Đâu có gì mà phải “bàng hoàng” thưa bà Nghị sĩ
Ngày 5-1, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, phạt các bị cáo Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù cùng về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước. Có thể nói, đây là một bản án thích đáng, đúng người đúng tội đối với tội ác của những kẻ âm mưu chống phá Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đối tượng “dân chủ”, đồng bọn của các đối tượng này vẫn cố nuôi hy vọng “kêu oan”. Chúng dùng đủ mọi cách, mượn sự viện trợ của các tổ chức nước ngoài để gây sức ép lên Việt Nam…
Trên BBC Tiếng Việt mới đây có bài viết “Nghị sĩ Đức ‘bàng hoàng’ vì TS Phạm Chí Dũng không kháng án” với việc trích lời phỏng vấn bà Renate Künast, một nghị sĩ Quốc hội Đức. Theo đó trong bài viết, nghị sĩ này cho biết bà ta là người đã đứng ra vận động bảo trợ cho Phạm Chí Dũng đồng thời nói rằng “Một lần nữa các nhà hoạt động tại Việt Nam lại bị kết án tù dài hạn vì tranh đấu ôn hòa cho tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng như việc thành lập công đoàn tự do và độc lập… Với việc kết án này, Việt Nam đã vi phạm các công ước quốc tế mà nước này cam kết tuân thủ. Ngay bản Hiến pháp của Việt Nam cũng bảo đảm các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc kết án các công dân vì các hoạt động ôn hòa của họ là không chính đáng.” Ngoài ra, BBC Tiếng Việt còn viết rằng nghị sĩ Đức “tỏ ra lo ngại trước cách đối xử của chính quyền Việt Nam với ông Dũng và các nhà báo khác”.
Có thể thấy rõ, bà nghị sĩ Đức đang hiểu, hoặc cố tình hiểu một cách sai trái về đối tượng Phạm Chí Dũng và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Xin nói rõ rằng, việc Toà án Nhân dân TP.HCM tuyên án Phạm Chí Dũng dựa trên những chứng cứ xác đáng. Từ năm 2014 đến khi bị bắt, y thường xuyên tiếp xúc các đối tượng, tổ chức có tư tưởng có tư tưởng chống phá trong và nước ngoài, khởi xướng thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” để lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, lập trang web, blog “Việt Nam Thời Báo” nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phạm Chí Dũng thường xuyên viết những bài có hơi hướng, màu sắc “thâm cung bí sử” về chính trị và lồng ghép trong đó những quan điểm, tư tưởng, nội dung sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người đọc nhằm thu hút sự chú ý các tổ chức chống phá ở nước ngoài. Chúng còn nhận tài trợ của các thế lực, tổ chức nước ngoài trong việc nuôi dưỡng, “đào tạo nghiệp vụ” các phần tử chống đối. Trong phiên toà xét xử Nguyễn Chí Dũng đã khai nhận số tiền là 477 triệu đồng của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” và tiền “thù lao nhuận bút” là 75.886,59 USD, 1.118,13 bảng Anh và 4.725.753 đồng.
Hành vi của Phạm Chí Dũng đã vi phạm luật cực kỳ nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội khi tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân, gây bất ổn xã hội, đặc biệt những hành động đó hoàn toàn đi ngược lại với lợi ích của đất nước và dân tộc. Và bản án 15 năm tù là đúng người đúng tội vậy tại sao phải kháng cáo?
Hơn nữa, theo lời của bà Künast, Phạm Chí Dũng “tranh đấu vì tự do ngôn luận”. Xin nói rõ, ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận báo chí được hiểu đó là một quyền con người, quyền công dân. Về nội dung, đó là quyền của tất cả mọi người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, v.v. Bên cạnh quyền tự do báo chí, ngôn luận, còn bị hạn chế bởi quy định là: không được vi phạm “quyền, uy tín cá nhân”; không được làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng.
Tuy nhiên, các phần tử thù địch, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để tạo dựng những thứ gọi là “tự do ngôn luận” theo cách hiểu ấu trĩ, hạn hẹp, đầy hằn học với mưu đồ xấu xa. Đặc biệt, các đối tượng luôn miệng la lối, vu khống nhà nước xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dân. Chúng luôn miệng đòi “quyền lợi”, nhưng lại cố tình lờ đi “nghĩa vụ” phải có, rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Thực chất đó không phải là “tự do ngôn luận” mà là những lời lẽ, dòng chữ, hình ảnh, video clip chụp mũ, thêu dệt, xuyên tạc, áp đặt, chống phá đầy hằn học, hận thù, đen tối.
Vì thế, bà Nghị sĩ đừng tỏ ra “bàng hoàng” khi Phạm Chí Dũng không kháng án, bởi đó là cái kết hoàn toàn xứng đáng cho những hành vi phạm tội nghiêm trọng của y trong suốt những năm qua. Mỗi quốc gia có một hệ thống pháp luật khác nhau với những quy định khác nhau. Vì vậy, mọi sự so sánh, áp đặt về luật pháp đều là khập khiễng, sai lệch và vô căn cứ. Không một ai có quyền không chà đạp lên pháp luật. Do đó, những lời bàn luận, bao che bình phán về kết quả các phiên toà xét xử ở Việt Nam của nghị sĩ nước ngoài đều không có căn cứ.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.