Đẩy lùi thuyền ngư Trung Quốc?
Đối mặt với Trung Quốc trên biển, khó khăn nhất không phải hải quân. Vì hải quân chỉ có tính răn đe để khỏi xảy ra chiến tranh. Tranh dành thực địa trên biển chỉ có hai lực lượng ra mặt chủ chốt bao gồm là hải cảnh và ngư thuyền. Trong đó ngư thuyền là lực lượng chiếm hữu thực địa quan trọng nhất.
Các nước ở Thái Bình Dương có biển giáp với biển Trung Quốc luôn là nạn nhân của ngư thuyền Trung Quốc.
Trung Quốc dựa vào lực lượng ngư thuyền đông hơn kiến cỏ của mình, xua đuổi họ đi chiếm lĩnh ngư trường của các nước khác, từ ngoài khơi xa cho đến sát bờ biển nước người. Không ngạc nhiên khi ngư dân Trung Quốc đánh cá tận Nam Mỹ, gần sát bờ của các quốc gia Chile, Argentina.
Nhưng ở Nam Mỹ hay Nam mũi hảo vọng của châu Phi, hải quân và hải cảnh Trung Quốc không với tay được. Nạn nhân chính của Trung Quốc chính là Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Malaysia.
Chiến thuật ruồi bâu
Nhật Bản mạnh như vậy, lại có liên minh quân sự với Mỹ, mà vẫn rất khó khăn trong đối mặt với Trung Quốc ở biển Nhật Bản. Là bởi vì Trung Quốc ỷ vào số đông mà vận dụng chiến thuật RUỒI BÂU.
Trước khi nói về chiến thuật RUỒI BÂU của Trung Quốc hãy điểm qua tương quan của 2 nước trên biển.
Về Trung Quốc
1. Lực lượng hải quân Trung Quốc (HQTQ): Trung Quốc có lực lượng hải quân, chiến thuyền và tàu ngầm chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Lực lượng HQTQ chia thành 3 hạm đội – Bắc hải, Đông hải, Nam hải. Có thể tóm tắt HQTQ qua các số liệu sau: 250,000 người; 2 tàu sân bay; 70 tàu ngầm (trong đó có 5 chiếc tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân SSBN, 8 chiếc chạy năng lượng hạt nhân SSN, và 53 chiếc điện- diesel SSK); 14 Tàu khu trục; 28 Tàu khinh hạm; 35 Tàu hộ vệ tên lửa; 119 Tàu tên lửa; 58 tàu đổ bộ.
2. Lực lượng hải cảnh của Trung Quốc: 10.000 người và 336 tàu.
3. Lực lượng ngư thuyền Trung Quốc: 220.000 chiếc (không có nước nào sánh được)
Về Nhật Bản
Thực ra cường quốc hải quân chính là Nhật Bản. Nhật Bản có lịch sử truyền thống hải quân trên cơ Trung Quốc. Trong thế chiến thứ II, lực lượng Hải quân Nhật Bản (HQNB) như sau: 1,8 triệu người; 20 tàu chở sân bay; 10 tàu sân bay hộ tống; 9 thuỷ phi cơ; 213 tàu ngầm chiến đấu; 3 tàu ngầm chở máy bay; 49 tàu ngầm vận tải; 3 tàu ngầm bảo vệ; 12 tuần dương chiến đấu; 44 tàu tuần dương; 169 tàu khu trục; 178 tàu khu trục hộ tống; 12 tàu ngư lôi; 20 pháo hạm; 69 tàu rải phá thuỷ lôi; 8 tàu cung cấp thực phẩm; 2 tàu sửa chữa; 1 tàu khảo sát.
Sau thất bại trong thế chiến thứ II lực lượng quân sự của Nhật Bản bị giải tán năm 1947. Sau đó ngày 1/7/1954 mới thành lập lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Lực lượng HQNB hiện nay không đông số lượng như Trung Quốc, nhưng vượt trội về công nghệ. Lực lượng chính của HQNB bao gồm: 50.800 người; 254 tàu; 346 máy bay. Trong đó có 38 tàu khu trục; 10 tàu khu trục tên lửa; 6 tàu cao tốc tên lửa; 19 tàu ngầm; 4 tàu chở trực thăng; 3 tàu đổ bộ đệm khí; 3 tàu đổ bộ trực thăng; 3 tàu đổ bộ xe tăng; 30 tàu quét mìn; 80 máy bay chống ngầm; 140 máy bay trực thăng chống ngầm; 6 tàu tuần tra; 8 tàu huấn luyện; 21 tàu trợ giúp.
Về lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản: Không đông số lượng như Trung Quốc. Nhưng mạnh về công nghệ hơn Trung Quốc. Hiện Nhật Bản có 42 tuần dương bờ biển loại từ 1000 tấn trở lên. Trong đó có 14 tàu chở 1,2 trưc thăng, 1 tàu 7000 tấn, 1 tàu 3 500 tấn, 2 tàu 3000 tấn, 3 tàu 2.000 tấn.
Trung Quốc không dám gây chiến với Nhật Bản. Vì HQNB vượt trội về công nghệ. Cái mà Trung Quốc có thể đe doạ Nhật Bản chính là bom hạt nhân. Nhưng Nhật Bản có liên minh quân sự với Mỹ làm bảo bối răn đe. Cho nên. trong tranh chấp đảo Sensaku của Nhật Bản, Trung Quốc phải dựa vào chiến thuật RUỒI BÂU.
Hàng năm Trung Quốc xua hàng vạn ngư thuyền đến đánh bắt cá ở vùng biển Sensaku. Trung Quốc đưa hàng chục tàu hải cảnh hạng nặng đến bảo vệ. Nhật Bản chống đỡ vô cùng vất vả.
Sự xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc trên một vùng biển nhất định được gọi là “chiến thuật ruồi bâu”. Chiến thuật này nhằm bao vây, gây khó khăn cho tàu chấp pháp; dùng các tàu cá giả dạng để cho rằng ngư dân Trung Quốc đồng tình với nhà nước, biến tranh chấp chủ quyền thành vấn đề dân sự hòng thay đổi hình thức đấu tranh; nếu có va chạm thì lại vu vạ là tàu chấp pháp Việt Nam đâm tàu cá… Chiến thuật này từng được Trung Quốc áp dụng trong việc tranh chấp với Nhật ở vùng đảo Senkaku.
Đẩy lùi thuyền ngư Trung Quốc?
Theo Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, hai năm gần đây, tần suất các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku ngày càng tăng mạnh. Chỉ riêng năm 2019, Nhật đã ghi nhận 1.097 vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku, có 126 lần tiến vào vùng nước 12 hải lý Senkaku và nằm lại hàng chục ngày.
Nhưng nguy cơ không chỉ đến từ hải cảnh. Thượng tướng Kevin Schneid, chỉ huy quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản, đã chỉ thẳng mối nguy hiểm từ chiến thuật RUỒI BÂU của “hạm đội” tàu cá của Trung Quốc, trong số đó rất nhiều tàu thuộc lực lượng dân quân biển.
Ngày 29/7/2020, phát biểu trong một cuộc họp báo, tướng Kevin Schneid tuyên bố: “Chúng tôi cam kết 100% sẽ giúp Nhật Bản giải quyết chuyện này”.
Tướng Schneider cho biết, Trung Quốc sẽ ngừng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trên biển – Trung Quốc gọi là Hoa Đông – vào giữa tháng 8 tới. Lúc đó đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc sẽ tiến đến vùng biển gần đảo Senkaku, cùng với sự bảo vệ của tàu hải cảnh và hải quân Trung Quốc.
Không chỉ đưa tàu đánh cá đến đảo Sensaku, Trung Quốc còn tiến tới 1 bước mạnh hơn, là truy đuổi tàu đánh cá Nhật Bản ở đây.
Ngày 08/5/2020, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải Sensaku truy bắt tàu cá Nhật Bản. Tuần duyên Nhật Bản lập tức chặn lại. Cuộc rượt đuổi khoảng 50 phút và tàu Trung Quốc phải rút đi.
Nguy cơ mỗi ngày một gia tăng cho Nhật Bản khi Trung Quốc leo thang điều các tàu hải cảnh trọng lượng lớn gấp đôi tàu Nhật Bản đến can dự. Trung Quốc đã sử dụng đến các tàu hải cảnh lớp Shucha II 3.980 tấn (2016), lớp Zhaolai 4 900 tấn (2019), và tàu hải cảnh 2901 nặng 10.000 tấn (2020), trong khi tàu tuần tra lớn nhất của Nhật Bản trực ở Senkaku chỉ 7.000 tấn.
Những hành động xâm lược của Trung Quốc tại Sensaku đã buộc Nhật Bản bố trí lại lực lượng phòng vệ trải dài từ đảo Yonaguni tới Amamioshima. Xa hơn nữa, Mỹ đã cân nhắc triển khai quân đội ở Sensaku vào năm 2021. Và đề nghị Nhật Bản biến đảo Mageshima phía nam Nhật Bản thành “hàng không mẫu hạm”.
Nguyễn Ngọc Chu
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả