Đây là tiết lộ chấn động về đội quân bí mật gồm 60.000 điệp viên của Mỹ
Trên cổng thông tin Newsweek, một cuộc điều tra về đội quân tình báo bí mật Mỹ do nhà báo đồng thời là cựu quân nhân Mỹ – ông William Arkin tiến hành, đăng tải đã thu hút rất nhiều sự quan tâm.
Đầu tiên phải nói đôi lời về tác giả của cuộc điều tra, ông Arkin từng phục vụ trong lực lượng tình báo Quân đội Mỹ ở Tây Berlin, và sau khi rời quân ngũ, ông ta trở thành đồng tác giả của một số nghiên cứu liên quan đến vị trí của vũ khí hạt nhân trên khắp thế giới.
Ông Arkin cũng đóng vai trò chuyên gia quân sự cho các ấn phẩm nổi tiếng như Los Angeles Times, Washington Post và New York Times. Nhìn chung đây là một tác giả có năng lực, nổi tiếng và được kính trọng. Vì vậy, cuộc điều tra nói trên thu hút rất nhiều quan tâm.
Những gì được kể lại rất thú vị rất thú vị. Theo ông Arkin, cả một đội quân đã được thành lập và đang hoạt động tại Mỹ, quy mô lên tới 60 nghìn người, bao gồm cả quân nhân chuyên nghiệp và dân sự. Ngân sách hàng năm của tổ chức bí mật này là gần 1 tỷ USD.
Theo một chương trình bí mật, họ hoạt động ở cả trong lãnh thổ Mỹ và nước ngoài thông qua các công ty bình phong và danh tính giả. Tất cả các thuộc tính của điệp viên đều được thể hiện ở đó.
Theo William Arkin, các “binh lính bí mật” của Mỹ sử dụng loại vải đặc biệt giúp họ không bị lộ trước camera ảnh nhiệt, mặc quần áo có gắn cảm biến để chặn cuộc trò chuyện của người khác và đi xe máy điện im lặng ở Bắc Cực.
Thậm chí các miếng đệm silicone đặc biệt được dính trên ngón tay nhằm để lại dấu vân tay cần thiết, chúng còn được xử lý bằng một loại keo xịt đặc biệt giống bã nhờn của con người. Bên cạnh đó, mặt nạ silicone cũng được tạo ra cho các điệp viên.
Không kém phần thú vị là câu chuyện của Arkin về cách thức hoạt động của “đội quân bí mật” trên không gian mạng. Đối với điều này, nhân cách giả được tạo ra, và đây không chỉ là một số trang giả mạo trên mạng xã hội.
Đối với các đặc vụ Mỹ, thông tin cá nhân được tạo bằng hộ chiếu, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng và thị thực. Một số hoạt động nhất định đang được tiến hành nhân danh họ: giao dịch tài khoản, gửi thư từ, kết bạn trên mạng xã hội.
Trong khi “chiến binh mặt trận vô hình” đang tham gia vào một nhiệm vụ gì đó bí mật ở Iraq hoặc Afghanistan, thì “người đóng thế” đồng thời đi du lịch khắp nước Mỹ, tiêu tiền bằng thẻ tín dụng, mua bảo hiểm xe hơi…
Chúng ta hãy tập trung vào thực tế rằng đây không phải suy đoán, mà là kết quả của cuộc điều tra từ một nhà báo uy tín, được công bố trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Nhưng thú vị hơn cả là những mục tiêu mà “đội quân bí mật” khổng lồ này được tạo ra.
Đầu tiên, đó là hoạt động tình báo cả bên trong và bên ngoài. Cần nhắc lại sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực ở Mỹ, điều này đã giải phóng tối đa bàn tay của các lực lượng đặc biệt.
Là một phần của cái gọi là “Đạo luật Yêu nước”, họ kiểm soát thư từ và điện tín của người dân, bất kỳ ai bị nghi ngờ dính líu đến khủng bố đều có thể bị bắt giữ và điều tra rất lâu trước khi thủ tục tố tụng được tiến hành.
Sau tiết lộ của Edward Snowden về mức độ lạm quyền Đạo luật Yêu nước đã bị thay thế bằng Đạo luật Tự do, làm giảm nhẹ quyền hạn của các cơ quan tình báo. Nhưng có vẻ như điều này là chưa đủ đối với Washington.
Thứ hai, những tiết lộ của Arkin chỉ ra rằng không chỉ “tin tặc Nga” khét tiếng bị cho là gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử, mà cả những “binh lính bí mật” của Mỹ cũng có thể hoạt động trên không gian Internet, đây là nơi mà các tài khoản giả có ích.
Thứ ba, người ta chú ý đến thực tế rằng hơn một nửa trong số 60.000 nhân viên tình báo là các chiến binh thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt, họ được mô tả như sau:
“Họ săn lùng những kẻ khủng bố ở các vùng chiến sự từ Pakistan đến Tây Phi, nhưng cũng xuất hiện ở những điểm nóng không được công nhận, bao gồm cả phía sau chiến tuyến của kẻ thù, thậm chí những nơi như Triều Tiên và Iran”.
Hãy nhớ rằng đây là các quốc gia có chủ quyền và trên lãnh thổ của họ, các điệp viên cùng chiến binh Mỹ đang hoạt động một cách bất hợp pháp.
Cuộc điều tra của nhà báo Arkin đang khiến cho giới chức quân sự và chính trị Mỹ cảm thấy đau đầu.
Newsweek