việc chú trọng phát triển tín dụng tiêu dùng là một giải pháp quan trọng để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tín dụng đen.
“Hệ lụy của việc đòi nợ tín dụng đen dẫn đến nhiều chuyện đau lòng, tan nát gia đình, người bỏ xứ, người không trực tiếp vay nhưng cũng chịu hậu quả, tạo ra sự bất ổn trong đời sống của người dân”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị về đẩy lùi tín dụng đen tại TP.HCM ngày 20/1.
Theo ông Tú, nhiều bộ, ngành đã hành động quyết liệt với nhiều giải pháp để tín dụng đen không lộng hành. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính thức còn Bộ Công an trấn áp các băng nhóm tín dụng đen.
Tuy nhiên, tín dụng đen vẫn tồn tại vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều người vay tín dụng đen sử dụng tiền cho hoạt động tệ nạn xã hội khác như cá độ, bài bạc, lô đề nên không thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thống. Thứ hai, một phần do các nguồn tín dụng chính thức chưa thể bao phủ hết nhu cầu của người dân.
Phó thống đốc khẳng định phải kiên quyết, khẩn trương đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tín dụng đen và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Ngành ngân hàng phải nâng cao khả năng phục vụ nhanh chóng, kịp thời hơn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân.
Ngân hàng Nhà nước xem việc chú trọng tín dụng tiêu dùng là một giải pháp quan trọng để đẩy lùi tín dụng đen. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và tư nhân cũng đều đang hướng nhiều hơn về thị trường nông thôn với hoạt động cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lưu ý các tổ chức tín dụng đều phải có trách nhiệm với nguồn vốn huy động của mình khi cho vay. Do đó, các công ty tài chính, ngân hàng nỗ lực tối đa để giải quyết nhu cầu tín dụng của người dân nhưng đồng thời phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an toàn về tài chính cho chính tổ chức đó.
“Không thể không cần biết mục đích gì cũng cho vay. Nếu cho vay 10 mà chấp nhận mất 3, 4 thì lãi suất sẽ rất cao không khác gì tín dụng đen”, ông Tú phát biểu. Ông cho biết trong thực tế, đã có hiện tượng một số tổ chức tài chính tiêu dùng bị người dân phản ánh về các biện pháp thu nợ và Ngân hàng Nhà nước những năm qua kiên quyết chấn chỉnh tình trạng này và sẽ rút giấy phép nếu còn vi phạm.
“Đã cho vay là phải có điều kiện, nhưng điều kiện phải phù hợp với nhu cầu khách quan, thực tiễn của người dân, doanh nghiệp khi cần gấp vốn nhỏ, lẻ”, ông Tú nói. Ông lấy ví dụ những trường hợp như đưa con đi khám chữa bệnh, đi bệnh viện nếu chờ ngân hàng 5-7 ngày để có thể vay vài chục triệu, nhu cầu của người dân sẽ không thể được đáp ứng kịp.
Phó thống đốc thông tin thêm Ngân hàng Nhà nước đang thảo luận với ngành công an về việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong tương lai để xác định chính xác thân nhân, hoàn cảnh của người vay để ngân hàng sẵn sàng giải ngân ngay, không còn tốn nhiều thời gian, yêu cầu tài sản thế chấp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang giao Ngân hàng Chính sách Xã hội xây dựng chương trình cho vay tiêu dùng. Ông Tú cho biết trong thực tế, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại vùng nông thôn rất hiệu quả với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
“Nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng phức tạp lắm nên chưa bao giờ đến ngân hàng. Cần tuyên truyền cho người dân biết, có nhiều giải pháp đồng bộ mới dần dần không còn tệ nạn tín dụng đen”, Phó thống đốc Đào Minh Tú kết luận.