+
Aa
-
like
comment

Đây là yếu tố khiến tỷ lệ tử vong vì COVID-19 giảm ở Nhật Bản

12/12/2021 12:53

Các nhà khoa học phát hiện một đặc điểm di truyền liên quan đến tế bào bạch cầu ở 60% dân số Nhật Bản giúp cơ thể chống chọi Covid-19 tốt hơn.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để tránh lây nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP

Nhóm nhà khoa học tại viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản Riken cho hay đa số người dân nước này sở hữu một thành phần của hệ miễn dịch giúp tiêu diệt hiệu quả hơn các chủng virus Corona khác nhau, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Theo họ, đây có thể nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này giảm xuống so với các quốc gia khác như Mỹ và châu Âu.

Trước đó, giới khoa học suy đoán rằng có một nhân tố bí ẩn nào đó liên quan đến tỷ lệ lây nhiễm và tử vong thấp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tỷ lệ đeo khẩu trang cao hơn cùng với các đặc điểm di truyền và miễn dịch được cho là những nguyên nhân tiềm năng. Và nếu nghiên cứu của Riken được chứng minh, đó sẽ là yếu tố tiếp theo.

Tờ Japan Times cho biết con người có hai loại hệ miễn dịch là bẩm sinh và thích ứng. Hệ miễn dịch thích ứng chống lại các tác nhân gây bệnh dựa trên bộ nhớ về những lần nhiễm virus Corona theo mùa trong quá khứ. Nhóm Corona này bao gồm các virus gây cảm lạnh thông thường cùng hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).

Các kháng thể tự nhiên hoạt động như một tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại những tác nhân gây bệnh. Sau đó, khi virus xâm nhập vào cơ thể, cơ chế bảo vệ khác – một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ bao gồm các tế bào T bên trong các tế bào bạch cầu liên kết và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh – bắt đầu hoạt động.

Chìa khóa để ngăn ngừa biến chứng COVID-19 nghiêm trọng là các tế bào T đã được kích hoạt. Và đó cũng là nơi xuất hiện kháng nguyên bạch cầu (HLA). Bộ gien phức tạp này giúp tế bào T xác định các tế bào bị nhiễm bệnh để tiêu diệt chúng.

Người dân đứng trước một điểm thử nghiệm PCR tại Tokyo, Nhật Bản.

Cơ thể con người chứa hàng chục nghìn loại HLA và mỗi cá nhân có nhiều loại HLA được di truyền. Cho đến nay, nghiên cứu về các loại HLA và mối quan hệ của chúng với virus SARS-CoV-2 được tiến hành chủ yếu trên những người ở châu Âu và Mỹ, và vẫn chưa thể giải thích vì sao các tế bào T bộ nhớ từ các đợt nhiễm cảm lạnh trước đây có được đánh thức và kích hoạt “miễn dịch chéo” để tiêu diệt các biến thể của SARS-CoV-2.

Nhóm nhà khoa học tại Riken đã nghiên cứu về phân tử HLA-A24 được tìm thấy ở khoảng 60% người dân Nhật Bản nhưng chỉ khoảng 10% đến 20% ở người dân châu Âu và Mỹ.

Sau đó, họ kiểm tra protein gai của virus SARS-CoV-2 và xác định một thành phần kháng nguyên, hay chất peptide epitope, được gọi là QYI liên kết với HLA-A24, kích hoạt các tế bào T rồi nhân lên chúng. Về cơ bản, nó báo hiệu cho hệ miễn dịch của cơ thể rằng có một kẻ xâm nhập cần phải tiêu diệt.

Viện Riken cũng phát hiện một epitode tương tự tồn tại trong các chủng virus Corona gây bệnh theo mùa và liên kết với HLA-A24 – chất kích hoạt và nhân lên các tế bào T để chống lại virus.

Nhóm nghiên cứu cho biết điều này chứng tỏ sự tồn tại của miễn dịch chéo chống lại các virus Corona thông thường và virus gây ra COVID-19 ở cấp độ phân tử.

Ông Shin-ichiro Fujii, trưởng nhóm tại Phòng thí nghiệm Khoa học Y tế Tích hợp về Liệu pháp Miễn dịch của Trung tâm Riken, đánh giá việc phát hiện ra epitope gây ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ có thể dẫn đến sự phát triển của thế hệ vaccine COVID-19 mới cũng như loại thuốc đặc biệt có lợi cho những người không tăng được lượng kháng thể sau tiêm vaccine vì rối loạn máu hoặc ung thư.

Tính đến ngày 11/12, Nhật Bản ghi nhận chưa đến 18.500 ca tử vong vì COVID-19 và gần 1,73 triệu ca nhiễm từ đầu đại dịch đến nay. Con số này tại Mỹ là 797.000 ca tử vong và gần 50 triệu ca nhiễm, hay xấp xỉ 147.000 ca tử vong và 10,8 triệu tại Anh.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều