Đặt quyết tâm cao để hoàn thành Đề án chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền
Với quyết tâm cao nhất, sau 10 tháng nỗ lực làm việc khẩn trương, hiệu quả, dự thảo lần thứ nhất Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã được hình thành.
Chiều 18/4, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học.
Thay mặt Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tóm tắt Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận về nội dung của Đề án; đánh giá thực trạng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thời gian qua, những hạn chế, bất cập cũng như nguyên nhân và dự báo tình hình thời gian tới; kiến nghị, đề xuất gợi ý định hướng về mục tiêu quan điểm và lộ trình thực hiện cho 2 giai đoạn, từ 2021-2030 và từ 2030-2045 cũng như phương hướng, đột phá nhằm hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước cho biết, ngay sau khi Ban chỉ đạo họp phiên thứ nhất đã ban hành kế hoạch số 02 ngày 20/7/2021, các cơ quan liên quan đã khẩn trương bắt tay ngay xây dựng 27 chuyên đề để làm cơ sở xây dựng đề án.
Các chuyên đề này đã được các cơ quan chuẩn bị công phu, bài bản, có sự tham gia ý kiến sâu của các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là đầu vào rất quan trọng của Đề án. Nhiều cơ quan như Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…đã trực tiếp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến lãnh đạo các cơ quan, các chuyên gia về nội dung dự thảo các chuyên đề.
Nhiều đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chủ động, dành thời gian cho ý kiến nhiều lần các chuyên đề để có được sản phẩm chất lượng tốt.
“Chúng tôi đánh giá hệ thống các chuyên đề đưa lên Ban Chỉ đạo kịp thời, có chất lượng tốt”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước và Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã có 4 cuộc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học về công tác chuẩn bị đề án trực tiếp, liên tục.
Ban Nội chính Trung ương đã làm tốt vai trò đầu mối, tham mưu trực tiếp, chủ trì phối hợp giúp BCĐ, Trưởng BCĐ triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, như tham mưu ban hành kế hoạch đề án, kế hoạch tổ chức hội thảo, tổ chức hội thảo, hội nghị ở các vùng; đặc biệt đã có 3 cuộc hội thảo hết sức thành công tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM với sự tham gia của hàng trăm lượt các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác thực tiễn, trong đó có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, đặc biệt là các đồng chí chủ chốt đã tham gia các cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Tổ biên tập, các chuyên gia và nhà khoa học đã làm việc tích cực, trách nhiệm, khoa học, trao đổi, thảo luận dân chủ, cởi mở, có tranh luận. Trong thời gian một tháng qua đã tổng hợp một khối lượng tài liệu rất lớn từ 27 chuyên đề, 3 tập kỷ yếu hội thảo quốc gia huy động tối đa kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được trong nhiều năm và dành hết tâm trí, sức lực vào việc tổng hợp soạn thảo, biên tập để có được dự thảo Đề án lần thứ nhất để đưa ra xin ý kiến tại phiên họp Ban Chỉ đạo hôm nay.
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao tinh thần trách nhiệm rất cao trước Trung ương, trước Bộ Chính trị của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo xây dựng và hoàn thành 27 chuyên đề, tổng hợp xây dựng dự thảo Đề án lần thứ nhất.
Chủ tịch nước cũng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các cơ quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt công việc được giao theo đúng kế hoạch số 02. Chủ tịch nước đánh giá cao và cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Tổ biên tập, mặc dù nhiều đồng chí tuổi đã cao nhưng vẫn rất nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, huy động tối đa những kiến thức, kinh nghiệm vào tổng hợp dự án. “Chúng tôi đã có hình thức tập trung các chuyên gia cùng một tổ biên tập, không về nhà làm việc tập trung trong nửa tháng qua vừa qua”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo thống nhất cao về nhận thức, tầm quan trọng và tính chiến lược của Đề án, trong đó thống nhất về những quan điểm về đổi mới, đưa đất nước phát triển bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dự thảo lần thứ nhất được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bám sát Cương lĩnh của Đảng năm 2011, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương…
“Có cơ sở pháp lý và chính trị để khẳng định những vấn đề đặt ra một cách chắc chắn trong quá trình nghiên cứu các tài liệu và xây dựng Đề án, thể hiện được tầm nhìn chiến lược, lâu dài, đưa đất nước phát triển, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tiếp tục khẳng định quyền con người, quyền công dân, dân chủ được khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Khẳng định chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết, cấp bách. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước việc trong quá trình làm việc vừa qua, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã quán triệt sâu sắc, thể hiện rõ nét các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm qua cũng như tinh thần định hướng được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị này.
Từ ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính trung ương, Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án một cách chặt chẽ, có hệ thống, đồng thời làm rõ thêm một số nội dung quan trọng, đánh giá thực trạng, các quan điểm, mục tiêu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2045.
Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Trung ương, Bộ Chính trị; phát huy dân chủ, thống nhất và quyết tâm cao để hoàn thiện Đề án đúng tiến độ, chất lượng để trình Bộ Chính trị; Trung ương theo đúng kế hoạch; phấn đấu hoàn thành Đề án để trình trước kế hoạch.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lực lượng, tham gia đề án, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia Tổ biên tập thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Sau cuộc họp, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch để xây dựng chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, phân công công việc chi tiết, kỹ lưỡng cho đến thời điểm trình Bộ Chính trị, đặt “đồng hồ đếm ngược” để hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Tổ Biên tập tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên sâu về các vấn đề xin ý kiến để làm rõ vấn đề những cần quan tâm. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức hội nghị ở 3 vùng trên cả nước để xin ý kiến các thành ủy, tỉnh ủy thuộc Trung ương, lấy ý kiến dân chủ, cởi mở của địa phương về vấn đề này.
Tổ Biên tập hoàn thiện dự thảo lần thứ 2 để Ban Chỉ đạo cho ý kiến tại phiên họp tiếp theo. Trong quá trình này, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Tổ Biên tập tiếp tục huy động, mời các chuyên gia đầu ngành, các cơ quan tổ chức khoa học trong lĩnh vực hành pháp, tư pháp tham gia ý kiến, hiến kế các chủ trương, giải pháp đúng đắn để đưa vào dự thảo.
Tùng Lâm