+
Aa
-
like
comment

Đầu tư mạnh vào chống ngầm mặt nước sẽ là chìa khóa cho sự đổi mới

05/11/2021 20:29

Một lực lượng chống ngầm mặt nước mạnh mẽ sẽ giúp Hải quân Việt Nam bảo vệ chủ quyền trước những thách thức của nước lân cận cũng như sự gia tăng số lượng tàu ngầm khu vực Tây Thái Bình Dương.

Sau thỏa thuận AUKUS về kế hoạch đóng mới tàu ngầm hạt nhân cho Australia với sự giúp đỡ của Anh và Mỹ, giới phân tích nhận định các quốc gia trong khu vực sẽ tăng cường đóng mới, mua sắm tàu ngầm để đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tuy nhiên, việc mua sắm tàu ngầm thường rất tốn kém và không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng tài chính cho việc nâng cấp hạm đội tàu ngầm mới.

Chống ngầm mặt nước sẽ là chìa khóa

Giới phân tích quân sự cho rằng biện pháp chống tàu ngầm tốt nhất là đầu tư vào tàu ngầm. Tuy nhiên, tàu ngầm vốn rất đắt đỏ trong mua sắm và tốn kém trong vận hành. Do đó không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng đóng mới hoặc mua sắm tàu ngầm.

“Giải pháp rẻ tiền hơn là đầu tư vào khả năng đối kháng khác, đơn cử là các tài sản có khả năng tác chiến chống ngầm như tàu chiến, trực thăng và máy bay cánh cố định”, Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói.

Hải quân Việt Nam đã được đầu tư 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc loại hàng đầu thế giới. Đây sẽ là lực lượng trụ cột trong năng lực tác chiến chống ngầm của Việt Nam. Tuy vậy, với đường bờ biển dài, khu vực cần quản lý rất rộng, nên 6 tàu ngầm vẫn còn quá mỏng.

Bên cạnh đó, năng lực tác chiến chống ngầm mặt nước của Hải quân Việt Nam còn khá hạn chế. Trong 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9, chỉ có 2 tàu được trang bị vũ khí chống ngầm. 3 tàu hộ vệ săn ngầm Petya cùng 2 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang.

Do đó, Hải quân Việt Nam cần đầu tư thêm về năng lực tác chiến chống ngầm mặt nước.

Hải quân Việt Nam cần đầu tư thêm về năng lực tác chiến chống ngầm mặt nước

Loại tàu nào phù hợp?

Công nghiệp đóng tàu Nga đã phát triển biến thể chuyên dùng cho tác chiến chống ngầm từ tàu hộ tống lớp Karakurt thuộc Đề án 22800. Theo một số nguồn tin, biến thể chống ngầm của tàu hộ tống Karakurt được trang bị tổ hợp chống ngầm tối tân Paket-NK.

Loại tàu hộ tống săn ngầm này có thể kết hợp thành biên đội với các tàu khác để nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm mặt nước cho Hải quân Việt Nam.

Nếu tới đây hợp đồng mua thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard nâng cấp được thực hiện, năng lực tác chiến chống ngầm mặt nước của Hải quân Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể.

Bên cạnh đó, lớp tàu tuần tra Đề án 22160 với module vũ khí chống ngầm có thể là một lựa chọn phù hợp với ngân sách quốc phòng còn hạn chế của Việt Nam. Tàu này có thể mang theo trực thăng chống ngầm giúp mở rộng phạm vi và năng lực chống ngầm.

Tàu hộ tống lớp Karakurt thuộc Đề án 22800

Một ứng viên khác là tàu hộ tống săn ngầm tàng hình Kamorta của Ấn Độ. Lớp tàu này có thiết kế hiện đại với khả năng tàng hình, hệ thống vũ khí chống ngầm mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chi phí cho mỗi tàu của Ấn Độ khoảng xấp xỉ 300 triệu USD, quá cao cho một tàu chỉ chuyên về chống ngầm.

Chống ngầm bằng đường không là một giải pháp khác có tầm bao phủ trên quy mô rộng, tốc độ xử lý nhanh. Máy bay luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với bất kỳ tàu ngầm nào nếu bị phát hiện.

Hiện tại, Không quân Việt Nam đang vận hành 3 máy bay vận tải đa năng C-295 do CASA của Tây Ban Nha sản xuất. Việt Nam hoàn toàn có thể mua thêm phiên bản CN-295MPA được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải và chống ngầm.

Phi cơ này có tầm hoạt động tối đa tới 5.000 km rất phù hợp cho nhiệm vụ tuần tra hàng hải và chống ngầm trên đường bờ biển dài của Việt Nam.

Giải pháp khác là đầu tư thêm trực thăng chống ngầm đi cùng tàu chiến. Tuy nhiên, việc đầu tư thêm trực thăng chống ngầm đòi hỏi phải đầu tư thêm tàu chiến mới có khả năng mang theo thực thăng.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều