+
Aa
-
like
comment

Đây là “cơ hội” để trả lời câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?”

09/04/2020 06:10

Góp sức cùng Nhà nước và Nhân dân lúc này không chỉ là trách nhiệm, là bổn phận với Tổ quốc mà còn là tình cảm và niềm tin yêu!

Đây là cơ hội để trả lời câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?” - 1

Cái câu nói nổi tiếng từng xôn xao dư luận này là của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Tại phiên tòa xử ly hôn, ông Vũ đã nói nguyên văn: “Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”.

Ngay lập tức, câu hỏi này đã nhận được nhiều phản hồi. Một tờ báo còn tổng kết hàng chục hồi đáp. Người thì muốn nhiều tiền để mua nhà đẹp, xe siêu. Người thì nghĩ đến du lịch đó đây. Người thì dành cho con cái du học. Có người đơn giản hơn, chỉ là mua một cái váy đẹp, thậm chí ăn một bữa sang…

Và khi đó, như nhiều người, tôi cũng đi tìm cho mình câu trả lời đó dù biết rằng chỉ là… ví dụ thôi.

Ví dụ (ví dụ thôi nhé), tôi có nhiều, rất nhiều tiền, tôi sẽ làm gì nhỉ? Xin kể lại cuộc trò chuyện của tôi với một người bạn đại gia.

Người bạn ấy mất khi khối tài sản có tới nhiều ngàn tỉ đồng. Trong một lần nói chuyện phiếm, khi tôi tỏ ra mong ước giàu có như anh, bạn tôi nhẹ nhàng bảo:

“Ông không có tiền nên nghĩ thế thôi. Tiền nhiều để làm gì?”. “Mua nhà, sắm xe, ăn nhậu, đi du lịch…”. Tôi đáp.

Bạn tôi trầm ngâm một lát, nói: “Ông mua cái biệt thự 20 tỉ (khi đó, 20 tỉ đồng lớn lắm), xe ông mua cái 10 tỉ. Tôi hỏi nhà rộng thế để làm gì? Ai ở? Ở sao cho hết? Rồi đi đâu mà xe với cộ? Còn đi du lịch, ông chưa được đi thì ao ước thế thôi chứ đến nơi xa lạ, món ăn không hợp, ngôn ngữ không biết, bạn bè không có… Chỉ riêng việc ngồi máy bay cả chục giờ đồng hồ đã nhừ cả lưng lối ra rồi. Còn ăn uống, em út, xin lỗi ông chứ ăn nhiều mà gout, uống nhiều mà hỏng gan, em út thì tan cửa, nát nhà”.

“Thì ông từ thiện…”. Tôi thăm dò.

“Có chứ. Mỗi khi thiên tai hay gặp những hoàn cảnh khó khăn, tôi đâu có tiếc. Nhưng cũng có mức độ và tùy thôi. Tôi có thể tặng những người cần cù, tiết kiệm, không may gặp cảnh khó khăn, đau ốm chứ không có lý gì tôi lại phải cho những kẻ lười biếng, cờ bạc, rượu chè… Loại này, nghèo thì ráng chịu, nhé!”.

Nhờ câu chuyện này nên khi nghe câu nói “tiền nhiều để làm gì?” ấy, tôi không mấy ngạc nhiên dù vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng giờ thì tôi đã láng máng hiểu ra.

Hiên nay, cả thế giới đang gồng mình chống trả “giặc” dịch Corona. Nước ta rất may, nhờ có biện pháp tốt, sự đồng tình ủng hộ của toàn dân nên cho đến thời điểm này (chiều 8.4), tuy có hơn 251 ca mắc bệnh nhưng đã có 126 ca được chữa khỏi. May mắn nhất, chưa có ca tử vong nào.

Song, về kinh tế thì chúng ta đã và sẽ thiệt hại, tốn kém rất nhiều. Ngân sách của ta thì hạn hẹp…

Rất mừng là những ngày qua, đồng bào cả nước người nhiều, người ít, người có của, người có công, người không có của, có công thì có lời động viên, chia sẻ và chấp hành tốt khuyến cáo của Bộ Y tế, qui định của Chính phủ, đồng lòng, đồng sức chống lại căn bệnh quái ác này.

Của ít, lòng nhiều, bằng mọi biện pháp, đã có hàng trăm tỉ đồng được quyên góp. Từng cân gạo, quả trứng và suất ăn miễn phí đã đến với những người gặp khó khăn vì dịch giã.

Chính phủ đã đồng ý chi hơn 61 ngàn tỉ đồng hỗ trợ và hiện, công việc đang được gấp rút triển khai. Sáng 8/4, UB Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân theo đề nghị của Chính phủ.

Thế nhưng, dù rất lo và chia sẻ với dân, nhưng Quốc hội cũng đang “nhấc lên, đặt xuống” bởi nếu dịch bệnh còn kéo dài thì lấy tiền đâu ra? Như đã nói ở trên, nước ta còn nghèo, ngân sách eo hẹp…

Chia sẻ khó khăn, những ngày qua đã có nhiều doanh nghiệp, đại gia không tiếc tiền bạc ghé vai cùng Chính phủ. Có cá nhân đã góp hàng trăm tỉ đồng và vẫn còn tiếp tục góp thêm.

Điều này, Nhà nước và Nhân dân luôn ghi nhận và tri ân những tấm lòng nghĩa hiệp.

Và tôi chợt nghĩ, đây cũng là lúc trả lời câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì?” nếu như không dùng trong lúc đất nước đang đứng trước thảm họa dịch bệnh “nước sôi, lửa bỏng” này?

Còn người thì còn của. Tiền bạc có thể sẽ hết nhưng sự biết ơn thì mãi mãi còn.

Những tâm sự này, tôi mong đến tai tác giả câu nói nổi tiếng “tiền để làm gì” và cả những đại gia chưa lên tiếng!

Góp sức cùng Nhà nước và Nhân dân lúc này không chỉ là trách nhiệm, là bổn phận với Tổ quốc mà còn là tình cảm và niềm tin yêu!

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều