+
Aa
-
like
comment

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đừng vì lãi suất cao

Đỗ Mạnh - 12/07/2020 09:00

Theo thông tin chính thức từ Công ty Chứng khoán SSI thì tại Việt Nam quý I/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất sôi động. Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường.

Nếu so sánh tỷ lệ phát triển thị trường trái phiếu với GDP của một số nước như Thái Lan là 20,80%, Hàn Quốc là 73,57%; Malaysia là 33,77%, Singapore là 46,34%. Thì con số 9,91% GDP của Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn sơ khởi và đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn nữa để phát triển thị trường này. Điều đặc biệt là, mặc dù tốc độ tăng trưởng được đánh giá là đang ở trong giai đoạn sơ khởi song trên thị trường Việt Nam đã có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia. Ở đây chúng ta có thể phân các nhà đầu tư cá nhân ra làm hai nhóm

Một là những nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm đầu tư trên thị trường chứng khoán, họ luôn theo sát và nắm tương đối chắc quy luật phát triển của thị trường và lường trước được những rủi ro sẽ gặp phải. Vì vậy nhóm này họ thường thận trọng trong mọi quyết định đầu tư, trong đó có sự lựa chọn doanh nghiệp và những trái phiếu phát hành của doanh nghiệp đó. Họ không vội vã mua vào những trái phiếu có lãi xuất cao mà quan tâm nhiều hơn đến tương lai của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Hai là nhóm những nhà đầu tư cá nhân chạy theo lãi suất, nghĩa là cứ trái phiếu có lãi xuất cao là họ quyết định mua mà không quan tâm nhiều đến khả năng phát triển của doanh nghiệp đó. Nhóm này sẽ là nhóm dễ gặp rủi ro lớn khi doanh nghiệp thua lỗ.

Đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng có nhiều loại. Có những doanh nghiệp chỉ vì cần vốn mà họ phát hành trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu để thu hút các nhà đầu tư ,còn đưa ra những cam kết sẽ mua lại trái phiếu của nhà đầu tư nếu sau này nhà đầu tư có nhu cầu bán lại với một mức phí nhất định. Việc cung cấp các thông tin về tình hình sức khỏe doanh nghiệp thì cũng không phải các doanh nghiệp nào cũng giống doanh nghiệp nào. Hiện nay, mặc dù Bộ Tài chính luôn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát đối với hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán trong hoạt động phát hành, đầu tư, giao dịch và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, song vẫn có những sơ hở. Trên thực tế đã có những ý kiến lo ngại rủi ro từ việc phát hành để “đảo nợ” và làm méo mó thị trường, tuy nhiên, cũng về vấn đề này nhiều ý kiến lại cho rằng, tái cơ cấu các nguồn vốn là việc các doanh nghiệp luôn cần làm. Việc các doanh nghiệp khi khởi nghiệp đi vay vốn ngân hàng cho kế hoạch phát triển dài hạn là đương nhiên. Vì vậy khi đến thời kì đáo hạn các doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vốn mới để tất toán các khoản nợ cũ là đương nhiên.

Vấn đề ở chỗ là các nhà đầu tư là muốn tránh rủi ro thì cần quan tâm tới sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc các doanh nghiệp vay nợ nhiều chưa chắc đã phải là những thông tin xấu. Việc tái cơ cấu các khoản nợ xấu cũng vậy. Nếu tái cơ cấu để doanh nghiệp hồi phục trở lại và sinh lời thì đó là việc cần phải làm. Điều quan trọng là, các thông tin tài chính doanh nghiệp luôn phải minh bạch và được điều chỉnh trong khung pháp lý của nhà nước và các cơ quan.

Năm 2020, mặc dù thị trường trái phiếu phát triển nhanh song với quy mô như hiện nay chưa phải là lớn, nên việc phát hành trái phiếu vẫn chưa trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp, thị trường thứ cấp chưa phát triển, thanh khoản sau khi phát hành thấp, tính công khai minh bạch còn hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân cho đến nay vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ tiềm lực tài chính đầu tư dài hạn. Vì vậy, hiện nay các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là ngân hàng thương mại. Các quỹ đầu tư chưa tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư cá nhân dẫu có xu hướng tăng mua nhưng không có khả năng phân tích rủi ro và thiếu kinh nghiệm đầu tư.

Vì vậy, để việc thị trường phát triển một cách lành mạnh có sự kiểm soát của nhà nước và là nơi thu hút các nhà đầu tư tư nhân thì, Bộ Tài chính cần nghiên cứu và đưa ra các giải pháp. Trong đó, hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý thị trường, giám sát quá trình diễn biến của thị trường nhằm giúp các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân yên tâm bỏ vốn làm phong phú thêm nguồn vốn phục vụ cho quá trình phát triển xã hội.

Một điều đáng chú ý là, trong thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi covid-19. Kinh doanh thua lỗ, lợi nhuận âm nhưng vẫn đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Điều này, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cao cho những nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy, nếu những nhà đầu tư cá nhân muốn tránh được rủi ro, đặc biệt là, trong điều kiện lãi suất ngân hàng đang trong thời kì giảm, trong khi đó nhóm lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lại tăng cao. Lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Việc sở hữu trái phiếu, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ là chủ nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán, thanh khoản của doanh nghiệp. Đặc biệt là, trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay chưa có một tổ chức trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân trước khi quyết đinh mua trái phiếu doanh nghiệp, đừng quá quan tâm nhiều đến lãi suất mà nên tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối, trong đó đặc biệt lưu ý quan tâm đến cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Vì trong nhiều trường hợp mức phí bán lại có thể còn cao hơn cả phần chênh lệch so với lãi suất tiền gửi.

Đỗ Mạnh

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều