Dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong 40 ngày đầu nhiệm kỳ
Vậy là hơn 40 ngày Chính phủ mới vận hành dưới sự “chèo lái” của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông đi nhiều nơi, gặp gỡ một số ngành. Cảm nhận ông là người tự tin vào năng lực của mình chứ không nhìn trước ngó khuôn mẫu. Ông đã và đang phát huy thế mạnh của mình từ kinh nghiệm thực tiễn quản trị với cải cách tiến bộ ở Quảng Ninh, cùng kinh nghiệm thực tiễn về công tác tổ chức và nhìn người khi là tướng an ninh và đặc biệt là Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Cảm nhận nữa là các phát ngôn, hành động của ông tuy chưa làm công tác Chính phủ trước đó nhưng đã được ông từ lâu nghiền ngẫm. Chính vì sự đúc kết kinh nghiệm và nghiền ngẫm này, các phát ngôn của ông không hề bộc phát.
Có thể thấy rất rõ điều này trong buổi tiếp xúc với cử tri Cần Thơ vào đầu tháng 5 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra rất đúng 4 khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt chính là: tình trạng già hóa dân số đáng báo động, nếu không có dự báo chiến lược thì sẽ bị động trong 5 – 10 năm tới; Cạn kiệt tài nguyên; Biến đổi khí hậu; và cuối cùng là an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống đang hết sức khó lương, như tình hình dịch bệnh hiện nay.
Cùng với chỉ ra những khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng thời đưa ra định hướng cơ bản để đưa quốc gia phát triển thịnh vượng, dựa trên 3 trụ cột: Con người; Thiên nhiên và Văn hóa; Truyền thống và Lịch sử. Đó là tiếp tục thực hiện 3 trụ cột hành động đổi mới. Đầu tiên là xóa quan liêu bao cấp; thứ hai là thừa nhận và phát triển đa thành phần kinh tế gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, và kinh tế tập thể; thứ ba là hội nhập quốc tế.
Đặc biệt cũng trong cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định “cán bộ là gốc, mọi sự thành bại đều do cán bộ.” Ông nhận định không nên cứng nhắc trong công tác cán bộ mà cần tìm ra giải pháp tốt nhất. Khi Thủ tướng đặt vấn đề này là ông quá hiểu công tác chọn cán bộ lãnh đạo hiện nay còn cứng nhắc (khuôn mẫu) và chưa có giải pháp tốt nhất. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm, càng phải phát huy dân chủ. Dù là vấn đề hạ tầng hay công tác cán bộ, phải huy động nguồn lực của sự đại đoàn kết …”.
Đáng chú ý, trong vòng ít ngày từ khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xác quyết hai việc quan trọng với khu vực phía Nam. Giao Bộ GTVT nghiên cứu đẩy nhanh việc xây dựng cao tốc kết nối Đồng Bằng Sông Cửu Long với TP.HCM – trong đó, cao tốc cá nhân ông mong muốn kéo dài đến Cà Mau. Và đề xuất về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM được giữ lại lên 23%, Thủ tướng khẳng định tinh thần ủng hộ tối đa cho thành phố.
Thủ tướng nói ít làm nhiều, gọn gàng dứt khoát. TP.HCM hiện đang có ngân sách rất eo hẹp, chỉ đủ cho những nhu cầu cấp thiết hằng ngày chứ chưa nói đến nhu cầu đầu tư và phát triển. Về nguyên tắc phát triển của các quốc gia, sự cạnh tranh của các quốc gia bản chất chính là cạnh tranh giữa các đô thị lớn, các siêu đô thị.
Với TP.HCM, chúng ta phải cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp lớn, lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, những người khá giả so với các đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Câu chuyện của TP.HCM là câu chuyện cạnh tranh của quốc gia chứ không đơn thuần là câu chuyện của TP.
Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay, cần phải cho “cái bánh” to lên trước khi nghĩ đến chuyện chia, “cái bánh” to lên thì ai cũng được hưởng lợi và được san sẻ lớn hơn. Muốn thế, cần phải tập trung nguồn lực vào những nơi có lợi thế như TP.HCM. Bài học Trung Quốc cho thấy nước này dành nguồn lực rất lớn cho các đô thị lớn, như chi ngân sách trong thời gian dài của Trung Quốc khoảng 23% GDP, song Bắc Kinh và Thượng Hải được chi bằng khoảng 21% GDP của mình. Ngoài ra, TP.HCM cũng cần có được quyền chủ động hơn về mặt chính sách để có những chính sách đặc thù, trong đó điển hình là TP Thủ Đức.
Chính phủ hơn 40 ngày qua vận hành, đem đến cho người dân nhiều cảm nhận mới với riêng Thủ tướng như nhiều nhận định: “Ông đã, đang và sẽ tìm ra các cốt lõi mà quốc gia phải vượt qua để phát triển thịnh vượng”.
Hoàng Khang