Dấu ấn đặc biệt của Thủ tướng Shinzo Abe trong quan hệ với Việt Nam
Thủ tướng Abe Shinzo sớm nhận ra tầm quan trọng của Việt Nam. Trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông đã 4 lần thăm chính thức Việt Nam, đất nước mà ông có tình cảm rất đặc biệt.
Ngày 28-8, Thủ tướng Abe Shinzo bất ngờ tuyên bố trước quốc dân quyết định từ chức vì lý do sức khỏe sau 7 năm 8 tháng “dốc toàn bộ sức lực và tinh thần” nỗ lực mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho đất nước và người dân xứ sở mặt trời mọc.
Là thủ tướng lâu năm nhất của Nhật Bản và chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế, thông tin ông từ chức khiến thế giới hụt hẫng và tiếc nuối. Nhiều người Việt cũng bày tỏ nuối tiếc vì sắp tới sẽ ít cơ hội nhìn thấy vị thủ tướng có nụ cười hồn hậu từng 4 lần thăm Việt Nam.
Việt Nam: Tầm quan trọng chiến lược với Nhật Bản
Quan hệ hai nước đã bước qua những giai đoạn khó khăn, khép lại những trang sử đau buồn để hướng tới tương lai. Để mối bang giao Việt – Nhật phát triển khắng khít như ngày nay, có sự đóng góp không nhỏ của Thủ tướng Abe Shinzo.
Ông Abe nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ ngắn ngủi đầu tiên làm thủ tướng vào năm 2006, thể hiện qua việc hai bên nhất trí đưa ra Tuyên bố chung “Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đến năm 2014, một năm sau khi ông Abe tái đắc cử thủ tướng, hai nước bên đã thiết lập khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng” khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật.
Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Và có thể nói, dấu ấn đậm nét của Nhật Bản xuất hiện trong gần như mọi mặt trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, với những con số ấn tượng. Chẳng hạn, Nhật Bản là nước tài trợ vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam (lũy kế), là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trên trường quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ trong chương trình nghị sự ở Liên Hiệp Quốc, ASEAN, hợp tác sông Mekong… Về vấn đề an ninh, Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả, như hỗ trợ lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, mà gần nhất là việc xúc tiến dự án giao 6 tàu tuần tra cho Hà Nội.
Việt Nam vinh dự tham gia vào các cơ chế quan trọng G20, G7 ở Nhật cũng có “bàn tay sắp đặt” của Thủ tướng Abe. Lấy ví dụ, năm 2016, Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng ở Nagoya. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm của G7, Việt Nam được mời tham dự G7 mở rộng. Đó là sự công nhận đối với “vị thế nâng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế”, theo chia sẻ của Thủ tướng Abe.
Có thể nói, Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo đã đóng vai trò quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam trong 8 năm qua.
Trong hoạn nạn, mới biết ai là bạn tốt
Có lẽ ít có lãnh đạo nước ngoài nào “quen” nhiều lãnh đạo Việt Nam như Thủ tướng Abe. Ngoài 4 lần thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Abe đã từng tiếp đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Nhật, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015.
Riêng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Abe trở thành đối tác và là người bạn. Hai thủ tướng rất quan tâm đến doanh nghiệp, kết nối đầu tư giữa hai nước. Chiều 5-6-2017, trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phúc và Thủ tướng Abe cùng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp, trong đó có 200 đại biểu doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là sự kiện có mặt đông đảo nhất đại diện doanh nghiệp hai nước.
Ít ai biết chiều hôm đó Thủ tướng Abe phải tham dự phiên họp theo quy định không thể vắng mặt tại Thượng viện Nhật Bản, và hai bên đã phải nỗ lực tối đa để ông Abe có thể có mặt để tham dự, phát biểu tại hội nghị.
Bên lề Hội nghị APEC ở Việt Nam năm 2017, hai nhà lãnh đạo cùng nhau đi bộ ở phố cổ Hội An, quê hương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng khai trương Không gian văn hoá Việt Nam – Nhật Bản.
Qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Trong thảm họa sóng thần và động đất năm 2011 ở Nhật, người Việt ở nhiều tầng lớp, độ tuổi đã quyên góp tiền và hiện vật giúp Nhật vượt qua thảm họa. Đáp lại, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chính quyền của Thủ tướng Abe đã hỗ trợ tài chính cho các thực tập sinh Việt Nam gặp khó khăn, bị kẹt lại ở nước này. Nhật còn hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế thông qua hợp tác song phương cũng như qua các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ theo nhu cầu của Việt Nam.
Có lẽ vì vậy mà trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 4-8 vừa qua, Thủ tướng Abe Shinzo đã chia sẻ một câu đáng chú ý: “Nhật Bản và Việt Nam khi hoạn nạn mới biết ai là bạn tốt”.
Và hẳn người Việt chưa quên câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Abe khi sang thăm Việt Nam năm 2013: “Hôm nay, tôi được đến thăm Hà Nội, còn gọi là Thăng Long, tin rằng Việt Nam sẽ phát triển như Rồng Bay”. Đó chính là tình cảm, mong ước chỉ có những người bạn thân thiết dành cho nhau. Và với Việt Nam, Thủ tướng Abe chính là người bạn thân thiết.
Tăng tiếp nhận lao động Việt
Với tinh thần nhân văn và chia sẻ, chủ trương linh hoạt và mở cửa, Thủ tướng Abe là người đưa ra chính sách tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Nhờ chính sách dưới thời ông Abe, rất nhiều người Việt Nam đã có cơ hội làm việc tại Nhật Bản, nhiều gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương cũng có thêm nguồn lực cho phát triển.
QUỲNH TRUNG – NHẬT ĐĂNG/TTO