+
Aa
-
like
comment

‘Đất vàng’ và hành trình tư nhân hóa gây thiệt hại lớn cho Nhà nước

21/07/2020 06:45

Sau “màn” hợp tác kinh doanh, những khu “đất vàng” (ở TP HCM) của Nhà nước đã dễ dàng lọt vào tay tư nhân, gây thất thoát cho  Nhà nước.

Chiêu trò của Út ‘trọc’

Hồi tháng 5, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) nhận 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Nguyễn Văn Hiến.

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân, khu đất số 7-9 (diện tích 3.531 m2) tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM có nguồn gốc đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân (QCHQ).

‘Đất vàng’ và hành trình tư nhân hóa gây thiệt hại lớn cho Nhà nước
Phiên tòa xét xử Út “trọc” 

Năm 2006, nắm được chủ trương của QCHQ về việc chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP.HCM sang làm kinh tế, Hệ nhờ Vũ Thị Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu) đứng tên giám đốc, người đại diện pháp luật để thành lập công ty Yên Khánh.

Công ty này vốn điều lệ chỉ trên danh nghĩa đăng ký kinh doanh, không có thực, không có cơ cấu tổ chức, nhân sự, chưa thi công dự án nào.

Nhưng Út “trọc” đã chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập tờ trình để Hoan ký, gửi QCHQ xin liên kết đầu tư xây dựng và khai thác tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7-9.

Khu “đất vàng” này chưa được chuyển đổi sang làm kinh tế, nhưng các ông Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng tài chính QCHQ) đã tham mưu cho cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ký ủy quyền giao cho Bùi Văn Nga (giám đốc công ty Hải Thành của Bộ Quốc Phòng) ký hợp đồng liên doanh làm kinh tế với công ty Yên Khánh tại khu đất số 7-9.

Ngoài mức án dành cho Hệ và các bị cáo khác, Tòa án Quân sự QCHQ kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã cấp không đúng tại khu đất số 7-9 để làm thủ tục cấp lại GCNQSDĐ cho QCHQ.

Hai bên ký hợp đồng liên doanh với nội dung thành lập công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án.

Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất số 7-9 là hơn 503 tỷ đồng.

Về phần mình, sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Út “trọc” chỉ đạo người khác lập hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất số 7-9 để bảo lãnh cho công ty Yên Khánh vay của NH Thương Tín 52 tỷ đồng.

Sau khi giải chấp tài sản thế chấp là khu đất số 7-9 tại NH Thương Tín, Hệ tiếp tục chỉ đạo thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 7-9 để vay vốn của NH BIDV, chi nhánh Thành Đô cho các công ty của Đinh Ngọc Hệ.

Ngân hàng và các công ty thống nhất xác định giá trị khu đất số 7-9 là hơn 717 tỷ đồng, các công ty vay tiền của ngân hàng thế chấp bằng giá trị khu đất.

Số phận khu ‘đất vàng’ trong vụ án liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng

Tổng công ty cổ phần  Bia- Rượu- Nước  giải khát Sài Gòn tiền thân là Nhà máy bia Chợ Lớn, thuộc hãng B.G.I, Pháp.

Sau giải phóng, hãng B.G.I được Chính phủ giao cho Bộ Lương thực và Thực phẩm (cũ) trực tiếp quản lý khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM). Khu “đất vàng” này có diện tích 6.080 m2.

‘Đất vàng’ và hành trình tư nhân hóa gây thiệt hại lớn cho Nhà nước
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Ảnh Dân trí)

Theo kết luận điều tra mà Bộ Công an mới hoàn tất, năm 2007, Tổng công ty BiaRượu-Nước giải khát Sài Gòn cổ phần hóa thành Tổng công ty Sabeco.

Thực hiện phương án sắp xếp, xử lý lại các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do Tổng công ty Sabeco đang sử dụng (trong đó có khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng), 3/2006, bà Châu Huệ Cẩm, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (sau này là Bộ Công Thương) ký công văn gửi Bộ, ngành liên quan về việc thống nhất với phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất của Tổng công ty Sabeco.

Tổng công ty này được giữ lại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để kinh doanh thương mại, văn phòng.

Ngày 6/6/2013, Vụ Tài chính tham mưu cho bà Hồ Thị Kim Thoa (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công thương) ký ban hành công văn, trong đó có nội dung:

Đồng ý đề xuất của Ban quản lý vốn Nhà nước (Tổng công ty Sabeco) về việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp để triển khai dự án…

Sau công văn này, Tổng công ty Sabeco hợp tác với công ty cổ phần Attland, công ty Hà An và công ty CP Đầu tư Mê Linh.

Ngày 14/2/2015, Sở KH&ĐT TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty Sabeco Pearl, vốn điều lệ 484,7 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Sabeco 26%, công ty Attland 23%, công ty Hà An 25,5% và công ty Mê Linh 25,5%.Theo đó, Sabeco góp 26% vốn điều lệ (gồm 18% bằng tiền mặt và 8% giá trị lợi thế). Các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng đất 1.236 tỷ đồng, cộng với tiền phạt nộp quá hạn.

Ngày 8/11/2019, CQĐT Bộ Công an có công văn đề nghị UBND TP HCM tạm ngừng mọi giao dịch, chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1;

Tạm ngừng việc thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là công ty Đầu tư Sabeco Pearl).

Ngày 3/4/2015, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sabeco) ký công văn gửi UBND TP HCM về việc: Đề nghị cho công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Trong đó, ông Tuất viện dẫn, gửi kèm các công văn của Bộ Công Thương, chấp nhận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh thành lập pháp nhân mới và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho pháp nhân mới được thành lập.

Ngay sau khi công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (6/2015), dù chưa triển khai hoạt động, nhưng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp tại công ty Sabeco Pearl và phê duyệt giá khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần.

Và như vậy, công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

T.Nhung/VNN

Bài mới
Đọc nhiều