+
Aa
-
like
comment

Tiến sĩ nghiên cứu ung thư nổi tiếng người Việt giải đáp về virus Corona

28/01/2020 12:45

Bài viết rất hay và đáng tin cậy, cung cấp cho người đọc đầy đủ thông tin để không khỏi hoang mang và có cách phòng tránh đúng. Hiện tại fake news về Corona rất nhiều nên người dân cũng nên tỉnh táo, chắt lọc thông tin từ những nguồn lớn và uy tín.

Lời giải thích về những tin đồn xoay quanh virus Corona của tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư Quốc gia City of Hope (Mỹ). Cánh Cò xin giới thiệu đến bạn đọc.

TS Nguyễn Hồng Vũ trong phòng thí nghiệm.

Có phải Trung Quốc tạo ra con virus này từ phòng thí nghiệm?

Tin đồn này thuộc dạng “thuyết âm mưu” cho rằng chính phủ TQ đã chủ động tạo ra con virus này cho mục đích chiến tranh sinh học nhưng không may con virus này xổng chuồng ra ngoài hoành hành chính dân nước họ, kiểu như “gậy ông đập lưng ông”! Theo tôi, cho đến hiện nay các bằng chứng kết tội TQ lúc này là chưa thuyết phục khi dựa trên tốc độ công bố bộ gen mới của virus, các nghiên cứu về virus của TQ và vị trí phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán… Tuy nhiên, là một người làm trong ngành thì tôi khẳng định việc tạo ra một con virus như vậy do con người từ phòng thí nghiệm là một điều hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, mong mọi người khoan hãy buộc tội khi chưa có chứng cứ rõ ràng, chỉ nên đặt nghi vấn.

Có nhất thiết phải sử dụng khẩu trang N95 để ngăn nhiễm virus?

Cùng với dịch virus Corona bùng nổ thì thị trường khẩu trang cũng trở nên nóng hổi không kém. Mọi người đổ xô đi mua khẩu trang từ đơn giản như khẩu trang y tế đến đặc biệt hơn và mắc tiền hơn là khẩu trang N95 được cho là có thể lọc bụi có đường kính từ 300-750 nano mét. Các bạn nên nhớ virus có cấu trúc rất đơn giản và có kích thước rất nhỏ, trung bình khoảng 100 nanô mét. Với kích thước này chuyện virus lọt qua khẩu trang N95 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mục đích thực sự của khẩu trang trong việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm bệnh là ngăn ngừa các hạt nước (droplet) có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho.

Theo một nghiên cứu năm 2013 thì các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1000 nano mét), do đó có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét trở lên. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 về “hiệu quả của khẩu trang N95 so với khẩu trang y tế trong việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính” cho thấy “không đủ dữ liệu để chứng minh N95 tốt hơn”. Tóm lại, theo ý của tôi thì các bạn không nên tốn tiền chạy mua khẩu trang N95 (nếu khả năng kinh tế và tình hình thực tế không cho phép), các bạn có thể sử dụng khẩu trang y tế đúng cách (che hết nữa mặt từ trên mũi và đến cằm, sử dụng 1 lần) là cũng đã rất hiệu quả. Nếu các bạn mang thêm mắt kiếng (bất cứ loại nào) nữa thì càng tốt.

Có phải virus không sống được ở nhiệt độ trên 25°C?

Đây là nhận định sai lầm, cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37°C và lúc sốt chúng ta có thể lên đến 40°C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.

Bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm, thông thường chúng chết chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian chúng sống.

Trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS ngoài môi trường thì người ta cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25°C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh). Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn (ví dụ: 38°C và độ ẩm > 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1000 lần). Ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên. Do vậy, đây cũng là một điều đáng mừng cho những nước có khí hậu nóng ẩm và có nhiều nắng như ở Việt Nam trong việc hạn chế thời gian tồn tại của virus này ở môi trường ngoài cơ thể. Sử dụng phòng máy lạnh trong mùa dịch ít thôi nhe các bạn!

Có phải sẽ sớm có vaccine phòng ngừa/điều trị virus này?

Câu trả lời là KHÔNG. tôi tin rằng ít nhất phải 1-2 năm, nhiều thì chục năm mới có được vaccine phòng ngừa cho virus này. Virus Corona có vật liệu di truyền là RNA, một vật liệu không ổn định, dễ thay đổi nên khó có thể tạo được vaccine để phòng ngừa/điều trị chúng một cách dễ dàng. Dân gian có câu “Bắt đứa có tóc, không ai bắt kẻ trọc đầu”, trong trường hợp này bạn có thể coi virus Corona là kẻ trọc đầu.

Các bạn đã biết dịch virus SARS bộc phát vào năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa có vaccine nào nghiên cứu thành công, có thể sử dụng trên người! Một ví dụ khác là virus cúm (flu hay influenza) hoành hành theo mùa ở các xứ ôn đới cũng có vật chất di truyền là RNA, vaccine ngừa cúm phải chích lặp lại mỗi năm vì virus luôn biến đổi và hiệu quả phòng ngừa thường chỉ dưới 50%, có năm rất thấp (2014-2015) là 19%! Do vậy, các bạn đừng quá mong chờ vaccine cho 2019-nCoV trong thời gian gần!

Có phải đừng đánh giá cao 2019-nCoV vì nó không thực sự đáng sợ, tỉ lệ người chết còn thấp hơn SARS hoặc Flu?

Đây là một nhận định sai lầm, vì cho đến nay người ta thấy tốc độ lây nhiễm của virus này rất lẹ. So với dịch virus SARS, phải mất gần bốn tháng để SARS lây lan nhiễm 1000 người, trong khi đó virus Corona ở Vũ Hán đã lây nhiễm hơn 1200 người chỉ sau 25 ngày! Việc lây bệnh từ người sang người đã được khẳng định từ tuần trước và nghiên cứu gần đây nhất càng làm tăng thêm sự lo ngại khi cho thấy virus mới này có thể lây ngay cả khi người bệnh chưa có biểu hiện bệnh (nghĩa là trong giai đoạn ủ bệnh)! Đây có thể là một yếu tố quan trọng và nguy hiểm giúp tăng khả năng lây nhiễm của virus này. Tuy tỉ lệ chết do virus 2019-ncoV cho đến nay ước tính khoảng 3-4% thì số lượng người bị nhiễm tăng nhanh cũng đồng nghĩa với tổng lượng người chết do virus này cũng sẽ tăng.

Có nên dừng các hoạt động du lịch của người dân Trung Quốc Trung (ít nhất là những người từ Vũ Hán) ở Việt Nam?

Câu trả lời là CÓ. Việc dập dịch hiệu quả nhất hiện nay là “cô lập người nhiễm bệnh” để điều trị, không cho virus có cơ hội truyền nhiễm tiếp sang người khác và khiến virus chết trong vùng cô lập! Trung Quốc đã nhận ra điều này dù hơi trễ. Họ đã có những động thái mạnh và phù hợp như cô lập thành phố Vũ Hán từ ngày 22 tháng 1 và hàng loạt các thành phố khác có biểu hiện bộc phát dịch sau đó, khẩn trương xây cấp tốc các bệnh viện với hàng ngàn giường bệnh, chuẩn bị đổ hàng ngàn nhân viên y tế (chủ yếu là quân y) đến các vùng dịch để chiến đấu, hủy các buổi lễ chào mừng Tết cổ truyền, các nhà chùa đóng cửa, Tử Cấm Thành ngưng hoạt động và cả khu vui chơi nổi tiếng Disneyland ở Thượng Hải cũng nghỉ,…! Mình hy vọng với những động thái như thế này dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát ở Trung Quốc trong thời gian tới.

Cho đến nay, hầu hết những người phát hiện mang virus ở ngoài Trung Quốc là những người xuất phát từ Vũ Hán (đi du lịch hoặc trở về nhà sau chuyến du lịch). Do vậy, theo tôi, việc “dừng các hoạt động du lịch của người dân Trung Quốc (ít nhất là những người từ Vũ Hán) ở Việt Nam” là RẤT CẦN THIẾT để ngăn chặn cơ hội lây lan của dịch bệnh. Điển hình cho việc phòng ngừa này đã được thực hiện ở các nước như Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới từ rất sớm và gần đây vào ngày 24 tháng 1, các quan chức Philippines xác nhận rằng ước tính khoảng 500 khách du lịch Trung Quốc mới đến từ Vũ Hán đã được hồi hương do lo sợ về dịch virus Corona đang diễn ra dù rằng tại thời điểm đó không có hành khách nào thể hiện các triệu chứng của căn bệnh này.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư Quốc gia City of Hope (Mỹ)

Bài mới
Đọc nhiều