Đây là vũ khí mạnh mẽ giúp Trung Quốc tiếp tục phát triển vượt bậc mặc cho “tin xấu”
Cơ hội giáo dục tốt hơn dành cho người dân ở vùng nông thôn Trung Quốc có thể sẽ không thúc đẩy họ sinh nở nhiều hơn, nhưng sẽ đảm bảo rằng đất nước này có thể phát triển mạnh mẽ với mức dân số hiện tại, Bloomberg nhận định.
Theo báo cáo mới nhất, dân số Trung Quốc đã chính thức giảm dù cho chính quyền nước này đã có nhiều biện pháp để chống lại tình trạng đó.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương Trung Quốc đã công bố các chính sách hỗ trợ sinh như cải thiện trợ cấp chăm sóc trẻ em.
Đó là những bước tích cực, nhưng theo Bloomberg, bên cạnh việc giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học, thì Trung Quốc nên tập trung vào cải cách hệ thống giáo dục của nước này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Nỗ lực cải cách về giáo dục có thể sẽ không thúc đẩy dân số gia tăng trong ngắn hạn – hoặc kể cả trong dài hạn. Nhưng việc đó sẽ tạo ra một lực lượng lao động tốt hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với một tương lai dân số già của Trung Quốc.
Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong giáo dục trong nhiều năm trở lại đây, khiến nhiều quốc gia khác, bao gồm phương Tây, cũng phải gấp rút cạnh tranh. Cụ thể, đầu tư vào giáo dục đã tạo ra một số thành tựu ấn tượng nhất của Trung Quốc thời hiện đại.
Năm 1950, chỉ 20% dân số cả nước biết chữ; đến năm 2001, đã có 85% người dân biết đọc biết viết. Khi Trung Quốc ngày càng giàu có hơn, tham vọng đối với giáo dục cũng tăng theo. Ví dụ, giáo dục cấp mầm non trước năm 1990 ở Trung Quốc là một đặc quyền mà chỉ phần lớn giới thượng lưu thành thị được hưởng, bởi họ là những người có đủ khả năng chi trả học phí tư nhân. Nhưng nhờ hoạch định chính sách và đầu tư từ những năm 1980, tới năm 2015, ít nhất 95% trẻ em Trung Quốc đã được đi học mẫu giáo.
Đầu tư vào giáo dục tiểu học và trung học đã tạo ra những kết quả ấn tượng. Từ năm 1980 đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em học lên trung học phổ thông từ trung học cơ sở tăng đáng kể, từ 1/3 lên gần 9/10. Nhờ đầu tư lớn vào các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có nhiều các tùy chọn hơn các thế hệ trước. Năm 2022, có hơn 44 triệu sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc; 40 năm trước, số lượng sinh viên mới chỉ tính đến con số hàng nghìn.
Việc đầu tư vào nguồn nhân lực đã mang lại lợi ích dồi dào cho Trung Quốc, thúc đẩy nền kinh tế công nghiệp của nước này, thúc đẩy các thành phố năng động và thu hút các doanh nhân đầy tham vọng, có năng lực. Nhưng các nguồn lực của Trung Quốc dành cho giáo dục chưa bao giờ được chia sẻ đồng đều. Các khu vực nông thôn từ lâu chỉ nhận được ít nguồn tài trợ hơn các khu vực đô thị giàu có; Lao động nhập cư của Trung Quốc và những người lao động nghèo khác không thể tiếp cận những trường học tốt nhất và những cơ hội đổi đời.
Ví dụ, Trung Quốc đã ban hành chính sách giáo dục bắt buộc, miễn phí cho tới hết trung học cơ sở. Nhưng chất lượng giáo dục tại các vùng rất khác nhau. Các trường học ở nông thôn thường phải chật vật với tình trạng thiếu tài chính, giáo viên quá tải và không đủ tiêu chuẩn, cơ sở vật chất không đầy đủ — và đôi khi không an toàn.
Các trường trong thành phố có xu hướng được hưởng các nguồn lực tốt hơn, nhưng mọi thứ vẫn không hề đơn giản như vậy. Ngay cả ở những thành phố giàu có nhất, chất lượng của các trường học rất khác nhau tùy theo từng khu vực. Các phụ huynh cũng phải trả mức giá đắt đỏ cho những căn hộ nhỏ nằm trong khu vực các trường điểm.
Sự bất bình đẳng trở nên lớn hơn ở các bậc học cao hơn. Theo Bloomberg, vào năm 2020, cư dân của Bắc Kinh có thời gian đi học trung bình là 12,64 năm; trong khi cư dân Tây Tạng chỉ có thời gian đi học trung bình là 6,75 năm. Thời gian đi học trung bình của người dân Trung Quốc là 9,91 năm.
Những sự mất cân bằng này được phản ánh trong trình độ học vấn đối với người nghèo và người dân ở nông thôn Trung Quốc. Theo một ước tính, 75% học sinh thành phố lựa chọn học đại học so với 15% học sinh nông thôn. Những sinh viên nông thôn may mắn được theo học thường không được tiếp cận với những cơ hội tốt nhất. Các trường đại học hàng đầu phân bổ hầu hết các suất nhập học cho sinh viên địa phương.
Đối với các bậc cha mẹ tương lai, những vấn đề bất bình đẳng này mang lại những điều lo lắng có cơ sở. Việc cạnh tranh để con cái được học tại những ngôi trường tốt vừa khốc liệt vừa tốn kém, và — đối với nhiều cặp vợ chồng — là lý do để bỏ qua việc có con.
Trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, điều này đã được đề cập nhiều lần trong nhiều năm qua. Trong những ngày gần đây, ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc cũng thừa nhận rằng chi phí cao để trẻ em có được một nền giáo dục đảm bảo là một trở ngại lâu dài đối với sự gia tăng dân số.
May mắn thay, vẫn có những chính sách mà Trung Quốc có thể thực hiện để xoa dịu các lo ngại này. Tăng cường đầu tư cho các trường học là một trong những cách có thể làm để cải thiện chất lượng giáo dục. Việc tuyển dụng, đào tạo và giữ chân giáo viên nên là ưu tiên hàng đầu cho các khoản chi tiêu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nơi giáo viên thường chỉ nhận mức lương thấp.
Điều quan trọng không kém là Trung Quốc có thể triển khai chương trình giáo dục cấp 3 miễn phí. Một chương trình như vậy sẽ tốn kém, nhưng lợi ích mang lại – đặc biệt là ở các vùng nông thôn – sẽ được đền đáp sau nhiều thế hệ.
Bloomberg cho rằng, các cải cách giáo dục và chi tiêu không mang lại tỉ lệ sinh cao và bùng nổ ở Trung Quốc. Các yếu tố khác, bao gồm chi phí chăm sóc trẻ em và chi phí nhà ở cao, cũng cần phải được giải quyết. Nhưng cải cách giáo dục không chỉ đơn thuần là làm tăng tỷ lệ sinh. Mà đó là tạo cơ hội cho người dân Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề đang tồn tại, thì quốc gia này sẽ có một xã hội thịnh vượng hơn, cho dù dân số có đang giảm hay không, Bloomberg kết luận.
Bảo Trâm