Dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở vụ chủ nhà trọ đuổi người thuê ở TP.HCM
Luật sư cho rằng hành vi đuổi người thuê ra khỏi nhà của bà chủ trọ ở TP.HCM có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác, cho dù người đó chậm nộp tiền nhà.
Mạng xã hội đang lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh và thông tin về chủ trọ ở TP.HCM đòi đuổi cô gái thuê nhà vì chậm thanh toán.
Theo thông tin trong đoạn video, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với giá 22 triệu đồng/tháng, đặt cọc 50 triệu đồng, đã thuê được 14 tháng (vừa ở vừa cho thuê lại).
Do ảnh hưởng của COVID-19, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày. Sang ngày thứ 8, chủ nhà đuổi đi, giữ lại toàn bộ tiền cọc.
Theo luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết, Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Điều 12 Luật Cư trú quy định: “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Đô, người thuê nhà ở và sử dụng căn nhà bằng hợp đồng thuê với chủ nhà. Như vậy, chỗ ở của người thuê nhà trong vụ việc trên là chỗ ở hợp pháp, được xác lập bằng hợp đồng thuê nhà.
“Mọi tranh chấp phát sinh đối với hợp đồng này, nếu các bên không thương lượng được thì một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Dù người thuê nhà không thanh toán đúng hạn thì chủ nhà cũng không được quyền đuổi ra khỏi nhà.
Chủ nhà có quyền yêu cầu tòa án giải quyết buộc người thuê nhà trả lại nhà do vi phạm hợp đồng. Việc cưỡng chế, buộc người thuê nhà trả lại nhà phải được thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, và phải được thực hiện bởi cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Hơn nữa, người thuê nhà chậm thanh toán tiền nhà 7 ngày thì chủ nhà cũng không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê”, ông Đô phân tích.
Theo luật sư, khoản 2 Điều 132 Luật Nhà ở quy định: “Chủ nhà chỉ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở khi bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng”.
Trong vụ việc này, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày thì chủ nhà không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chưa kể, dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng, là lý do chính đáng dẫn đến việc chậm thanh toán tiền thuê nhà.
Luật sư Đô cho rằng, hành vi đuổi người thuê ra khỏi nhà như trên là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người thuê nhà, có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự.
“Xét ở khía cạnh xã hội, trong thời điểm Nhà nước và cộng đồng xã hội chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, với tinh thần nhường cơm, sẻ áo, nhiều cá nhân, tổ chức có nghĩa cử vì cộng đồng. Không ít chủ nhà trọ ở TP.HCM và các tỉnh khác chia sẻ khó khăn với người lao động bằng cách giảm, miễn tiền thuê nhà.
Trong bối cảnh này, chưa xét ở khía cạnh pháp lý thì hành động của chủ nhà trọ trong vụ việc nêu trên có lẽ không hợp tình người”, luật sư Đô nói.