+
Aa
-
like
comment

Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng

13/10/2019 06:28

Những ngày vừa qua, bài báo “Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản” và những ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh, cán bộ, đảng viên tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận xã hội; được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Cùng với tiếp tục phê phán, chỉ ra hậu quả, nguyên nhân của những sai phạm , dư luận chung cho rằng để đẩy lùi căn bệnh trên, cần phải xử lý cả bằng kỷ luật và pháp luật, sự vào cuộc và sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng. BBT xin tiếp tục trích đăng một số ý kiến.

Toàn Đảng, toàn dân chủ động, kiên quyết nhận diện, đấu tranh

Bệnh công thần là vô cùng nguy hiểm. Người ta tự cho mình là công thần rồi nói năng bất chấp đúng sai. Mấy hôm nay, các đồng chí của tôi đến chơi đều không đồng tình về việc một vị tướng được phong danh hiệu anh hùng nhưng lại lên mạng xã hội nói về vấn đề Biển Đông, nói về các tướng lĩnh quân đội không đúng sự thật.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến.

Đồng chí đó được tìm hiểu nhiều về lịch sử, có nhiều thông tin, đáng nhẽ phải phát biểu có tính xây dựng thì lại đưa ra những quan điểm sai trái, không đúng sự thật. Mà giả sử có đúng là tướng không qua chiến tranh thì đã sao, đó là một điều đáng mừng cho dân tộc, cho đất nước. Bây giờ anh em được đào tạo qua Học viện Quốc phòng, tiếp thu các kiến thức đã được đúc kết qua các cuộc kháng chiến cả trong nước và thế giới. Thời chúng tôi ra trận kẻ địch đối kháng trực tiếp, còn bây giờ trong thế giới hội nhập, xu thế đối thoại hơn đối đầu ,vì vậy cần phải có đối sách mềm dẻo, linh hoạt để vẫn giữ được độc lập chủ quyền trong hòa bình, phát triển. Đối ngoại quốc phòng thời gian qua là rất hay. Ta vẫn rèn luyện, sẵn sàng lực lượng để chỉ dùng khi bất đắc dĩ, nhưng chưa cần thiết thì dùng giải pháp thảo luận, trao đổi, đối thoại.

Bây giờ nói đến giải quyết xung đột mà cứ nói là đánh đi thì là tướng hiếu chiến. Không đánh mà vẫn giữ được độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ thì mới hay. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày xưa có câu nói nổi tiếng: “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Tướng làm chính trị ra trận đấy! Rồi biết bao anh hùng từ nông dân mà ra như Hoàng Cầm, Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn… Cái “Trí” của người làm tướng là phải hiểu đúng thời cuộc, biết tận dụng được sức mạnh hiện có. Thế hệ bây giờ rất thông minh, bản lĩnh. Nhìn vào sự phát triển, lớn mạnh của quân đội bây giờ, thử hỏi Bộ Quốc phòng chỉ đạo có gì là sai? Lực lượng lớn mạnh về mọi phương diện. Chúng ta tham gia có trách nhiệm với quốc tế về gìn giữ hòa bình, trung thành với Đảng, với nhân dân, vậy thì phải mừng, phải hoan nghênh ủng hộ chứ. Tôi có 50 năm trong quân ngũ, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nhìn vào thế hệ lãnh đạo quân đội hôm nay, vào tương lai đất nước, tôi rất vững tin. Tôi đề nghị không chỉ những cựu chiến binh mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nhận diện, đấu tranh với bệnh công thần, kiêu ngạo. Chính Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần vào cuộc, có những ý kiến chính thức để đấu tranh với những hiện tượng công thần, kiêu ngạo, gây hại cho Đảng, cho đất nước, quân đội và nhân dân.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân KHUẤT DUY TIẾN (Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1)

———————-

Không để những người công thần khoe khoang, ngụy biện, làm hại đất nước và quân đội

Tôi từng tham gia suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi chiến đấu tại chiến trường Campuchia, chứng kiến bao hy sinh, mất mát của đồng đội, của nhân dân. Cho nên, nói đến công lao thì hãy dành sự tôn vinh ấy cho các anh hùng liệt sĩ và sự hy sinh to lớn của đồng bào ta trong các cuộc chiến tranh giữ nước.

Trung tướng Lê Nam Phong.

Thế hệ chúng tôi chỉ biết hiến dâng hết thảy cho Tổ quốc với khát vọng mãnh liệt và niềm tin cháy bỏng là độc lập, tự do, là hòa bình, hạnh phúc. Trở về với đời thường đã mấy chục năm qua, tôi và nhiều đồng đội, nhiều tướng lĩnh trận mạc vẫn dõi theo bước tiến của thế hệ hôm nay và đặt niềm tin vào tài năng, trí tuệ của họ sẽ phát huy tốt vai trò, sức mạnh của quân đội dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Thời gian qua, tôi có nghe thông tin về một vài cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu có những phát ngôn thiếu chuẩn xác, mắc bệnh công thần. Khi có dư luận phản đối thì họ ngụy biện rằng: “Đó là sự thật, tôi chỉ nói lên sự thật”. Đây là cách mà một số người cố bào chữa cho tính khoe khoang, tự cho mình là người có công lao lớn trong lịch sử, biết hết mọi việc. Sự cao ngạo, tự đánh giá thường hay phiến diện, chủ quan. Điều mà anh nhận thấy đã chắc gì là sự thật? Anh biết được mấy phần trong “sự thật” đó mà đã vội chỉ trích, phán xét theo suy nghĩ chủ quan?… Ở đời, càng ra sức khoe khoang về cái gì thì sẽ càng thất bại về cái đó. Người có công lao thực sự không cần thiết phải nói ra mà hãy để lịch sử soi xét, hãy để thế hệ hôm nay đánh giá, tôn vinh.

Sự kiêu ngạo đi trước, ắt sự bại hoại theo sau! Chớ nên ngụy biện, tự huyễn hoặc mình, bởi điều mình biết, mình đã làm rất bé nhỏ chẳng đáng khoe khoang. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, không để những công thần khoe khoang, ngụy biện, làm hại đất nước và quân đội

Trung tướng LÊ NAM PHONG (Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng)

———————-

Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý

Đọc các bài báo phê phán căn bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản đúng dịp có nhiều thông tin trên mạng cũng như dư luận xã hội về một cán bộ quân đội nghỉ hưu gần đây, tôi rất bức xúc.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.

Việc làm của vị cán bộ đó là hoàn toàn sai trái, trái với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, trái pháp luật. Cán bộ, đảng viên trở về với đời thường việc gì biết hãy phát biểu. Nội dung phát biểu phải đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; không được kích động chiến tranh.

Người cán bộ, đảng viên phát ngôn phải tôn trọng sự thật, không được xuyên tạc, bịa đặt, vu khống. Việc cố tình nói xấu, bịa đặt, vu khống người khác là sai trái cả về đạo lý và pháp lý. Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý.

Tôi là người từng học chung một khóa với cán bộ lãnh đạo bị họ xuyên tạc nên rất biết thông tin cụ thể. Chúng tôi học tập quân sự, chính trị toàn diện, trong đó môn bản đồ địa hình là một trong những nội dung chúng tôi được học tập kỹ. Hồi đó chúng tôi học có 40% chính trị, 45% quân sự, 15% các lĩnh vực khác. Sau này lên cao hơn, các đồng chí này được học thêm tại Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, được trải qua thực tiễn từ các cấp chiến dịch, chiến lược; đã qua chiến đấu, trưởng thành từ chiến sĩ. Các đồng chí đã được Đảng và Nhà nước, nhân dân tín nhiệm giao trọng trách là những người đứng đầu trong quân đội. Việc xét bổ nhiệm của các đồng chí ấy là việc của tổ chức, của tập thể và đã có đánh giá đúng đắn. Tôi cho rằng, một cán bộ chính trị sang làm công tác quân sự hoàn toàn phù hợp. Thực chất đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không đơn thuần chỉ là cán bộ quân sự, bởi đồng chí giữ chức Phó bí thư Quân ủy Trung ương…

Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN (nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)

———————-

Xem xét các danh hiệu, tư cách hội viên với người không còn xứng đáng

Cách đây hai năm, tôi đã phải lên tiếng về việc kẻ xấu lợi dụng, mạo danh tôi để xuyên tạc lãnh đạo của Đảng, của quân đội. Giờ đây lại xảy ra chuyện chính cán bộ cao cấp của quân đội nghỉ hưu vì bệnh công thần, kiêu ngạo mà nói xấu quân đội, làm cái việc trước đây chỉ từng xảy ra với những kẻ xấu chống phá Đảng, Nhà nước, tôi thấy rất đáng buồn.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.

Chúng ta, ai cũng chịu trách nhiệm một phần với lịch sử của đất nước, là người mang nợ với đất nước và quân đội. Nguyên nhân của bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản là do chưa rèn luyện vững vàng, chưa suy nghĩ đúng đắn về trách nhiệm với dân tộc, Tổ quốc, nhân dân và quân đội.

Quân đội ta có hàng triệu người có những người được rèn luyện lâu dài trong một lĩnh vực nào đó, có những cán bộ trong thời gian ngắn hơn. Mình chưa được rèn luyện nhiều trong cuộc sống thì luôn luôn phải kiêm tốn, như Bác Hồ nói đại ý: Việc học tập là quyển vở, không có trang cuối cùng.

Có cán bộ không làm theo lời Bác, tự cho mình là đúng nhất, phủ nhận tất cả mọi ý kiến khác, nhất là ý kiến của tổ chức. Như ông cán bộ nói trên có lẽ không phải là người thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nên nhận xét vội vàng, hồ đồ, phủ nhận quyết định của Nhà nước đối với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của quân đội. Khi ông có một chút công lao với đất nước lại tự kiêu ngạo và cho rằng ý kiến của mình có thể đứng trên ý kiến của người khác, như thế là thiếu khiêm tốn. Chúng ta cần phê phán bệnh công thần, bệnh kiêu ngạo cộng sản, không thể để một người phủ nhận công lao, thành tựu chung của đất nước, của quân đội.

Có thể họ muốn bôi nhọ cán bộ thì tìm cách viện nhiều lý do. Phê bình phải mang tính xây dựng, không nên đả phá. Ý kiến như vậy là không tốt, chúng ta phải nghiêm khắc phê phán. Và với trường hợp có nhiều vi phạm như vừa qua, cần xem xét rút lại một số danh hiệu, thậm chí có thể cho ra khỏi Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Thiếu tướng HUỲNH ĐẮC HƯƠNG (Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng ban đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày TP Hà Nội)

———————-

Không có nương nhẹ, không có vùng cấm trong xử phạt

Trong thực tế, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta rất tôn trọng và đánh giá cao những công lao, đóng góp của những người đã từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc và được ghi nhận, phong tướng… nhưng nay khi nghỉ hưu, một số cá biệt lại có phát ngôn xuyên tạc, đưa thông tin sai đến công chúng, tạo bức xúc trong xã hội là không thể ủng hộ được nữa, nói đúng hơn là phải kỷ luật.

Tiến sĩ Trần Công Trục.

Như vừa rồi, có một vị tướng nghỉ hưu phát ngôn tại cuộc tọa đàm khoa học về Biển Đông, người cán bộ đó phải tự xem lại rằng cái nơi mà ông ta phát biểu đã được cấp phép chưa, đã đúng chưa. Tôi nghĩ là không đúng, không phù hợp. Thứ hai là trong thời điểm hiện nay, những phát ngôn của cán bộ trên có phù hợp không, hay chỉ góp phần gây hoang mang dư luận. Thứ ba là nội dung phát biểu đó, tôi cho rằng đấy chỉ là ý kiến chủ quan cá nhân, không có tác dụng trong việc đưa ra ý kiến đóng góp tích cực cho Đảng, Nhà nước, quân đội trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông. Tôi cho rằng, vị tướng này không nắm rõ được luật pháp quốc tế. Dưới góc độ nhà nghiên cứu, tôi thấy Đảng, Nhà nước đang rất sáng suốt trong việc giải quyết vấn đề biển Đông để bảo đảm lợi ích hợp pháp của quốc gia; đồng thời cũng bảo đảm cho việc không tạo cớ cho những thế lực muốn áp đặt, lợi dụng để gây rối.

Đây cũng không phải lần đầu vị tướng nghỉ hưu này xuyên tạc về đối ngoại quốc phòng. Ông ấy đã từng đưa ý kiến vào sách những phát ngôn gây hại cho quân sự quốc phòng. Tôi là nhân chứng trong sự kiện năm 1988, tôi khẳng định rằng những phát ngôn của ông ấy hoàn toàn sai, gây tác hại nghiêm trọng, bị các thế lực chống phá, thù địch lợi dụng, làm hại cho quốc gia, dân tộc.

Thậm chí ông ấy còn nói xấu lãnh đạo đang đảm đương vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước, hoặc nói ra những thông tin bí mật quốc gia… là không có động cơ trong sáng. Đây là một sự kèn cựa của những người được gọi là công thần của đất nước và vi phạm vào tội để lộ bí mật quốc phòng. Tôi đề nghị cần phải xem xét, xử lý nghiêm túc, cho dù người đó có thể từng có công, thậm chí là anh hùng, có nhiều danh hiệu. Vừa rồi cũng có sĩ quan cấp tướng của công an từng là anh hùng bị xử lý theo pháp luật. Không thể nương nhẹ mãi được, làm những điều bất lợi cho đất nước, để lộ bí mật quốc gia là phải nghiêm trị. Về những hội thảo mang danh khoa học được tập thể hoặc cá nhân tự tổ chức ra, chưa được cấp phép thì cũng cần được làm rõ và xử lý.

Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC (Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ)

———————-

Nhân dân luôn tin tưởng vào lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ quân đội

75 năm qua, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn được in đậm trong con tim của mỗi người Việt Nam với sự tin yêu, trân trọng. Tinh thần vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi là truyền thống, bản chất tốt đẹp, là nét đẹp văn hóa mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tự hào. Tình đoàn kết quân dân là thiêng liêng, cao quý, không gì, không ai có thể phá vỡ được.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn.

Thời gian vừa qua, bên cạnh các thế lực thù địch chống phá đã xuất hiện một số người, trong đó có cả cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu mắc bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản, hẹp hòi, ích kỷ, có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cố tình xuyên tạc, nói xấu  Đảng, Nhà nước và quân đội. Những người này đã có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vì vậy chúng ta phải tích cực đấu tranh, phê bình, góp ý để họ nhìn ra sai phạm và khắc phục, sửa chữa. Còn những ai cố tình vi phạm, gây hậu quả xấu cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội thì chúng ta cũng phải cương quyết xử lý để giữ gìn kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và uy tín, danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Khoái Châu chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong đó, có công tác quốc phòng, an ninh để góp phần thiết thực xây dựng quê hương Khoái Châu ngày càng giàu mạnh và phát triển.

NGUYỄN ĐỨC SƠN (Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)

———————-

Đẩy lùi bệnh công thần, kiêu ngạo

Là một sĩ quan trẻ, một giảng viên đang đi thực tế ở đơn vị cơ sở, những ngày qua, tôi đọc rất kỹ loạt bài về bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản trên Báo, nhất là ý kiến của các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp. Tôi cảm thấy rất tâm đắc nhưng cũng rất trăn trở không hiểu vì sao có cán bộ quân đội cao cấp nghỉ hưu, từng là tấm gương truyền cảm hứng cho chúng tôi nay lại làm những việc mà chính chúng tôi cũng cảm thấy xấu hổ, khó trả lời khi nhân dân thắc mắc.

Trung tá TS Hà Sơn Thái.

Từ thực tế ấy, càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi vì sao đồng chí ấy am hiểu lịch sử, từng viết bài giới thiệu câu chuyện về Bác Hồ và Thiếu tướng Nguyễn Sơn trên báo mà lại không làm theo lời Bác? Có giai thoại là với việc tặng Thiếu tướng Nguyễn Sơn 12 chữ Hán: “Đảm dục đại, tâm dục tế, trí dục viên, hạnh dục phương” (Đại ý: Gan cần lớn, Tâm cần tinh tế, Trí cần vẹn toàn, Hạnh phải thẳng ngay), Bác ngầm giáo dục, nhắc nhở khi đồng chí chưa muốn nhận quân hàm Thiếu tướng và có một số biểu hiện chưa phù hợp khác. Lời gửi gắm ấy khiến vị tướng hiểu ra, ngày càng tiến bộ.

Bác Hồ cũng từng cảnh báo những người vì bệnh công thần mà có thái độ kèn cựa đối với cán bộ kế thừa mình. Năm 1961, khi về thăm quê lần thứ hai, Người đã có cuộc nói chuyện chỉ ra nhiều điều thấm thía. Người nói: “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên… đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Người còn phân tích những điều mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: “Không thể nạnh kẹ: chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lớn lên đã được đi xe… Sau này đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia… Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm…”.

Chúng ta cần thực hiện tốt hơn những lời dạy của Bác Hồ, dùng sức mạnh của tổ chức đảng, đoàn thể, của xã hội và cộng đồng để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cũng phải duy trì nghiêm túc kỷ luật của Đảng. Gần đây, có một cựu thứ trưởng có những bài viết, phát ngôn biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đã bị khai trừ khỏi Đảng, dư luận rất đồng tình. Những trường hợp cán bộ quân đội nghỉ hưu nếu có vi phạm tương tự cũng cần được xem xét, xử lý nghiêm minh.

Trung tá TS HÀ SƠN THÁI (Giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

———————-

Cần sự vào cuộc của Đảng, quân đội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cơ quan pháp luật

Tôi có theo dõi những sự việc một số cán bộ nghỉ hưu mắc bệnh công thần vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng khiến dư luận bức xúc mấy năm gần đây. Có trường hợp đã bị xử lý nhưng cũng còn trường hợp có nhiều lời nói, việc làm sai bị cộng đồng lên án vẫn chưa thấy xử lý. Hiện tượng này làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội.

 Luật sư Bùi Quang Thu.

Các ý kiến mà bạn đọc nêu vừa qua rất xác đáng, nhiều ý kiến vô cùng sâu sắc nhưng tôi nhận thấy chưa có nhiều ý kiến phân tích, xử lý về mặt pháp luật để đấu tranh hiệu quả với các căn bệnh trên. Vì vậy, với góc nhìn của một luật sư, tôi xin nêu kiến nghị một số vấn đề sau:

Hiện tượng cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu có biểu hiện công thần, phát ngôn, hành động nhiều sai trái như vừa qua nếu xét về kỷ luật của Đảng thì đã vi phạm khoản 2 và khoản 4, Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, khoản 2 có nêu quy định vi phạm:  “…tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Khoản 4 nêu rõ: “Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác…”.

Ngoài ra, họ cũng đã vi phạm khoản 1, Điều 10, Quy định số 102-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Cụ thể, nếu vi phạm các trường hợp dưới đây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật hình thức khiển trách: Tuyên truyền, sao chép, tán phát, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung xấu. Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và các phương tiện truyền thông khác, vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản và những quy định khác của Đảng và Nhà nước về phát ngôn, cung cấp thông tin, tuyên truyền, xuất bản. Khoản 2 của Điều 10 quy định nếu tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): a) Phát ngôn trái với quan điểm, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước; loan truyền những thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. g) Lợi dụng việc phát ngôn, chất vấn, trả lời chất vấn, nhân danh việc phản ánh, góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo Hiến pháp, pháp luật, thư ngỏ, hồi ký để đưa ra các quan điểm, thông tin gây tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước hoặc đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện có dụng ý xấu đối với tổ chức, cá nhân…

Về mặt pháp luật, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Với những dấu hiệu sai phạm của một số người như vừa qua, tôi nghĩ đã có đủ cơ sở để các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các cơ quan pháp luật, cấp ủy Đảng các cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các đoàn thể liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ, nếu xác định có vi phạm đến mức xử lý thì phải xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của đoàn thể liên quan.

Tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “…Như vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý… Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.

Luật sư BÙI QUANG THU (Đoàn luật sư TP Hà Nội)

———————-

Đừng để những “tấm gương mờ” làm giảm niềm tin của thế hệ sau

Những ngày vừa qua, theo dõi thông tin về bệnh công thần, kiêu ngạo xảy ra với hiện tượng một số cán bộ nghỉ hưu, trong đó có cả một vị tướng khiến cháu rất buồn.

 

Sinh viên Lưu Thị Phương Anh.

Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển, chúng cháu nhận thức rằng, để có nền độc lập, tự do như hôm nay, các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng những hy sinh, gian khổ. Từ các cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng đã xuất hiện những tấm gương anh hùng chiến đấu dũng cảm, quên mình, hy sinh dâng hiến cả tuổi thanh xuân, thậm chí xương máu, tính mạng của mình cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Có người từng được tôn vinh, báo chí, phim ảnh nhắc nhiều và trở thành thần tượng của chúng cháu. Thế mà không hiểu tại sao những người đó lại có thể thay đổi đến  như vậy?

Cháu cũng đã được nghe lời căn dặn của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhiều người đã vươn lên, tiếp tục đóng góp, dựng xây đất nước nhưng thật đáng buồn lại có một số ít thương binh công thần, lợi dụng danh nghĩa thương binh để tham gia vào những việc như đòi nợ thuê, gây sức ép ở những nơi cần giải phóng mặt bằng. Hay như vừa rồi, có nhóm người tự xưng là thương binh quậy phá đòi đặc quyền nhận vé vào xem bóng đá. Thậm chí có chủ tịch một hội liên quan đến thương binh mà lại tiếp xúc, tham gia các hoạt động do những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước tổ chức… thì phải chăng họ đã bị “phế” về tư tưởng, về nhân cách?

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công, hy sinh của cha ông, thế hệ trẻ chúng cháu luôn trân trọng và biết ơn. Nhưng chúng cháu thật sự cảm thấy thất vọng khi có trường hợp nhân vật là thần tượng của mình một thời bỗng dưng sụp đổ. Chúng cháu không muốn xảy ra điều đó. Ai vấp ngã cũng có thể đứng dậy. Những năm chiến tranh, từ phong trào thi đua, các đơn vị quân đội, các tập thể và toàn quân, toàn dân đã người người thi đua, xây dựng nên hình ảnh những người anh hùng. Vậy thì thời bình, khi họ mắc sai lầm, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, của toàn xã hội để phê bình, đấu tranh, giúp họ nhận thức, sửa sai, tiến bộ. Còn với những người không còn xứng đáng nữa thì cũng cần có kết luận rõ ràng, không để tốt xấu lẫn lộn, không để những tấm gương mờ làm giảm niềm tin của thế hệ đi sau.

LƯU THỊ PHƯƠNG ANH (Sinh viên Lớp Báo mạng điện tử K36A1 – Học  viện Báo chí và Tuyên truyền)

(Theo Quân Đội Nhân Dân)

Bài mới
Đọc nhiều