Dấu ấn nhiệm kỳ khóa XII của Ban Tổ chức Trung ương
“Có lẽ chưa bao giờ tất cả vụ, đơn vị ở Ban Tổ chức Trung ương tham gia nghiên cứu, xây dựng đề án. Nhiều đêm, cả 4 phòng họp trong Ban đều đỏ đèn làm việc”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ, bố trí nhân sự của hệ thống chính trị. Đây cũng là cơ quan chuyên môn nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên của Trung ương.
Là người có gần 30 năm công tác tại đây, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng) đã phục vụ 6 đại hội Đảng toàn quốc và được tham mưu, giúp việc trực tiếp hoặc gián tiếp 6 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban là các ông: Lê Phước Thọ, Nguyễn Văn An, Trần Đình Hoan, Hồ Đức Việt, Tô Huy Rứa, Phạm Minh Chính.
Hơn ai hết, ông cảm nhận rất rõ sự thay đổi ở Ban Tổ chức Trung ương qua mỗi nhiệm kỳ, đặc biệt là những dấu ấn trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Đổi mới công tác nhân sự, góp phần vào thành công Đại hội Đảng XIII Đại hội Đảng XIII – sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là dấu ấn quan trọng của nhiệm kỳ. Góp phần vào sự thành công của đại hội trên cả 3 phương diện (văn kiện, nhân sự, tổ chức và phục vụ Đại hội) có công sức không nhỏ của Ban Tổ chức Trung ương.
Ban là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ở Trung ương và địa phương, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35 về “Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và ban hành hướng dẫn để thực hiện.
Chỉ thị số 35 vừa kế thừa Chỉ thị số 36, vừa bổ sung phát triển nhiều nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác xây dựng Đảng hiện nay, góp phần quan trọng để đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 cũng như Đại hội Đảng XIII thành công.
Cũng trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Điều lệ Đảng ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Trong các văn bản này, không thể không nhắc tới Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với nhiều nội dung được đổi mới, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và tạo được sự đồng tình, thống nhất cao.
Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và chuẩn bị nhân sự Đại hội XII của Đảng, sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, gồm 6 ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phục vụ công tác nhân sự Đại hội XIII được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn. Số lượng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khóa XII.
Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 222 người, giảm gần 300 so với số quy hoạch khóa XII (511 người).
Cũng rút kinh nghiệm của khóa trước, Bộ Chính trị tổ chức 5 lớp bồi dưỡng kiến thức, rút ngắn thời gian xuống 2,5 tháng và tổ chức 2 lớp học song song nên chỉ trong 7,5 tháng đã tổ chức xong các lớp đào tạo, bồi dưỡng thay vì 2 năm như trước kia. Việc này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và kinh phí.
Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII; không vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho “các nhiệm kỳ tiếp theo” như nhiệm kỳ trước.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được thực hiện theo quy trình 5 bước và trình tự: Chuẩn bị nhân sự tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là trường hợp “đặc biệt”. Ngoài “trường hợp đặc biệt” của Bộ Chính trị và Trung ương, lần này còn có “trường hợp đặc biệt tham gia lần đầu” với những quy trình xét duyệt dân chủ, chặt chẽ.
Mỗi “trường hợp đặc biệt” phải được Bộ Chính trị xem xét, cân nhắc nhiều mặt. Khi đã trình ra Bộ Chính trị rồi, phải thông qua Tiểu ban Nhân sự, rồi Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Đây là điểm rất mới mà khóa trước không có.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ của lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, việc chuẩn bị nhân sự cho khóa XIII được thực hiện rất bài bản, khoa học, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao nên các hội nghị Trung ương đều kết thúc sớm. Và cũng vì thống nhất cao ở Trung ương nên ra Đại hội không khí rất nhẹ nhàng, mọi công tác chuẩn bị đều nhận được sự đồng thuận”, ông Nguyễn Đức Hà nhận định.
Đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu Là cơ quan tham mưu chiến lược cho Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng trên nhiều lĩnh vực.
Ban Tổ chức Trung ương là đơn vị tiên phong thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, bảo đảm thực sự dân chủ, công khai, công tâm, khách quan, minh bạch.
Ông Nguyễn Đức Hà nhớ lại khi đó, việc Ban Tổ chức Trung ương tiên phong thi tuyển lãnh đạo được dư luận đặc biệt chú ý nên công tác tổ chức được thực hiện công khai về cả đối tượng và tiêu chuẩn. Hội đồng chấm thi ngoài lãnh đạo Ban còn có nhiều chuyên gia của các lĩnh vực nên việc xét duyệt rất chặt chẽ.
Ban cũng gương mẫu đi đầu trong việc kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy bên trong và tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan vượt yêu cầu đề ra.
Với tư tưởng tiên phong cải cách của người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhiệm kỳ qua, Ban Tổ chức Trung ương thực hiện thi tuyển công chức trẻ là những sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và đã từng đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh, kết hợp với xem xét kỹ lưỡng hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp, chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng lâu dài.
Đặc biệt, tất cả gần 100 hồ sơ dự tuyển, Trưởng ban đều xem xét kỹ hồ sơ và trực tiếp phỏng vấn.
Trong nhiều thành tựu đạt được ở nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng là dấu ấn không thể không nhắc tới. Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổng kết, sơ kết nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng trên hầu hết lĩnh vực của công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Việc tham mưu ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương cũng là một điểm nhấn trong nhiệm kỳ của Ban Tổ chức Trung ương.
Theo chuyên gia xây dựng Đảng Nguyễn Đức Hà, đây là quy định thiết thực, ngay khi vừa ban hành đã có hiệu ứng tích cực, đề cao trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên.
“Trong quá trình xây dựng, đây là một quy định nhạy cảm vì động chạm đến trực tiếp các đồng chí Trung ương, vì vậy, phải qua rất nhiều lần lấy ý kiến mới có thể thông qua”, ông Hà cho biết đồng thời nhấn mạnh có kết quả này là nhờ bản lĩnh và sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương.
Cũng nhờ quy định này, cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội với 48 chức danh đã không còn chuyện xì xào “nâng ông này, hạ ông kia”; lấy phiếu tín nhiệm với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm.
Nhắc tới nhiệm kỳ Đại hội XII cũng không thể không nhắc tới việc ban hành Quy định về Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Việc xây dựng đề án này xuất phát từ thực tiễn và cũng từ câu hỏi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến trong các Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, đó là “Chạy ai? Ai chạy?”
Với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận thấy cần tổ chức nghiên cứu để trả lời câu hỏi mà Tổng bí thư đặt ra và cũng chính là trả lời cho vấn đề từ thực tiễn đang làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Sau hơn một năm nghiên cứu và qua nhiều vòng lấy ý kiến, Quy định về kiểm soát được ra đời, trả lời rõ câu hỏi “Chạy ai? Ai chạy?” và hạn chế được tình trạng này.
Lan tỏa nhiệt huyết của người đứng đầu Nhìn lại những dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Nguyễn Đức Hà dùng ba từ “quyết liệt”, “nhiệt huyết”, “đầy lửa đam mê” với công việc chung để nói về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính trên cương vị là Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Dưới sự lãnh đạo của Trưởng ban, cán bộ trong cơ quan như được “truyền lửa”, “truyền cảm hứng” và tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong 5 năm.
Có nhiều kỷ niệm khi đảm nhiệm những công việc khác nhau ở Ban Tổ chức Trung ương, song ông Hà ấn tượng sâu sắc nhất về sự thay đổi trong phong cách làm việc và tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của Ban Tổ chức Trung ương ở nhiệm kỳ khóa XII.
Từ thời ông Phạm Minh Chính giữ cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, hầu hết vụ, đơn vị trong Ban, kể cả Văn phòng Ban, đều phải tham gia nghiên cứu, xây dựng các đề tài, đề án, không chỉ tập trung vào một số vụ chuyên đề như trước đây. Vì lẽ đó, nhiều đêm cả 4 phòng họp trong Ban đều “đỏ đèn làm việc”.
Không chỉ vậy, hầu hết đề án lớn trình Ban Chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến giai đoạn quan trọng hay những khi có những nút thắt cần được tháo gỡ, Trưởng ban đều trực tiếp ngồi cùng làm việc với cán bộ đến tận 12h đêm – 1h sáng.
Với không khí làm việc tâm huyết, đam mê và có nhiều “lửa” như vậy nên chỉ trong gần 3 năm đầu nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương ban hành 3 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
“Thực tế cho thấy, chưa có nhiệm kỳ đại hội nào mà trong 3 năm đầu, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành tới 4 nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đem lại kết quả rõ nét như nhiệm kỳ Đại hội XII”, ông Hà đánh giá.
Theo ông Hà, là một Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nhưng ông Phạm Minh Chính không có khoảng cách với cán bộ cấp dưới. Khi làm việc, ông luôn nói chuyện cởi mở, vui vẻ, chân thành và đặc biệt, ông nhớ tên mọi người trong cơ quan, kể cả những người mới về công tác.
Ông được nhận xét là lãnh đạo dân chủ, nghiêm túc, nhưng gần gũi, chân thành và chia sẻ với cán bộ cấp dưới. Khi làm việc, ông luôn nghiêm khắc và đòi hỏi rất cao đối với cán bộ dưới quyền. Nhìn lại quãng đường đã qua, những kết quả đạt được của Ban Tổ chức Trung ương và toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng chứng minh rất rõ vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu.
“Chính sự đam mê, tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu, dân chủ trong công việc và sự quyết liệt, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu đã tạo động lực lớn, sức lan tỏa nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả. Từ đó, tạo nên không khí sôi nổi, tinh thần hăng say làm việc của đội ngũ cán bộ trong toàn ngành, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
Hoài Thu