Đâu chỉ người nghèo, giờ đây người giàu cũng trở nên “thiếu thốn”
Cuộc xung đột tại Ukraine và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Trong đó, chịu tác động nặng nề nhất phải kể đến khu vực châu Âu và châu Phi, hai khu vực vẫn thường được ví như là người giàu – kẻ nghèo.
Người nghèo kêu khổ!
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng hơn 80 triệu người tại vùng “Sừng Châu Phi” đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực. Đặc biệt, 7 quốc gia là Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda hiện đang trong tình trạng “báo động đỏ”, mọi người đã phải bán tài sản của mình để nuôi sống bản thân và gia đình.
Riêng tại Somalia, tuần trước, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết, 6 triệu người Somalia – tương đương 40% dân số nước này – đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Nước này có nguy cơ xảy ra nạn đói trong những tháng tới nếu tình hình hiện nay tiếp diễn. OCHA nhấn mạnh rằng Somalia đang “trên bờ vực của nạn đói, chết chóc tàn phá và lan rộng, nạn đói sẽ như trận bão lớn càn quét người dân nếu chúng ta không có những hành động ngay bây giờ”.
Tương tự, hạn hán nghiêm trọng cũng gây mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng tăng vọt ở nhiều khu vực tại Kenya. Hiện nay, khoảng 4,1 triệu người ở Kenya đang phải đối mặt với mất an ninh lương thực ở cấp độ khủng hoảng hoặc tình trạng khẩn cấp, tăng từ mức 3,5 triệu người chỉ vài tháng trước. Số người bị mất an ninh lương thực này tại Kenya cao hơn so cả hai giai đoạn hạn hán ghi nhận hồi năm 2010 – 2011 và 2016 – 2017. Trong khi đó, tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở mức đáng báo động. Ít nhất đang có 942.000 trẻ em dưới 5 tuổi và khoảng 134.000 phụ nữ mang thai hoặc cho con bú đang cần điều trị khẩn cấp.
Người phát ngôn của OCHA, ông Jens Laerke nhận định, nạn đói tại Sừng Châu Phi sẽ trầm trọng hơn từ tháng 10 đến tháng 12 tới. Đây hiện là nơi đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua. Còn người dân thì đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng sau 4 mùa thiếu mưa liên tiếp khiến gia súc và hoa màu bị tàn phá, trong khi xung đột và bạo lực vẫn tiếp diễn. Theo dự báo, giá lương thực tăng cao và thiếu nguồn lực tài trợ có thể khiến hàng triệu người dân nơi đây đứng bên “bờ vực chết đói”.
Người giàu “thiếu nước”!
Song song với việc khan hiếm lương thực tại châu Phi, tại một trong những khu vực phát triển nhất địa cầu là châu Âu, nước Anh cùng nước Pháp cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước đến “kiệt quệ”.
Các cơ quan khí tượng quốc gia của Anh và Pháp đã cùng đưa ra đánh giá chung rằng: “Tháng 7 vừa khép lại là một trong những tháng khô hạn nhất lịch sử, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước – điều vốn đã buộc các cường quốc này phải áp đặt những biện pháp hạn chế”.
Tại Pháp, điều kiện khô hạn đã khiến hơn 100 thành phố ở nước này không có nước sinh hoạt. Theo Cơ quan khí tượng Meteo Pháp, lượng mưa đo được tại nước này trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt 9,7 mm, giảm 84% so với mức trung bình của tháng 7 trong giai đoạn từ năm 1991-2022 và là tháng khô hạn thứ hai kể từ tháng 3-1961.
Hiện nay, hầu như toàn bộ các vùng tại Pháp đã buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng nước. Trên sông Rhine chạy dọc biên giới Pháp, các tàu thuyền thương mại đang phải giảm chuyên chở ở mức 30% công suất để tránh bị mắc cạn vì mực nước quá thấp.
Trên toàn nước Pháp, những người nông dân liên tục phản ánh về các khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho gia súc do đồng cỏ khô cằn, trong khi việc tưới tiêu đã bị cấm ở những đồng bằng rộng lớn. Ngành nông nghiệp Pháp đang phải vật vã để duy trì hoạt động trong bối cảnh cực kỳ eo hẹp về nguồn nước. Điều đó có nghĩa là khả năng tự chủ an ninh lương thực của những nền nông nghiệp hàng đầu thế giới cũng đã bắt đầu trở nên bấp bênh.
Tại Anh, do không có lượng mưa đáng kể nào được ghi nhận trong gần 2 tháng qua, Chính phủ Anh hôm 12/8 đã chính thức tuyên bố hạn hán trên cả xứ England sau nhiều tháng chứng kiến lượng mưa thấp kỷ lục và nhiệt độ cao chưa từng có. Theo số liệu ghi nhận được, lượng mưa trung bình của toàn bộ vùng England chỉ đạt 23,1 mm – mức thấp nhất trong các tháng 7 kể từ năm 1935. Đỉnh điểm mới đây, mọi khách hàng của các công ty cung cấp nước sạch đã được khuyến cáo “Hãy sử dụng nước tiết kiệm!”. Trên thực tế, thiếu nước đã trở thành nỗi ám ảnh của toàn bộ ngành sản xuất và dịch vụ tại Anh.
Tại thời điểm hiện tại, có lẽ các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau để tạo ra một phản ứng cụ thể về khí hậu và lương thực. Bởi khi đang cùng phải chịu đựng những thiếu thốn, những thảm họa trên toàn cầu, thì khoảng cách giàu nghèo sẽ không còn quan trọng nữa.
Lan Hoa