Dấu ấn đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nga
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Việt Nam ngay sát thềm Hội nghị Ngoại trường G20 tổ chức tại Indonesia. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng gì với Việt Nam?
Trong ngoại giao quốc tế, không có chuyến thăm nào là ngẫu nhiên và tất cả đều được lên kế hoạch chi tiết từ trước đó. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga đặc biệt ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm hai nước nâng tầm mối quan hệ. Đặc biệt, Nga đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khi đang bị cô lập về chính trị, chịu sự áp đặt của gần 6000 lệnh cấm vận từ Tây Âu và Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam luôn là đối tác truyền thống, chiến lược toàn diện, cầu nối tin cậy nhất của Nga. Hơn bao giờ hết, Nga cần Việt Nam ở thời điểm này.
Có luồng dư luận bỉ bôi rằng: “Việt Nam ủng hộ Nga, đối xử với Nga như thế mà dòng tiền đầu tư của Nga bỗng dưng chuyển sang Indonesia”. Có lẽ, một bộ phận đã hiểu sai và dùng sai từ “chuyển”. Thứ nhất, Nga không chuyển tiền từ đâu sang đâu cả. Việc Nga đầu tư vào Indonesia đã có thỏa thuận từ năm 2016. Đó là hoạt động hợp tác đầu tư mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia, cũng giống như Nga đang làm với Việt Nam hiện tại.
Với chuyến thăm mới nhất này, những vấn đề chưa được triển khai trong thời gian trước hoặc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 được kết nối lại. Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, đại diện hai công ty dầu khí Nga là Zarubezhneft và Gazpromneft đã đến thăm và làm việc tại nhà máy lọc dầu Dung Quất để tìm hiểu cơ hội hợp tác lĩnh vực dầu khí. Động thái này cho thấy Nga luôn muốn giữ vững vị thế đối tác năng lượng hàng đầu với Việt Nam.
Có thể thấy, nét nổi bật nhất trong quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga là sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được tăng cường và củng cố thông qua các lĩnh vực hợp tác truyền thống như an ninh năng lượng, quân sự. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nhấn mạnh: “Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí là một trong những trụ cột vững chắc của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga”. Điển hình là Liên doanh Vietsovpetro với 40 năm hình thành, phát triển và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Các công ty dầu khí lớn của Nga như Zarubezhneft, Gazprom tiếp tục triển khai nhiều dự án hợp tác với Việt Nam cũng như Liên doanh Rusvietpetro giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Zarubezhneft tại Nga.
Số liệu quân sự của Việt Nam năm 2020 cho thấy, gần 90% vũ khí của Việt Nam là mua từ Nga và những vũ khí này tạo nên xương sống cho sức mạnh của các quân binh chủng không quân và hải quân. Vì vậy, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov, hai bên còn hoàn thành các hợp đồng khí tài, bàn giao xe tăng T-90, máy bay huấn luyện Yak-130. Đặc biệt, năng lượng hạt nhân cũng là một trong các chủ đề mà hai bên đưa ra tại hội đàm. Mặc dù, dự án điện hạt nhân của Việt Nam đã tạm ngừng. Tuy nhiên trong suốt 10 năm qua, dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu công suất cao (15-20 MW) và trung tâm nghiên cứu hạt nhân xoay quanh lò phản ứng này (quy mô 400 nhân lực) vẫn đang được tiến hành. Cuộc hội đàm là một cơ hội tốt để đưa ra những quyết định quan trọng. Nếu dự án tái khởi động thì chắc chắn Nga sẽ là đối tác được ưu tiên hàng đầu.
Đúng như báo Độc Lập của Nga nhận định, chuyến công du của Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho thấy Nga đang định hướng lại các nguồn lực chính trị và ngoại giao với các nước đang phát triển. Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ổn định, luôn giữ đúng các cam kết, kiên định lập trường độc lập, tự chủ, chủ động và cầu thị trong các liên kết song phương, đa phương, đồng thời là thành viên uy tín của các tổ chức kinh tế, chính trị lớn trên thế giới, đã có sức hút vô cùng mạnh mẽ với nước Nga. Hy vọng, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong tương lai gần, quan hệ của Việt Nam và Liên Bang Nga sẽ có thêm nhiều thành tựu mới về mọi mặt, xứng tầm với danh xưng “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Đặng Trường