ĐẶT TÊN CHO TƯƠNG LAI
Cả nước đang bước vào một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn: sáp nhập hàng loạt đơn vị cấp xã, cấp huyện, hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư công. Nhưng đằng sau những con số khô khan ấy, một vấn đề đang gây tranh luận sôi nổi – đó là chúng ta sẽ gọi tên vùng đất mới này là gì?

Tại Bình Định, đề xuất đặt tên xã mới bằng cách cộng thêm số thứ tự (ví dụ: Vân Canh 1, Vân Canh 2…) hay phương hướng (Đông, Tây, Nam…) đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Bí thư Tỉnh Ủy Hồ Quốc Dũng thẳng thắn chia sẻ “rất băn khoăn”, và nhấn mạnh đây là “trách nhiệm với lịch sử, để sau này con cháu không trách ông cha mình đặt tên như thế”.
Không chỉ Bình Định. ở Nghệ An, Hưng Yên, Thái Bình – những địa phương làm sớm, đi trước trong kế hoạch tổng thể – nhiều người dân cũng phản ứng khi đề xuất tên xã, phường mới theo kiểu “huyện cũ + số thứ tự”. Một cụ ông ở Diễn Châu nói: “Tên làng là nơi chôn nhau cắt rốn, không thể gọi bằng số như tên kho hàng”.
Người dân không phản đối chủ trương lớn. Ngược lại, đồng thuận rất cao với việc sáp nhập để giảm chi ngân sách, tăng hiệu suất đầu tư, phát triển kinh tế vùng. Họ hiểu: khi bộ máy gọn hơn, dịch vụ công sẽ tốt hơn, cơ sở hạ tầng sẽ được đầu tư tập trung hơn. Nhưng cũng vì vậy, tên gọi mới phải xứng tầm với kỳ vọng mới – không thể là giải pháp tạm bợ. Tên gọi không phải là bước đầu, cũng không phải tiểu tiết. Đó là bước cuối cùng để khẳng định một sự thay đổi mang tính lịch sử đã đạt được sự đồng thuận trọn vẹn.
Điều đáng mừng là tại nhiều tỉnh làm sớm như Thái Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định…, quy trình lấy ý kiến đang được triển khai. Người dân được mời đến hội nghị, được phát phiếu lấy ý kiến tận nhà, được biết trước phương án đặt tên để góp ý cụ thể. Kết quả được niêm yết công khai tại trụ sở, thông báo qua loa truyền thanh hoặc cổng thông tin xã, huyện. Tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh nhận hàng trăm tin nhắn, phản ánh từ người dân, và không ngại đưa vấn đề ra bàn kỹ ở hội nghị bất thường của Tỉnh Ủy.

Tại TP.HCM, khi từng dự định đặt tên phường sau sáp nhập theo số, người dân phản hồi mạnh mẻ – kết quả là các tên gọi truyền thống như Chợ Lớn, Thủ Đức, An Đông, Bà Điểm… đã được giữ lại. Tổng Bí thư Tô Lâm từng khen ngợi cách làm này, như một biểu tượng cho sự đồng thuận gắn với văn hóa.Những điều đó cho thấy: dân chủ không phải là việc “hỏi cho có”, mà là một quá trình lắng nghe và điều chỉnh thực chất.
Nhưng nếu cải cách ấy không mang theo ký ức – và cảm xúc – của người dân, thì sẽ thiếu một mảnh ghép quan trọng: sự gắn kết xã hội. Khi con cháu mai này tìm lại cội nguồn, chúng không thể gọi “Phú Ninh 3” là quê hương – nếu quê hương ấy không có câu chuyện để kể.
Tên gọi, vì vậy, không phải tiểu tiết. Đó là dấu chấm hết cần thiết cho một câu chuyện lớn – câu chuyện đồng thuận và đổi mới. Và cũng là khởi đầu cho kỷ nguyên mới!
Thu An