+
Aa
-
like
comment

Dấu ấn cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Đỗ Mười những năm đầu đổi mới

27/01/2020 07:33

“Người khởi xướng đổi mới là Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người thực hiện và Tổng Bí thư Đỗ Mười là người tiếp tục đổi mới một cách quyết liệt”, GS. Võ Đại Lược nhớ lại.

dau an co tong bi thu truong chinh, do muoi nhung nam dau doi moi hinh anh 1
Ông Trường Chinh và ông Nguyễn Văn Linh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo văn kiện Đại hội VI vào tháng 11/1986. (Ảnh: Xuân Lâm).

Tổng Bí thư Trường Chinh – người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới

Gần 34 năm tính từ thời điểm công cuộc đổi mới tại Việt Nam được thực hiện với Đại hội VI của Đảng là bước ngoặt lịch sử. Nhờ cải cách thể chế, sức sống của nền kinh tế Việt Nam, của cả một xã hội đã bật dậy mạnh mẽ. Song không nhiều người biết, quyết tâm đổi mới đã được thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI. Và người đặt nền móng cho quá trình này là cố Tổng Bí thư Trường Chinh.

Ông Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt. Lần đầu vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, thời điểm Đảng chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Lần thứ hai vào tháng 7/1986, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời trước Đại hội VI của Đảng 5 tháng.

Từ trước Đại hội VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận thấy sự cấp bách của đất nước cần đổi mới. Do bị Mỹ cấm vận từ sau năm 1975 nên tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 1975-1986 hết sức khó khăn.

Cùng lúc đó, bối cảnh quốc tế xuất hiện nhiều diễn biến không thuận lợi với Việt Nam. Ở Liên Xô và các quốc gia Đông Âu xuất hiện phong trào cải cách quản lý kinh tế, rất nhiều ý kiến phê phán mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô là không phù hợp.

Tại một số quốc gia châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã có những bước phát triển kinh tế “thần kỳ”, còn Trung Quốc cũng tiến hành cải cách nhưng giữa hai nước lúc đó mới xảy ra chiến tranh biên giới chưa lâu nên chúng ta cũng không tiếp thu gì từ họ.

Trong bối cảnh quốc tế như vậy, Việt Nam vẫn nhận được nguồn viện trợ từ Liên Xô, nhưng đã hạn chế rất nhiều. Chỉ những người từng sống trong hoản cảnh đất nước lúc bấy giờ mới thấu hiểu hết giá trị của đổi mới.

dau an co tong bi thu truong chinh, do muoi nhung nam dau doi moi hinh anh 2
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi khảo sát, thực tế tại nhiều địa phương từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc nhằm tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh tư liệu)

Trước tình hình đó, có một số nơi manh nha đổi mới. Tuy nhiên, để trở thành chủ trương lớn của Đảng về đổi mới thì chưa có. Tổng Bí thư Trường Chinh đã thành lập một nhóm gồm những trí thức, nhà khoa học có tư duy đổi mới như Dương Phú Hiệp, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Thiệu, Hồng Giao, Trần Ngân, Hà Nghiệp, Võ Đại Lược… để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn đất nước, làm căn cứ phương pháp luận cho việc đổi mới. Đồng thời, tiến hành khảo sát thực tế tại nhiều địa phương.

Qua khảo sát, Tổng Bí thư Trường Chinh bắt đầu nhận ra chìa khoá của việc đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy về kinh tế. Đó là bãi bỏ nền kinh tế hiện tại, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế tự hạch toán, tự chủ tài chính, phải bắt đầu áp dụng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước.

Là người được Tổng Bí thư Trường Chinh phân công viết 2 chuyên đề “Chính sách kinh tế mới của Lenin áp dụng vào Việt Nam” và “Chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới”, GS. Võ Đại Lược nhớ lại: “Do mô hình Xô Viết vẫn tồn tại, vậy nên Tổng Bí thư Trường Chinh đã sử dụng Chính sách kinh tế mới của Lenin làm chỗ dựa, từ đó áp dụng vào bối cảnh kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho tôi viết 2 chuyên đề này và ông đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Thời điểm đó chúng ta phải dựa vào tư tưởng, chính sách kinh tế mới của Lenin để áp dụng vào Việt Nam, xóa bỏ cơ chế mệnh lệnh, quan liêu, bao cấp và thay vào đó quan hệ hàng hóa, tiền tệ. Đó là tư tưởng quan trọng nhất của Lenin chúng ta đã áp dụng để khởi đầu cho công cuộc đổi mới”.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới không hề bằng phẳng bởi thời điểm đó vẫn còn những luồng tư duy, nhận thức khác nhau. Quyết định của ông Trường Chinh trên thực tế đã chịu nhiều sự phê phán của các vị lãnh đạo khác. Nhưng nhờ uy tín trong Đảng, tư tưởng của Tổng Bí thư Trường Chinh khi trình ra Trung ương đã nhận được sự đồng ý.

Theo GS. Võ Đại Lược, trước thềm Đại hội VI của Đảng, nhóm chuyên gia của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi viết báo cáo chính trị vẫn muốn tiếp tục duy trì kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Nhưng thời điểm ông Trường Chinh đảm nhận cương vị quyền Tổng Bí thư, ông đã tập hợp nhóm chuyên gia để viết lại bản báo cáo chính trị theo tinh thần bác bỏ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chuyển sang kinh tế hàng hoá. Lúc này, tồn tại hai bản báo cáo chính trị. Khi đưa ra thảo luận tại Bộ Chính trị, có nhiều ý kiến không tán thành báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh.

“Rất may mắn, thời điểm báo cáo xuất hiện trùng với khoảng thời gian Liên Xô tiến hành cải cách. Khi ông Trường Chinh mang bản báo cáo đó sang Liên Xô để xin ý kiến của ông Mikhail Gorbachev và được ông này nhận xét tốt.

Vậy nên, các vị lãnh đạo đã không còn phản đối nữa và Đại hội VI của Đảng được tổ chức vào tháng tháng 12/1986 với tinh thần đổi mới kinh tế. Nghị quyết Đại hội VI có rất nhiều chương trình, nhưng có 3 chương trình quan trọng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tiếp nối, thực hiện là: Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng; Chương trình sản xuất hàng xuất khẩu”. GS. Võ Đại Lược cho biết.

Theo ông Lược, công cuộc đổi mới năm 1986 là kết quả của quá trình đấu tranh về tư duy. Nhờ uy tín của Tổng Bí thư Trường Chinh, tinh thần dám chịu trách nhiệm, ủng hộ quan điểm đổi mới dám đứng ra bác bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp để chuyển sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần đã làm thay đổi căn bản tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam lúc đó.

“Khi đã chấp nhận thay đổi, ông Đỗ Mười là người thay đổi quyết liệt nhất”

Nhắc tới khoảng thời gian sau Đại hội Đảng lần thứ VI, dù đã chủ chương đổi mới kinh tế, song Việt Nam tiếp tục trải qua một giai đoạn nền kinh tế kém phát triển do chưa khắc phục về cơ bản những hệ luỵ của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trước đó.

Theo GS. Võ Đại Lược, bên cạnh việc thực hiện 3 chương trình của Đại hội VI, cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp vẫn tồn tại trong thời gian ông Nguyễn Văn Linh giữ cương vị Tổng Bí thư. Tình hình mới chỉ xuất hiện vào năm 1989, khi ông Đỗ Mười trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

dau an co tong bi thu truong chinh, do muoi nhung nam dau doi moi hinh anh 4
Tổng Bí thư Đỗ Mười và các đại biểu dự Đại hội VII của Đảng vào tháng 6/1991. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Lúc đó, lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 9%/tháng và nếu đà tiếp diễn thì sẽ đạt 110% năm. Lúc bấy giờ, có hơn 40 đề án chống lạm phát gửi đến ông Đỗ Mười từ rất nhiều cơ quan cả trong và ngoài nước. Thậm chí IMF đưa ra sáng kiến cho Việt Nam vay 2 tỷ USD để chống lạm phát. Ông Đỗ Mười đọc hết nhưng chưa tán thành bất kỳ đề án nào.

dau an co tong bi thu truong chinh, do muoi nhung nam dau doi moi hinh anh 5
“Anh nói là thành công à? Anh nâng lãi suất lên là đánh vào quốc doanh, làm cho nhiều xí nghiệp quốc doanh đình đốn không hoạt động được. Anh đánh vào giai cấp công nhân, làm biết bao người thất nghiệp. Nghe hai câu đó, ông Mười toát mồ hôi ướt đẫm cả áo”, GS. Võ Đại Lược kể lại.

“Một lần đầu năm 1989, ông Lê Đức Thúy, thư ký của ông Đỗ Mười thông báo cho tôi là ông Mười muốn nghe đề án chống lạm phát của tôi. Khi tôi đến Văn phòng Chính phủ, ông Mười mặc bộ quần áo bộ đội đã ngồi đợi sẵn.

Tôi trình bày phương án. Tóm tắt lại là lạm phát lên tới 9% tháng nhưng lãi suất chỉ 2-3% nên dân không gửi tiết kiệm mà tích trữ hàng hóa. Nhà nào cũng tích trữ săm, lốp xe đạp… Dân không gửi tiền nên ngân hàng phải in tiền. Đó là nguồn gốc của lạm phát.

Tôi kiến nghị ba giải pháp. Một là nâng lãi suất thực dương lên 12%. Hai là tự do hóa kinh tế để dân tự do làm ăn buôn bán vì lúc đó vẫn ngăn sông cấm chợ, tất cả do Nhà nước cung cấp. Ba là mở cửa với thế giới bên ngoài.

Ông Hồ Tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính, lúc đó là thường trực ban chống lạm phát được ông Đỗ Mười gọi đến và chỉ đạo tổ chức hội thảo để thực hiện lãi suất dương và tự do lưu thông hàng hóa. Nhưng hội thảo không đồng ý phương án đó.

Dù vậy, ông Đỗ Mười vẫn kiên quyết thực hiện, trước hết thí điểm ở Hải Phòng tăng lãi suất lên 12%, tự do hàng hóa, không ngăn sông cấm chợ và thành công. Giá cả ở Hải Phòng đang cao vút tự nhiên tụt xuống. Sau đó ông quyết định áp dụng trên toàn quốc. Bởi ông ý thức ông đang ngồi trên chiếc ghế nóng. Quả nhiên, lạm phát đang từ 12%/tháng tụt xuống còn 1 – 2%, thậm chí có tháng còn âm”, GS. Võ Đại Lược nói.

Sau khi chống lạm phát thành công, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã yêu cầu GS. Võ Đại Lược chuẩn bị bản báo cáo để ông trình bày với Bộ Chính trị.

Trong cuộc họp đó, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhận xét: “Anh nói là thành công à? Anh nâng lãi suất lên là đánh vào quốc doanh, làm cho nhiều xí nghiệp quốc doanh đình đốn không hoạt động được. Anh đánh vào giai cấp công nhân, làm biết bao người thất nghiệp. Nghe hai câu đó, ông Mười toát mồ hôi ướt đẫm cả áo”.

Cũng trong bản báo cáo vừa nêu, GS. Võ Đại Lược đã nêu thực trạng quốc doanh ở Việt Nam chiếm đến 90% GDP, kinh tế hộ gia đình chỉ có 5% GDP. Từ đây, ông Lược đề nghị thu hẹp tỷ trọng xí nghiệp quốc doanh xuống còn 30%. Ông Mười thấy ông Linh không đồng ý nên bỏ chữ “thu hẹp quốc doanh” và thay bằng chữ “cổ phần hóa”. Từ “cổ phần hóa” bắt đầu có từ đó.

dau an co tong bi thu truong chinh, do muoi nhung nam dau doi moi hinh anh 6
Đồng chí Đỗ Mười làm việc cùng trợ lý Hà Nghiệp. (Ảnh tư liệu).

Kết quả thực tế là sau một thời gian dài khó khăn, tới năm 1991, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu khởi sắc, bước vào giai đoạn ổn định và phát triển.

Tăng trưởng kinh tế của thời kỳ 1992-1997 đã cao gấp hơn hai lần của thời kỳ 1977-1991, 8,77%/năm so với 4,07%/năm. Lạm phát của thời kỳ này cũng đã giảm mạnh so với thời kỳ 1986-1991 (bình quân năm là 9,5% so với 180,2%). Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 2 chữ số xuống còn một chữ số; đến năm 1996 còn 5,88%. Mất cân đối cán cân thương mại giảm dần và đến 1992, lần đầu tiên đã xuất siêu nhẹ. GDP bình quân đầu người tính bằng USD năm 1997 đạt 361 USD, cao gấp gần 4,2 lần năm 1988.

Kết thúc cuộc trò chuyện với người viết, khi được hỏi về vai trò của các vị lãnh đạo Đảng trong những ngày đầu đổi mới kinh tế, GS. Võ Đại Lược đã nhận xét: “Người khởi xướng đổi mới là Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người thực hiện và Tổng Bí thư Đỗ Mười là người tiếp tục đổi mới một cách quyết liệt”.

Theo ông Lược, có ý kiến cho rằng ông Đỗ Mười là người bảo thủ, nhưng khi đã chấp nhận thay đổi sẽ là người thay đổi quyết liệt nhất. Khi đã đồng ý với ý kiến nào và cho rằng ý kiến đó đúng, ông sẽ lắng nghe và cho thực thi bất chấp các ý kiến phản đối.

GS. Võ Đại Lược

GS. Võ Đại Lược kể lại: “Một lần, ông Mười gọi tôi lên phàn nàn, mỗi năm phải in thêm 300 tỷ đồng để bù mua nông sản của nông dân với giá đắt rồi bán như cho không ở thành phố. Ông băn khoăn, điều này cũng gây lạm phát và hỏi ý kiến tôi.

Tôi đáp lại giải pháp đã từng trình bày với ông trước đó, Nhà nước không nên làm việc đó mà để nhân dân tự do mua bán thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Ông Mười tỏ ra ngần ngại. Tôi khuyên, đã có kinh nghiệm thí điểm lãi suất ở Hải Phòng, nay cho thí điểm dân tự do buôn bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Ông Mười do dự nhưng cũng ban hành chỉ thị cho dân mang hàng vào thủ đô.

Chẳng bao lâu, các chợ ở Hà Nội tràn ngập hàng hóa, Hà Nội dư thừa lương thực ngay lập tức và các cửa hàng mậu dịch không còn cảnh xếp hàng. Sau Tết âm 1989, ông Mười cho triển khai chính sách đó trên toàn quốc. Nhờ đó, hệ thống tem phiếu cũng được bỏ đi.

Liên quan đến chính sách mở cửa có rất nhiều chuyện đáng nhớ. Hồi đó, Việt Nam vẫn còn bị Mỹ cấm vận, may là còn nguồn hàng đưa về Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, Hải Quan vẫn siết rất chặt, cán bộ, sinh viên mang hàng về vẫn bị khám xét rất gắt gao.

Gặp ông Mười, tôi lại đặt vấn đề cho dân tự do buôn bán. Lần này, ông Mười không còn do dự như trước. Ông yêu cầu ông Nguyễn Công Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan bỏ luôn chế độ kiểm soát, không còn thuế má, bắt bớ. Nhờ vậy mà hàng hóa từ Liên Xô, Thái Lan đổ vào Việt Nam. Nhiều người giàu có lên từ đó”.

H.T/DV

Bài mới
Đọc nhiều