Dấu ấn nổi bật của người góp phần làm nên điểm sáng kinh tế
Những năm qua, đặc biệt là năm 2019, chúng ta đạt được khá nhiều thành tựu trên tất cả các mặt, các lĩnh vực và kinh tế là một điểm sáng trong các thành tựu đó. Trong thành tựu đó, có sự đóng góp không nhỏ của Ban Kinh tế Trung ương, mà người có vai trò không nhỏ đó là Trưởng ban Nguyễn Văn Bình.
Các chuyên gia đánh giá cao thành tựu kinh tế Việt Nam
Như thông tin đã đưa, năm 2019 là năm thành công của kinh tế Việt Nam thể hiện qua việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu vượt mốc 500 tỉ USD; đón trên 18 triệu khách quốc tế… là những con số ấn tượng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019. Qua đó, tạo được niềm tin của doanh nghiệp và người dân về sự ổn định, xu hướng gia tăng phát triển của nền kinh tế.
Những “tươi sáng” của nền kinh tế nước nhà đã mang lại cho các chuyên gia kinh tế những lạc quan nhất định. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Năm 2019 kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hai năm liên tục chúng ta hoàn thành vượt mức chỉ tiêu và trong năm nay 5 chỉ tiêu vượt định mức, xuất nhập khẩu tăng cao trên 500 tỷ USD. Đây là độ mở rất lớn, về thu hút vốn đầu tư cũng rất cao, về mặt xã hội giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống. Đây là những điểm sáng”.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick đánh giá: “Nền kinh tế Việt Nam năm 2019 khép lại với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02%, tiếp nối đà tăng trưởng 7,08% – mức cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua – đã đạt được trong năm 2018 trước đó. Tiêu dùng tư nhân tăng 7,3% và đầu tư tăng 7,7%, niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục được củng cố, đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng. Với xung lực tăng trưởng mạnh, ADB đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,7% lên 6,8% trong năm 2020”.
Ngay chính Tạp chí U.S. News & World Report cũng công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay, theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái. Để đưa ra bảng xếp hạng 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, U.S. News & World Report đã khảo sát hơn 21.000 người từ 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, lấy ý kiến của khoảng 7.000 lãnh đạo công ty trên toàn cầu để đưa ra quyết định.
Khách quan hơn, xin dẫn thêm một Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố hồi cuối tháng 11 cho thấy: Giới doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn. Trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp Nhật Bản Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.
Dấu ấn của Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình
Có thể nói, Trưởng ban Nguyễn Văn Bình là cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngân hàng. Trong những năm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình đã có những quyết sách đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, bình ổn thị trường vàng-ngoại tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô. Nên khi được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương (11/4/2016), ông đã tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất, trí tuệ của mình trên cương vị mới. Với những hoạt động không biết mệt mỏi, ông Nguyễn Văn Bình đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu kinh tế nước nhà trong những năm gần đây.
Trong công tác đối ngoại. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã có nhiều chuyến công tác nước ngoài, cũng như tiếp đón, làm việc với nhiều lãnh đạo các nước, lãnh đạo tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn. Gần nhất, nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã dẫn đầu đoàn cán bộ Việt Nam đến làm việc với Tập đoàn AES. Sau đó, ông Nguyễn Văn Bình tiếp Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) và Đại sứ CHLB Đức Guido Hildner. Trong chuyến thăm này, Trưởng ban kinh tế Trung ương còn gặp gỡ Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell, Chủ tịch Asia Group, cùng đoàn lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, thương mại, quốc phòng và công nghệ…
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Bình đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam dự Diễn đàn Kết nối Âu – Á do Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức vào trung tuần tháng 9/2019. Tham dự diễn đàn có hơn 1.400 lãnh đạo, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, và giới học giả các nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á, trong đó có Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, cùng Thủ tướng các nước Nhật Bản, Phần Lan, Croatia… Bên lề diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehico Nakao . Tiếp xúc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng của Đức Peter Altmaier,…
Dĩ nhiên, trong những chuyến công tác nước ngoài, cũng như những buổi tiếp các đại diện quốc tế, Trưởng Ban Kinh tế đã góp phần tạo dựng sự tin tưởng, kết nối giữa Việt Nam với các nước nói chung và các tập đoàn kinh tế quốc tế nói riêng để khai thác đầy đủ những tiềm năng hợp tác giữa các bên, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng – mục tiêu mà các bên đều mong muốn đạt được.
Song song, quán triệt tư tưởng nhất quán trong công tác đối ngoại, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình luôn nhấn mạnh các bên hợp tác nhưng phải đảm bảo tính thống nhất trong sự đa dạng về văn hóa, lịch sử và thể chế. Cần tăng cường đối thoại, tin cậy lẫn nhau, tuân thủ nghiêm túc luật lệ quốc tế.
Tham mưu, hoàn thành nhiều đề án kinh tế mang tầm chiến lược
Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Bình, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành một khối lượng đề án lớn và một số đề án có tầm chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Điển hình như Nghị quyết về Định hướng Xây dựng chính sách phát triển Công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” để ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đến năm 2020; Hoàn thành xây dựng Đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Đề án “Tổng kết 10 năm 2006 – 2016 việc thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững”…
Ngoài triển khai các đề án được giao theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Bình, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất của Ban về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội gắn với tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030.
Việc Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành tốt một số đề án có tầm chiến lược về kinh tế – xã hội, cộng với những hoạt động đối ngoại có tính hiệu quả cao…đã phần nào thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, có sự đổi mới, vươn lên của tập thể Ban Kinh tế Trung ương. Phản ánh sự tiến bộ và trưởng thành của Ban Kinh tế Trung ương trong những năm qua. Qua đó, đóng góp sức mình vào thành tựu chung của nền kinh tế nước nhà. Và ở đó, chúng ta không thể không nói đến những vai trò của ngài Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Sông Trà