Đầu não của Mỹ ở Iraq bị tấn công: Tên lửa Patriot không kịp khai hỏa?
Cả hai căn cứ Al Asad và Erbil của Mỹ ở Iraq đều được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không Patriot, thế nhưng chúng lại không thể ngăn chặn được cuộc tấn bằng tên lửa từ Iran vào rạng sáng nay 8/1.
Sáng nay truyền thông quốc tế đều đồng loạt đưa tin, rạng sáng ngày 8/1, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng hàng chục tên lửa tấn công đồng thời vào hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Iraq là căn cứ không quân Al Asad và Erbil nhằm trả thù cho vụ ám sát Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani hôm 3/1 vừa qua.
Theo Sputnik, trong tổng số 15 quả tên lửa được Iran sử dụng thì có tới 11 quả đã đến được mục tiêu, hiện tại vẫn chưa rõ thiệt hại cũng như thương vong của Mỹ sau vụ tấn công.
Được biết, căn cứ Al Asad là mục tiêu số 1 của Iran trong vụ tấn công vào rạng sáng nay khi hứng chịu tới 10 quả tên lửa, số tên lửa còn lại đánh vào Erbil.
Military Times dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ từ Iraq cho biết, trong số tên lửa Iran tấn công căn cứ Erbil thì có tới ba quả bị tên lửa Patriot đánh chặn, một quả đánh vào được căn cứ và một quả không đến được mục tiêu.
Trong khi đó, ở căn cứ Al Asad dù cũng được bảo vệ bởi tên lửa Patriot nhưng không có thông tin nào cho thấy hệ thống phòng không này ngăn chặn được các tên lửa Iran khi vụ tấn công diễn ra, nhiều khả năng chúng còn không kịp khai hỏa.
Cũng từ các nguồn tin từ Iraq của Military Times, Al Asad là căn cứ chịu thiệt hại nặng nhất của Mỹ trong vụ tấn công bằng tên lửa của Iran, khi các hệ thống phòng không ở căn cứ này phản ứng một cách chậm chạp trước vụ tấn công, dẫn đến thiệt hại lớn.
Thất bại của của Patriot ở Al Asad lại khiến truyền thông Mỹ nhắc tới, sự kiện các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia bị phiến quân Houthi tấn công vào tháng 9 năm ngoái, khi các cơ sở này cũng được bảo vệ bởi tên lửa Patriot và trong suốt thời gian vụ tấn công diễn ra không có bất cứ tên lửa nào từ hệ thống phòng không này được bắn đi.
MIM-104 Patriot hiện tại là hệ thống tên lửa phòng không chính của Quân đội Mỹ và nhiều quốc gia đồng minh, nó cũng là “xương sống” trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc hiện tại.
Ở các phiên bản mới nhất như PAC-3 đang được Quân đội Mỹ sử dụng, hệ thống phòng không này có thể đánh chặn các mục tiêu tầm cao như tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 20-30km ở độ cao tối đa lên đến hơn 24.000m.