+
Aa
-
like
comment

Dấu hiệu Việt Nam “khỏe” hơn so với phần còn lại thế giới

Huy Hoàng - 28/12/2022 13:12

Trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương (NHTW) thế giới nối gót Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, thì tại châu Á, một số NHTW của các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lại nỗ lực hạ lãi suất. Vì sao lại có xu hướng trái ngược nhau này? Và liệu động thái hạ lãi suất của những quốc gia kể trên có chứng minh nền kinh tế của họ “khỏe” hơn phần còn lại?

Sau chỉ đạo của Chính phủ, hàng loạt ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay

Vì sao một số quốc gia Châu Á đi ngược xu hướng?

Trong cuộc họp báo vào tháng 11, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda từng phát biểu: “Các ngân hàng trung ương ở Mỹ và Châu Âu đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất vì họ lo ngại về nguy cơ rơi vào vòng xoáy tiêu cực của việc tăng lương và tăng giá. Tình hình ở nước ta thì khác”. Và tại cuộc họp báo tháng 12 vừa qua, BoJ vẫn tiếp tục giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, ông Kuroda khẳng định vẫn quyết tâm với chính sách nới lỏng tiền tệ do lo ngại nền kinh tế nước này – vốn đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, không thể chịu đựng việc tăng lãi suất trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Tương tự, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần trong những tháng gần đây. Nhằm giảm bớt gánh nặng nợ cho các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà, giảm rủi ro do các khoản nợ xấu gây ra cho các ngân hàng sau khi thị trường bất động sản nước này rơi vào khủng hoảng do các vụ vỡ nợ trái phiếu.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda

Còn Việt Nam, sau hai lần nâng lãi suất điều hành, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nóng cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ vay cho các doanh nghiệp phục hồi sau một năm chống dịch.

Dường như có một đặc điểm chung giữa Việt Nam và hai quốc gia Châu Á kể trên đó là ở chỗ đều không sợ lạm phát. Dường như lạm phát không phải là mối nguy hàng đầu đối với kinh tế của những quốc gia này, và nó chỉ được xem là một yếu tố ngoại lai đến từ bên ngoài và có thể xử lý được thông qua những chính sách tiền tệ linh hoạt. Mặc dù cũng có một số tác động lớn do chính sách tiền tệ thắt chặt từ thế giới, như bong bóng bất động sản ở Việt Nam Trung Quốc mất thanh khoản và bắt đầu xì hơi. Song, cho đến nay, với chính sách tiền tệ linh hoạt, những tác động tiêu cực ở quốc gia này vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Việt Nam đang “khỏe” phần còn lại?

Vậy câu hỏi tiếp theo là với động thái hạ lãi suất, nền kinh tế của những quốc gia trên có được coi là khỏe hơn với phần còn lại?

Biểu đồ tăng lãi suất của Mỹ

Câu trả lời là có, dễ thấy nhất là với nền kinh tế Việt Nam. Khi lạm phát không phải đến từ trong nước, nợ công thì đã giảm liên tục qua nhiều năm và giờ đang trong ngưỡng an toàn là là dưới 55%, dự trữ ngoại hối dồi dào hơn 100 tỷ đô và liên tục được hỗ trợ bởi khả năng xuất khẩu, … Với những yếu tố trên chúng ta có thể hiểu vì sao Việt Nam tự tin với việc hạ lãi suất. Vì những bất ổn thực chất là đến từ bên ngoài và nền kinh tế đã có sự chuẩn bị tốt, đủ khỏe để không gây ra những tác động quá xấu. Nhờ có sự chuẩn bị tốt đó mà ngay từ đầu Việt Nam đã không bị rơi vào vòng xoáy tăng lãi suất chung của thế giới. Trái lại còn có khả năng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhìn vào Mỹ, nền kinh tế Mỹ được cho giàu có, song không thể được coi là ổn định vào thời điểm này. Nguyên nhân là do sai lầm của nhà điều hành tiền tệ. Hậu đại dịch, Mỹ đã bơm một lượng tiền khổng lồ ra thị trường, chính những gói kích thích tài chính khổng lồ này đã âm thầm bơm phồng quả bong bóng lạm phát. Cộng thêm việc các quan chức Fed đã sai lầm khi cho rằng lạm phát khi ấy chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng qua đi. Để giờ đây, lạm phát tại Mỹ đã leo lên mức cao nhất trong hơn 40 năm và bén rễ dai dẳng vào nền kinh tế Mỹ. Điều đó khiến các nhà đầu tư lo sợ rằng Fed sẽ phải chấp nhận một cuộc suy thoái đủ lâu trên toàn nước Mỹ để giải quyết lạm phát. Khác với khi ở Việt Nam, hằng năm chúng ta đều kiểm soát tín dụng bằng room tín dụng qua đó kiểm soát lạm phát, thế nên việc hạ lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng là điều nằm trong khả năng.

Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao đẩy nước Mỹ vào tình trạng suy thoái

Còn ở châu Âu, nền kinh tế châu âu là nơi gần nhất hứng chịu tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraine, cộng thêm những mối liên hệ mật thiết với Nga về năng lượng và sự tách mình khi chưa sẵn sàng, đã khiến cho cuộc khủng hoảng năng lượng đang ăn dần ăn mòn châu Âu từ bên trong. Giá năng lượng leo thang đã thổi phồng quả bong bóng lạm phát tại khu vực này, cộng thêm nợ công của nhiều nước châu Âu đang ở mức rất cao. Nền kinh tế không đủ khỏe để chống chọi tốt. Thế nên khi chính sách thắt chặt trở thành xu hướng và khiến đồng EURO trượt giá, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải quyết liệt tăng lãi suất điều hành, bảo vệ đồng tiền, bảo vệ tỷ giá và ngăn tình trạng nhập khẩu lạm phát.

Chung quy lại, nền kinh tế khỏe là nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt hiện nay của Ngân hàng nhà nước, và trước đó là còn nhờ Việt Nam đã đẩy nhanh giải quyết nợ công, tăng dữ trự ngoại hối và tìm cơ hội tăng trưởng thông qua những hiệp định kinh tế. Đặc biệt không thể không kể đến việc xử lý tham nhũng, qua đó thu hồi số tiền sai phạm, làm đầy lại ngân khố quốc gia, giúp Chính phủ có nguồn tiền chi cho đầu tư công, tự mình tạo được động lực tăng trưởng trong nước.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều