+
Aa
-
like
comment

Đất Sài Gòn nay sao lạ quá!

04/11/2019 16:51

Chúng ta thấy bức xúc vì những dự án khi xin mang tính rất cấp thiết vì sự phát triển của thành phố lại làm như “mèo mửa”. Và chúng ta cũng thấy xót xa vì không ít đội ngũ cán bộ bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý chỉ vì cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” và cám dỗ vật chất tầm thường.

Câu chuyện về Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP Hồ Chí Minh trị giá 800 tỷ đồng sau 5 năm triển khai vẫn là một khối bê tông gắn khung sắt, nằm trơ trọi giữa những lô đất trống ở Thủ Thiêm, quận 2 đang nhận được những bức xúc từ dư luận và các chuyên gia.

Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP Hồ Chí Minh trị giá 800 tỷ đồng bỏ hoang để lại bức xúc trong dư luận.
Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP Hồ Chí Minh trị giá 800 tỷ đồng bỏ hoang để lại bức xúc trong dư luận.

Xin thì rất cấp thiết và làm theo kiểu “mèo mửa”

Theo đó, công trình cao 5 tầng, tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2014. Tòa nhà tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn này có chức năng phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của thành phố, tổ chức sự kiện chuyên ngành, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân và du khách.

Trung tâm triển lãm với kiến trúc khá đặc biệt, hai khối đặt nghiêng, chụm vào nhau, khối thép tạo thành hình tam giác. Nằm tại khu vực quảng trường trung tâm được xem là công trình công cộng mang tính biểu tượng đầu tiên được xây dựng ở Khu đô thị Thủ Thiêm.

Dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 4/2016 nhưng công trình này phải lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2017. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, dự án bị bất động, đã dừng thi công một thời gian dài khi đạt khoảng 80% khối lượng phần thô. Nhiều hạng mục xung quanh công trình cũng đang bị bất động một thời gian dài, có dấu hiệu xuống cấp.

Đáng chú ý, trong khi dự án này 800 tỷ của TP Hồ Chí Minh còn dang dở thì có những dự án văn hóa, bảo tàng lại “mọc ra” gây tranh cãi như: Dự án nhà hát giao hưởng trị giá 1.500 tỷ đồng cũng được quy hoạch ngay tại Thủ Thiêm; Hay UBND TP cũng đã quyết định xây dựng công trình công cộng khác là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9) rộng 1,8 ha thay cho địa điểm dự kiến ở khu đô thị mới này…v..v.

Ngoài ra có thể kể đến các dự án điển hình khác như: Saigon One Tower có vị trí đắc địa trên đường Tôn Đức Thắng giao với đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP  Hồ Chí Minh. Khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011, tổng vốn ban đầu của Saigon One Tower lên tới 256 triệu USD (hơn 5000 tỷ đồng). Đến thời điểm ngừng thi công vào cuối năm 2011, khoảng 80% khối lượng công việc tại đây đã hoàn thành. Sau đó, dự án đã bị đình trệ đến tận ngày nay.

Hoặc, có diện tích hơn 6.000m2, với 4 mặt tiền giáp đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1 được xem là khu đất “kim cương” hiếm hoi còn sót lại nằm giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh. Từng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn với cao ốc phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn 6 sao.. Tuy nhiên hiện nay, dự án này đang rơi vào tình trạng “đắp chiếu”..v..v.

Điểm chung của tất cả các dự án nói trên là các dự án phần lớn nằm ở Khu vực trung tâm, quỹ đất ngày càng khan hiếm, tấc đất được ví như tấc vàng, khi trình xin dự án thì ai cũng nói “đây là dự án cấp thiết, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của địa phương.

Thế nhưng, một nghịch lý diễn ra nhiều năm nay, tại những nơi có vị trí đắc địa nhất, thậm chí có những dự án có mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng lại rơi vào cảnh “đắp chiếu” hoang tàn.

Việc các dự án trong tình trạng “án binh bất động” nói trên không những gây lãng phí tài nguyên đất, ngân sách, mà còn làm xấu đi bộ mặt mỹ quan đô thị thành phố.

Cán bộ nặng nề cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”

Chuyện đầu tư công không hiệu quả ở ta đã kéo dài suốt từ trong quá khứ cho đến nay. Vì trong gen của chúng ta chưa thoát được cơ chế quan liêu, làm kế hoạch hóa đó nên hành vi vẫn chứa đựng tính cách này, vẫn phân bổ ngân sách, phân bổ chiếc bánh theo kiểu anh xin tôi cho, trung ương phân cấp cho địa phương… tức là cơ chế xin – cho còn khá nặng nề.

Rõ ràng là, trong nhiệm kỳ của mình, các nhà lãnh đạo tỉnh, thành phố đều phải thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội đặt ra, nếu thực hiện thắng lợi những mục tiêu đó thì các vị ở lại, còn không làm được thì e là bị mời nhường ghế cho người khác.

Vì thế nên “mỗi lãnh đạo tỉnh khi mới lên chức đều phải cố gắng để lại dấu ấn nào đó trong nhiệm kỳ của mình mà thành tích lại tính theo tăng trưởng GDP nên ai cũng phải cố “xin” làm một dự án gì đó hoành tráng” – Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Chả thế mà các vị ấy không đi xin cái gì đó để có được dấu ấn. Thành tích, vị trí của địa phương lại tính theo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm nên địa phương phải làm gì đó để GDP của mình hoành tráng chứ! Nhưng, không có mấy ai lại tự thừa nhận những biểu hiện đó là cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” cả. Chỉ có báo chí, dư luận nói nhiều, phê phán nhiều vì cái cụm tự này mà thôi.

Liên quan đến dự án 800 tỷ nói trên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học – Kỹ thuật – Môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nói thẳng: “Đây là biểu hiện của bệnh tư duy dự án theo nhiệm kỳ. Vì sao một dự án được đầu tư tới 800 tỷ, triển khai suốt 5 năm qua chưa hoàn thành, chưa biết trưng bày gì đã xin hàng loạt những dự án bảo tàng, nhà hát mới? Đây có phải tư duy xin dự án để tiêu tiền? Dự án cũ chưa xong đã muốn xin dự án mới?”. Dẫn tới sự cắt khúc trong thực hiện và phân tán trong đầu tư gây lãng phí nguồn lực.

Chính cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” là một trong những nhân tố cực kỳ nguy hiểm, là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trước mắt cũng như lâu dài. Nguy hiểm ở chỗ, nó không chỉ tồn tại ở một cơ quan hay lĩnh vực riêng lẻ mà hiện diện ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; không chỉ “bám rễ” ở cấp chính quyền cơ sở mà còn len lỏi vào tận các cơ quan nhà nước cấp Trung ương.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, “tư duy nhiệm kỳ” không chỉ diễn ra ở các cán bộ có năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà còn có ở những cán bộ có năng lực, nhưng lại sử dụng chính khả năng của mình làm thứ “độc dược” để vụ lợi cá nhân.

Chỉ tính riêng ở TP Hồ Chí Minh thôi, từ cuối năm 2018 đến nay, hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam như: ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố cùng một số lãnh đạo cấp phòng khác.

Rồi, những “ông to” là Tất Thành Cang bị kỷ luật… tiếp đến ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Trần Nam Trang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố; ông Vy Nhật Tảo, nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh..v..v.

Có thể nói, một cơ chế vận hành phi quy luật kết hợp với quyền lực khiến những người trong bộ máy, ở bất cứ vị trí nào cũng có cơ hội để giành giật, đánh quả. Nó khiến cho cả một xã hội đứt gãy về đạo đức công vụ khi ít nhiều trong số họ đều lấy tôn chỉ “không tiền thì cạp đất mà ăn” làm thước ngắm.

Hẳn nhiều người (trong đó có cá nhân tôi) luôn ghi nhận nỗ lực phát triển của TP Hồ Chí Minh, đóng góp của địa phương này trong tiến trình phát triển của chung của đất nước, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ trong các nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, nói ra những lý lẽ trên để thấy rằng, chúng ta thấy bức xúc vì những dự án khi xin mang tính rất cấp thiết vì sự phát triển của thành phố lại làm như “mèo mửa”. Và chúng ta cũng thấy xót xa vì không ít đội ngũ cán bộ bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý chỉ vì cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” và cám dỗ vật chất tầm thường.

Chính nó, khiến cho không ít người phát thốt lên: Đất Sài Gòn nay sao lạ quá!

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều