+
Aa
-
like
comment

Dấu ấn kiến tạo từ “phát súng lệnh” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Văn Dân - 15/06/2020 11:00

Thường xem một trận bóng đá, thi thoảng vẫn hay nghe bình luận viên nhắc đến cụm từ “kiến tạo”, đó là khi một ai đó tung đường chuyền đặt đồng đội vào thế ăn bàn mười mươi. Bóng đá không hề hiếm tiền đạo giỏi, hậu vệ xuất sắc nhưng để tìm ra một chân chuyền chuyên kiến tạo chẳng khác nào đếm trên đầu ngón tay. Bởi kiến tạo luôn mang trong mình sự hy sinh, sự thầm lặng và chưa bao giờ là điều dễ dàng…

Chính phủ trong 4 năm qua đã làm nên được hàng loạt kỳ tích, không chỉ trong điều hành kinh tế xã hội, mà còn cả trong tái thiết niềm tin của toàn dân vào hệ thống chính quyền

Cách đây chừng 4 năm, có lẽ không nhiều người biết đến thuật ngữ “CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO” cho đến khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nổ phát súng lệnh và xem kiến tạo là mục tiêu tối thượng của Chính phủ. Ai cũng biết chức năng và nhiệm vụ của Chính phủ là thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia cùng hàng tá công việc mang tầm vĩ mô khác. Nhưng Chính phủ ấy cần làm gì để gần dân hơn? Để không những và không chỉ là ban hành và thực thi các mệnh lệnh hành chính? Đó lại là chuyện mà khi trả lời chất vấn của ĐBQH Vũ Tiến Lộc: “Chính phủ kiến tạo khác gì so với Chính phủ điều hành trước đây?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng: “Chính phủ kiến tạo là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn“.

Còn nhớ những ngày làm việc sau cùng của Quốc hội khóa 13, tháng 3 năm 2016, cả Nghị trường như “nín thở” khi đi tìm câu trả lời cho Chính phủ về nguồn lực ở đâu cho tăng trưởng. Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về thực trạng khánh kiệt với nhận xét “tình hình ngân sách rất xấu. Nhiệm kỳ 2016 – 2020 hầu như không còn đồng nào cho phát triển”. Đã có không ít đại biểu Quốc hội lo lắng cho tương lai nền kinh tế những năm tới, oằn lưng trầy trật trả nợ, mơ gì cất cánh.

Trong bối cảnh như vậy, một câu trả lời duy nhất về nguồn lực ở đâu cho tăng trưởng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là, bộ máy Chính phủ phải trong sạch và làm việc không ngừng nghỉ, bởi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Với các bước đi rất cụ thể, sâu sát, không đao to búa lớn, Chính phủ mới bắt tay thực hiện công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế theo cách “tích tiểu thành đại”, tạo chuyển biến từ việc nhỏ để làm nên sức bật đổi mới mạnh mẽ.

Tình hình “rất xấu” của ngân sách nhà nước bắt đầu được cải thiện. Sau 10 năm liên tục “xé rào”, năm 2017, Chính phủ cầm cương được bội chi theo đúng mục tiêu đề ra. Dù GDP năm 2016 hụt đích, nhưng tinh thần luôn chọn kịch bản khó nhất đã đưa GDP liên tục các năm 2017, 2018, 2019 ở ngưỡng được dư luận đánh giá là “kỳ tích”. Trong đó, năm 2019 đạt trên 7%, cao hơn mức kế hoạch, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới; nâng quy mô GDP lên khoảng 266 tỷ USD, bình quân đạt gần 2.800 USD/người, “điều chưa có trong lịch sử nước ta” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định.

Năm 2018, lần đầu tiên sau 13 năm, chênh lệch thu chi ngân sách nhà nước trong năm này dương 400 tỷ đồng. Sang năm 2019, tháng nào ngân sách nhà nước cũng có thặng dư, thu nhiều hơn chi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, mở ra thời kỳ bội thu cho ngân sách nhà nước. Nhưng vừa dư dả một chút thì đại dịch ập đến. Mấy năm tần tảo nâng niu từng đồng “năng nhặt chặt bị”, siết chặt kỷ cương “túi tiền” quốc gia và soi cắt triệt để từng khoản chi không cần thiết, nhưng Chính phủ không tiếc bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân.

Và nhân gian thường có câu, “xởi lởi trời cho”. Một Chính phủ “hào phóng” đối đãi với dân bằng đủ đầy yêu thương, trách nhiệm luôn là một Chính phủ được Trời cho cơ hội phát triển. Năm 2020 bắt đầu với đại dịch, thế giới lại biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất, có được chiến thắng sớm nhất, tổn thất ít nhất trước dịch bệnh. Để rồi, “Bộ tứ kim cương” gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã chính thức mời thêm Việt Nam cùng thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại. Việt Nam chính thức trở thành một mắt xích quan trọng trong quá trình xây dựng mạng lưới đối tác mới của Mỹ hậu COVID-19. Cùng với đó, chờ đợi gần 10 năm, Hiệp định EVFTA, EVIPA được đặt trên bàn Quốc hội trong niềm hứng khởi. Giữa bóng đen u ám của đại dịch bao phủ toàn cầu, vẫn thấy được vị trí số 1 của Việt Nam trong ASEAN về hội nhập kinh tế quốc tế khi là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực ký Hiệp định thương mại tự do với EU.

Có thể nói, Chính phủ trong 4 năm qua đã làm nên được hàng loạt kỳ tích, không chỉ trong điều hành kinh tế xã hội, mà còn cả trong tái thiết niềm tin của toàn dân vào hệ thống chính quyền đang từng bước được làm trong sạch, thực sự vì dân phục vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những chỉ đạo, hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “nóng” tới từng bộ, ngành. Chính phủ đã xác lập một quyết tâm, tư duy mới, tạo nên một thói quen mới là hành động đúng nghĩa tinh thần phục vụ, kiến tạo. Đó không chỉ là cảm nhận của riêng mỗi người mà còn được minh định qua từng thông số phát triển của đất nước những năm tháng qua. Thực tế ấy cũng đồng thời là câu trả lời đanh thép đập tan những lời đơm đặt rằng, “Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 12 – Kiến tạo lùi nền kinh tế” để hòng mục đích đả phá ly gián công tác nhân sự Đại hội 13 đang gần kề.

Văn Dân

Bài mới
Đọc nhiều