Đây là lý do Samsung, Intel, LG không chọn Việt Nam để đầu tư tiếp dự án tỷ USD
Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, LG đã đến Việt Nam khảo sát và nghiên cứu đầu tư. Tuy nhiên, sau quá trình đánh giá, họ lại quyết định chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút và giữ chân các nhà đầu tư quốc tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nguyên nhân chính khiến các tập đoàn này không chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư là do các chính sách hỗ trợ đầu tư của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn và cạnh tranh. Trong khi đó, các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã nhanh chóng thay đổi và áp dụng những chính sách hỗ trợ đầu tư đa dạng và hấp dẫn hơn. Những chính sách này không chỉ bao gồm ưu đãi thuế mà còn hỗ trợ trực tiếp về tài chính, với các gói hỗ trợ có thể lên đến nhiều tỷ USD.
Một số dự án nổi bật đã chuyển hướng đầu tư từ Việt Nam sang các quốc gia khác bao gồm:
– Dự án LG Chemical: Đề xuất dự án sản xuất pin với yêu cầu Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất bằng tiền mặt, sau đó chuyển hướng sang Indonesia.
– Dự án Intel: Đề xuất dự án sản xuất chip trị giá 3,3 tỷ USD, yêu cầu Việt Nam hỗ trợ 15% chi phí bằng tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan.
-Dự án AT&S: Tập đoàn bán dẫn của Áo đã khảo sát và dự kiến đầu tư tại Việt Nam, nhưng do không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ chi phí và thiếu lao động công nghệ cao, họ đã chuyển hướng sang Malaysia.
Ngoài ra, một số dự án công nghệ cao lớn tại Việt Nam cũng đang tạm ngừng hoặc chững lại chờ đợi các chính sách mới từ phía chính phủ. Ví dụ, Samsung thông báo sẽ dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ, LG tạm dừng kế hoạch đầu tư mới trị giá 5 tỷ USD, và SMC (Nhật) đang xem xét đầu tư 500 triệu – 1 tỷ USD tại Đồng Nai.
Theo Bộ KH-ĐT cho rằng, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tăng trưởng qua các năm gần đây, nhưng số lượng các dự án có quy mô vốn lớn và hàm lượng công nghệ cao vẫn còn khiêm tốn. Các chính sách ưu đãi của Việt Nam chủ yếu dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế) và tiền thuê đất, chưa đa dạng và không bắt kịp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh sự ra đời của Thuế Tối thiểu toàn cầu, các chính sách hiện tại của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn để cạnh tranh với các quốc gia khác.
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này, Bộ KH-ĐT đề xuất thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư với các nguồn thu từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác. Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, bao gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
Mục tiêu của chính sách hỗ trợ đầu tư mới là nhằm giữ chân và thu hút các doanh nghiệp lớn với chuỗi cung ứng và mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh rộng lớn, có ảnh hưởng tích cực đến kinh tế – xã hội. Với mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầy tham vọng, trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 150-200 tỷ USD, tương đương 30-40 tỷ USD/năm, và giai đoạn 2026-2030 là khoảng 200-300 tỷ USD, tương đương 40-50 tỷ USD/năm, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ đầu tư đột phá và chọn lọc cao là vô cùng cấp thiết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt và sự thay đổi nhanh chóng của các chính sách hỗ trợ đầu tư trên toàn cầu, Việt Nam cần phải thay đổi và cải tiến các chính sách của mình để không chỉ thu hút mà còn giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư và áp dụng các chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghệ cao là một bước đi đúng hướng, nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ đầu tư quốc tế. Hy vọng rằng, với những thay đổi này, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế trong thời gian tới.
Bích Ngân