Đấu thầu cao tốc Bắc – Nam: Đừng quên “bài học” sừng sững giữa thủ đô
Khi tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận triển khai từ 2008 mãi đến tháng 3/2019 mới được 15% khối lượng thi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lập tức thay chủ đầu tư, loại bỏ thẳng ‘nhà đầu tư 0 đồng’. Còn đối với dự án cao tốc Bắc – Nam, trục xương sống quốc gia, tác động rất nhiều đến người dân ở cả khía cạnh kinh tế lẫn xã hội, quan điểm nhất quán của Thủ tướng cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu bật tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ngày 15/8.
Dự án cao tốc Bắc – Nam khiến bao người dân ngổn ngang lo lắng, nhất là sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: “Cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm”. Dư luận càng nghi ngờ nhà quản lý đã tính toán hướng tới chọn nhà đầu tư Trung Quốc?.
Trước những nghi ngại này, Bộ trưởng Thể khẳng định quan điểm của Thủ tướng rằng, dự án sẽ được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo quy định của pháp luật; đấu thầu công khai, minh bạch; đặc biệt xem xét đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc. Còn tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh một chỉ đạo của Thủ tướng: “Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia một số tuyến của dự án này”. Tin rằng, đây là điều mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn.
Dự án cao tốc Bắc – Nam dài 654km có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Trong đó, 3 dự án đầu tư bằng tiền ngân sách, 8 dự án đầu tư PPP theo hình thức hợp đồng BOT. Đây là dự án đường bộ có quy mô rất lớn từ trước đến nay, đi qua nhiều tỉnh thành cả nước, tổ chức đấu thầu quốc tế, làm cả nước quan tâm.
Thực tế ở nước ta, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có khả năng làm những dự án giao thông có quy mô lớn. Như cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tổng chiều dài hơn 84km, vốn 12.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư. Hay cao tốc Vân Đồn – Móng Cái gần 11.200 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư vừa được khởi công. Không ai có thể nghi ngờ năng lực của nhà đầu tư tư nhân này sau khi đã đầu tư thành công sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước là Vân Đồn và rất nhiều dự án “khủng” khác.
Không những thế, nhà đầu tư trong nước làm hầm Đèo Cả vượt tiến độ, giảm tổng mức đầu tư từ 15.600 tỉ đồng xuống còn dưới 12.000 tỉ đồng, nhờ đó dư ra gần 4.000 tỉ đồng để làm tiếp hầm đèo Cù Mông. Chưa có nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc nào làm lợi được như thế. Việc này là thực tế mà nhiều nhà quản lý không thể phớt lờ.
Ở nhiều nước phát triển, chính quyền vẫn luôn tạo điều kiện để nhà đầu tư nội, phát huy tiềm lực trong nước. Năm 1964, Hàn Quốc có chủ trương làm cao tốc Seoul – Busan, sau khi nghiên cứu và tính toán, ngành giao thông nước này đưa ra tổng chi phí xây dựng khoảng 65 tỉ won. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong muốn tham gia, nhưng chính quyền đã điều chỉnh dự án và tăng thêm vốn cho doanh nghiệp tư nhân trong nước để thực hiện là Tập đoàn Hyundai.
Hay như có những quy định bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở nước sở tại phải liên kết với nhà đầu tư ở nước đó để thực hiện dự án, chẳng hạn sử dụng bao nhiêu phần trăm nguyên vật liệu trong nước, sử dụng nhân sự. Một doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng ở Singapore trong lần về Việt Nam chia sẻ rằng: “Ở Singapore có quy định hẳn trong luật, nhà đầu tư nào hoạt động ở nước này đều phải sử dụng tối thiểu 60% nhân sự có quốc tịch Singapore”.
Chúng ta cần tham khảo các kinh nghiệm quốc khác về vấn đề này.
Tôi nghĩ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước chính là “tiếp sức” cho những doanh nghiệp có khả năng trong cuộc chơi mang tên cạnh tranh toàn cầu, thu hút thêm nhiều lực lượng lao động, giải quyết việc làm,… Cần có thêm quy định, nhà đầu tư nào trúng thầu dự án cũng phải liên kết với doanh nghiệp trong nước để thực hiện, cam kết chất lượng và không đội vốn khủng, chỉ được sử dụng lao động nước ngoài với những công việc đặc thù mà trong nước không thể đảm nhận.
Thực hiện một dự án tầm cỡ như cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, khối lượng công việc cực nhiều, liên quan đến nhiều tổ chức và ban ngành từ trung ương đến địa phương thì việc thu xếp vốn và chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự là vô cùng quan trọng.
Song, điều quan trong nhất vẫn là cơ quan, cá nhân triển khai thực hiện dự án này thì mới thành công. Hơn nữa, tránh trường hợp trở ngại bị kéo dài, đùn đẩy công việc, không ai chịu trách nhiệm. Vì vậy rất cần có người có tầm, có tài, có tâm. Đó là “nhạc trưởng” đủ khả năng chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng, làm đầu mối phối hợp thực hiện, kịp giải quyết trở ngại, xác định những việc nào cần làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền và hoàn tất theo lộ trình.
Cần nhìn đường sắt Cát Linh Hà Đông do đối tác Trung Quốc làm là một bài học. Thật kinh hoàng. Chỉ có 13 km mà 16 năm không xong. Đã chết bao nhiêu người vì tai nạn khi làm con đường này. Chúng ta còn sống dở chết dở vì nó với đống nợ cao tày núi và đã phải trả nợ từ năm 2017 đến nay rồi, dù chưa sử dụng được và sẽ còn rất lâu mới sử dụng được.
Thiết nghĩ, số tiền đội vốn từ năm này qua tháng nọ ở các dự án đang nằm chỏng gọng ngoài trời chờ ‘tiếp đạn’, chúng ta trang bị vũ khí hiện đại rải dọc bờ biển có khi lại hay. Với vũ khí hiện đại, chỉ rải dọc biển chúng ta cũng giữ yên được biển đảo của mình mà không cần xuất quân ra biển. Trung Quốc không làm được điều đó vì họ ở quá xa. Máy bay có ra oanh kích ở bãi Tư Chính thì cũng không còn nguyên liệu để quay về. Không quân chỉ phát huy được hiệu quả khi có tàu sân bay. Mà tàu sân bay thì chỉ tên lửa diệt hạm từ dọc bờ, ta cũng thổi bay được.
Cao tốc Bắc – Nam là dự án đặc biệt quan trọng, nối liền hai đầu đất nước. Lòng dân là vô cùng quan trọng, và không thể phớt lờ. Hãy nhớ, “bài học” sừng sững giữa thủ đô ấy giờ vẫn chưa xong.
Văn Dân