+
Aa
-
like
comment

Đầu voi bị chảy máu, chủ giải thích khó tin

10/02/2022 18:34

Theo giải trình của chủ voi ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), đầu voi bị chảy máu là do cây đâm trong quá trình di chuyển từ rừng về khu du lịch?

Ngày 10/2, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và QLBVR Đắk Lắk đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đến thông tin hoạt động du lịch cưỡi voi trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Theo báo cáo, trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hình thức du lịch cưỡi voi vẫn diễn ra tại các điểm du lịch. Ngày 8/2, trên các trang mạng, báo chí lan truyền một số hình ảnh cưỡi voi và bạo hành voi.

Ngày 9/2, Trung tâm đã phối hợp với Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch và Công ty du lịch Cầu treo huyện Buôn Đôn đến gặp trực tiếp chủ và nài voi để xác minh vụ việc.

Voi bi bao hanh o Dak Lak anh 1
Theo lý giải của chủ voi, đầu voi bị chảy máu là do cây rừng đâm. Ảnh: N.An

Qua làm việc, ông Y Gai Bya (chủ voi) đã có bản tường trình về việc voi bị chảy máu là do cây rừng đâm vào tai trong quá trình di chuyển từ rừng về trung tâm du lịch chứ không hề có hành vi bạo hành với voi.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và QLBVR Đắk Lắk, trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã đến các đơn vị phục vụ du lịch cưỡi voi tuyên truyền vận động chủ voi, nài voi không thực hiện các hành vi đánh đập, bắt voi làm việc quá sức, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ voi.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin voi bị hành hạ, oằn mình cõng khách du lịch. Theo đó, tác giả đến với Buôn Ma Thuột mới hiểu sao voi ở đây mãi là “trẻ con”, vì ngà cứ mọc ra là bị cưa, lông đuôi cứ mọc là bị cắt với quan niệm cổ hủ về việc lông voi sẽ mang lại may mắn.

Du khách này viết: “Đến với hồ Lak – bản Jun có ngay dịch vụ cưỡi voi ở ngay bên hồ. Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm một cây gậy với phía đầu là móc sắt nhọn, móc vào tai và đầu voi để điều hướng và “răn” chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới. Ở bản Đôn ngày Tết có 6 con voi, chúng làm việc từ 8h sáng đến 17h và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa với tần suất khách tới thăm lên đến vài nghìn người/ngày”.

Voi bi bao hanh o Dak Lak anh 2
Chủ voi sẵn sàng cắt lông đuôi voi bán khi khách có nhu cầu. ẢNH: N.An.

Bài viết sau khi đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Nhiều người lên án hành vi bắt voi phải phục vụ con người quá sức.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 37 con voi nhà, tập trung tại các huyện Lắk và Buôn Đôn, trong đó đa số đã quá tuổi sinh sản. Trong 40 năm trở lại đây voi nhà tại Đắk Lắk chưa sinh sản được voi con nào. Đàn voi nhà đang ngày một già đi và chết dần.

Ngọc Nguyễn

Bài mới
Đọc nhiều