+
Aa
-
like
comment

Đâu là “ranh giới” của sản phụ F0 và y bác sỹ?

Đặng Trường - 11/09/2021 19:34

Mở mắt ra nè, mở mắt ra nhìn tôi, đừng có nhìn ai khác nhé
Bây giờ chị chỉ có một nhiệm vụ duy nhất thôi. Hít sâu vô…

Đó một trong số hàng chục câu nói ám ảnh xuất hiện trong phóng sự “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. “Ranh giới” không chỉ mô phòng lại ranh giới của mạng sống con người mà còn là ranh giới của các y bác sỹ đem đến nhiều cảm xúc bởi quá chân thực và khủng khiếp.

“Ranh giới” là sự chiến đấu của cả sản phụ F0 và đội ngũ y bác sỹ.

Bao nhiêu người xem “Ranh giới” có lẽ cũng đã thấy các y bác sỹ gần như thức thâu đêm suốt sáng, túc trực bên cạnh giường bệnh nhân nặng. Có những khoảnh khắc dựa tường, ngồi bệt chợp mắt ngắn ngủi rồi lại tất tưởi trợ giúp bệnh nhân thở oxy, đút từng muỗng cháo, ly nước cho bệnh nhân, gọi điện thoại xin cứu trợ, chi viện nhân lực lẫn vật lực. Có hình ảnh bác sỹ phải lên giường bệnh để ép tim lấy mạch đập cho sản phụ. Khoảnh khắc ấy, tất cả chúng ta đều đứng hình và chỉ biết cầu mong một phép màu. Ranh giới giữa sự sống và cái chết vốn dĩ mong manh nên khó tránh khỏi được hình ảnh bất lực, buồn bã trước sự ra đi của bệnh nhân.

Nhìn lại phóng sự dài 50 phút, chúng ta có thể cảm nhận những hình ảnh chân thực nhất về cuộc chiến giành lại sự sống của đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu chống dịch và bệnh nhân F0. Có lẽ, ai xem cũng thấy thương cho những bệnh nhân F0, thấy thương cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch đã làm việc không ngừng nghỉ, thương cho cả những quyết định buộc phải lựa chọn và thương cho cả những áp lực phải chịu đựng.

Hình ảnh y bác sỹ nỗ lực cứu sống bệnh nhân.

Một ngày, hai ngày, ba ngày, mười ngày, một tháng rồi ròng rã 4 tháng trời bám trụ tại khu cấp cứu điều trị. Với y bác sỹ tham gia lực lượng tuyến đầu thường thì không thể tránh khỏi áp lực và sự rệu rã trước hàng nghìn ca bệnh nặng. Nhưng đứng trước những con người và những số phận sống và chết, hầu như tất cả đều không thể nào đứng nhìn, bỏ cuộc. Chúng ta không thể diễn tả hết sự cống hiến, chiến đấu, hy sinh của họ. Hơn bao giờ hết, họ cũng cần được tôn vinh, đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ nỗi vất vả. Và nếu như có y bác sỹ, nhân viên y tế nào không chịu đựng nổi áp lực kinh khủng đó thì việc họ từ bỏ công việc, vị trí của mình là hoàn toàn có thể hiểu được. Thế nên, sẽ rất phũ phàng và chạnh lòng nếu như có công văn đề nghị xem xét kỷ luật hành chính hay tước bỏ bằng cấp của các y bác sỹ tự ý bỏ việc.

Ông bà ta có câu “Có thực mới vực được đạo” và hầu như ai cũng biết “vật chất quyết định ý thức”, đằng sau họ cũng có gia đình cần chăm sóc. Chính vì vậy, để các y bác sỹ, nhân viên y tế toàn tâm toàn ý cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì chúng ta không thể xem nhẹ chính sách đãi ngộ, quan tâm đặc biệt dành cho họ. Thật vui vì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hiểu và kịp thời chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y bác sỹ đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân. Điều này không chỉ cho thấy sự thấu hiểu, chia sẻ mà còn là một giải pháp ngăn chặn tình trạng các y bác sỹ tự ý bỏ việc, nhất là ở thời điểm đất nước và người dân đang rất cần họ.

Liên tục túc trực bên giường bệnh nhân.

Bỏ lại đằng sau những mất mát, hy sinh, đau thương, hình ảnh những sinh linh bé nhỏ ra đời giữa nơi tâm dịch, những sản phụ tươi tỉnh dần hồi phục chính là dấu hiệu của niềm tin, hy vọng về một tương lai, giống như nhà văn Nguyễn Khải từng nói “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng”. Hãy luôn tích cực và lạc quan để đón nhận tất cả những cơ hội, thử thách và quả ngọt trong cuộc sống.

Hình ảnh những đứa trẻ chào đời trong gang tấc sinh tử.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang bủa vây TP.HCM, những ai vẫn còn được sinh hoạt trong gia đình mà không phải bệnh viện, được hít thở bằng lá phổi khoẻ mạnh chứ không phải dùng máy thở thì hãy trân trọng vì bản thân đang rất may mắn. Vẫn biết người dân và doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhưng còn mạng sống thì chúng ta còn xây dựng lại được. Hãy thực hiện đúng những quy định chống dịch bởi khi đã thở bằng máy hay không đủ sức để đọc số điện thoại gọi người thân thì có hối hận cũng đã muộn màng. Đừng bao giờ đặt mình vào “ranh giới” giữa sự sống và cái chết, đó là điều mỗi người cần khắc cốt ghi tâm.

Đặng Trường

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều