Đất nước 1.4 tỷ dân chao đảo vì “chiếc bẫy” kinh hoàng
Hơn 600 ứng dụng vay tiền từ Trung Quốc đã bị chặn và gỡ bỏ ở Ấn Độ, tuy nhiên, những cái bẫy mà chúng giăng ra đã khiến hàng trăm công dân Ấn Độ tìm tới con đường tự sát.
Một buổi sáng tháng 3/2021, khi mặt trời vừa mới mọc, các cuộc gọi quấy rối đã bắt đầu. Kiran Kumar nằm bẹp trên giường, dành hàng giờ suy nghĩ về cách kết thúc cuộc đời con tin của mình.
Chàng trai 28 tuổi, làm nghề bán xi măng, đã vay khoảng 40 USD từ một ứng dụng (app) vay tiền online. Thế nhưng, các khoản phí và lãi gia tăng từng ngày khiến Kumar không thể trả nổi, anh bắt đầu vay thêm tiền từ bạn bè và người thân. Tính tới sáng ngày hôm đó, số tiền nợ của Kumar đã lên tới 4.000 USD, gấp 100 lần con số ban đầu.
Điều đáng sợ hơn nữa là, các chủ nợ đã có được số điện thoại của những người thân thiết nhất với anh, họ đe dọa sẽ gọi điện và phanh phui tất cả bí mật của Kumar. “Nếu tôi bị coi là kẻ lừa đảo, lòng tự trọng của tôi không còn nữa, danh dự cũng không còn nữa. Thế thì còn lại gì?” – Kumar nghẹn ngào nói với phóng viên của tờ New York Times.
Các nhà chức trách Ấn Độ lo ngại rằng, những nạn nhân như Kumar sẽ ngày càng nhiều. Một hình thức cho vay mới – với quy trình bài bản từ Trung Quốc – đang nhắm tới nhóm người thuộc tầng lớp lao động và những người sống ở nông thôn, họ đều là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi đại dịch COVID-19 gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế Ấn Độ.
Tại các cộng đồng người coi trọng truyền thống như Ấn Độ, “mất danh dự” được xem là một điều rất nghiêm trọng và khủng khiếp.
Theo cuộc điều tra của cảnh sát tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ) vào năm 2021, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có tới 14 triệu giao dịch được thực hiện thông qua các app vay tiền online trên khắp Ấn Độ, với tổng giá trị lên đến 3 tỷ USD. Ngân hàng trung ương Ấn Độ, cũng như các cơ quan chức năng quốc gia phải tức tốc mở cuộc điều tra.
Trang DNA India của Ấn Độ cho biết, đã có hàng trăm trường hợp tự tử sau khi rơi vào bẫy của các ứng dụng vay tiền online. Trong khi đó, trên tờ Newslaundry, chuyên gia an ninh mạng Ấn Độ Pravin Kalaiselvan cho hay, chỉ riêng trong năm 2021, đã có ít nhất 64 trường hợp tại Ấn Độ tự sát sau khi bị đe dọa và quấy rối bởi các chủ nợ đứng sau ứng dụng cho vay trực tuyến.
Chỉ với một vài thao tác đơn giản và một bức hình selfie mới, người vay đã có thể nhận ngay số tiền mà họ đang cần để sắm cho ngôi nhà của mình chiếc bếp mới hoặc trả học phí cho con cái. Các chủ nợ đứng sau những app vay tiền online này không yêu cầu người vay cung cấp điểm tín dụng hay xác thực từ ngân hàng.
Tuy nhiên, họ tính phí cao trong một thời gian ngắn, đồng thời yêu cầu người vay cấp quyền truy cập vào danh bạ điện thoại, ảnh, tin nhắn văn bản… Thông qua cách này, các chủ nợ thậm chí còn nắm được cả… phần trăm pin trên điện thoại của người đi vay.
Nandkishore Harikumar, một nhà phân tích an ninh mạng, cho biết nhóm của ông đã khảo sát 60 đến 70 ứng dụng cho vay, tất cả đều yêu cầu “quyền truy cập tối đa” trong khi cài đặt.
“Người cài đặt ứng dụng thường không nghĩ nhiều về lý do tại sao một ứng dụng cho vay lại cần quyền truy cập vào micro hoặc thư viện ảnh của họ. Do nhu cầu, họ cho phép tất cả” – Harikumar nói.
Thời hạn hoàn trả có thể rất ngắn, chỉ sau 1 tuần. Các chủ nợ thường tính thêm lãi và phí (lên tới 1/3 khoản vay) trước khi họ chuyển tiền, vì vậy, ngay từ ban đầu, người đi vay đã nợ số tiền lớn hơn những gì họ nhận được.
Khi đến hạn mà vẫn chưa thu được tiền, các chủ nợ sẽ tấn công người vay và người thân/bạn bè của họ bằng những lời thúc giục, đe dọa, đôi khi dùng tới cả các tài liệu pháp lý giả mạo để cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu người vay không thanh toán nợ.
Cảnh sát ở Hyderabad đã ghi nhận số vụ tự sát gia tăng sau khi nhiều người nộp đơn khiếu nại về hành vi quấy rối từ phía các chủ nợ online.
Lực lượng cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích nhằm vào loạt “trung tâm chăm sóc khách hàng” (nơi các nhân viên thu nợ tiến hành các cuộc gọi thúc giục, đe dọa người vay trả tiền) tại ít nhất 4 thành phố của Ấn Độ, mỗi trung tâm có từ 100-600 nhân viên.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, một thanh niên 24 tuổi từng là nhân viên thu nợ cho biết anh ta kiếm được khoảng 130 USD/tháng với công việc này. Mỗi ngày, anh sẽ nhận được các tệp thông tin của khoảng 50 người vay, bao gồm thông tin cá nhân, bản sao căn cước và danh sách liên hệ của họ.
Các nhân viên thu nợ có thể kiếm được khoản tiền thưởng 7 USD hàng tuần nếu gây được áp lực buộc 3/4 con nợ phải trả lại các khoản vay. Tiền thưởng sẽ tăng gấp đôi nếu tỷ lệ thành công là 4/5 hoặc cao hơn. Cũng theo người này, các con nợ thường xin kéo dài thời hạn, van nài rằng việc quấy rối liên tục thế này sẽ dẫn tới cái chết của họ. Tuy nhiên, các nhân viên thu nợ vì tiền thưởng nên vẫn sẽ tiếp tục.
Khi kiểm tra và phân tích các ứng dụng vay tiền online, các cơ quan chức năng Ấn Độ phát hiện thấy một lượng lớn dữ liệu được lưu trữ trên các dịch vụ đám mây của Trung Quốc, chúng đồng thời sử dụng công cụ phát triển phần mềm và nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc.
Theo NDTV, tính tới tháng 1/2023, Ấn Độ đã chặn tới 600 ứng dụng vay tiền từ Trung Quốc. Chính quyền New Delhi đã yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật có hành động xử lý nghiêm khắc đối với các ứng dụng cho vay này.
Tờ Print cho hay, New Delhi đang cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ vấn nạn cho vay nặng lãi do một số công dân Trung Quốc hoạt động từ các địa điểm ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc Đông Nam Á khởi xưởng qua hình thức online.
Tháng 3/2021, đã có ít nhất 4 công dân Trung Quốc bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ do có liên quan tới ứng dụng vay tiền online.
Tháng 8/2022, tờ DNA India cho biết, lực lượng an ninh mạng của Ấn Độ đã phát hiện thêm một vụ lừa đảo qua ứng dụng cho vay tiền của Trung Quốc, bắt giữ 22 đối tượng liên quan. Cũng theo tờ này, nhiều ứng dụng cho vay được phát triển tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) rồi đưa lên cửa hàng Google.
Tháng 1/2023, theo NDTV, một vụ lừa đảo trị giá hơn 36 triệu USD thông qua 15 ứng dụng giả mạo của Trung Quốc đã được đưa ra ánh sáng sau khi cảnh sát ở bang Uttarakhand (Ấn Độ) triệt phá một nhóm tội phạm mạng chuyên cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, sau đó xâm nhập vào điện thoại của nạn nhân từ xa, tìm kiếm các tin nhắn bí mật hoặc hình ảnh nhạy cảm để tống tiền họ.
Một quan chức cấp cao đứng đầu đơn vị an ninh mạng tại Delhi cho biết, các công ty ứng dụng cho vay của Trung Quốc thường sử dụng hành vi bất hợp pháp và mang tính săn mồi để thu hồi khoản vay từ nạn nhân.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn triệt để các ứng dụng vay tiền bất hợp pháp như thế này gặp phải nhiều khó khăn, bởi chúng “tái xuất” rất nhanh với tên gọi và một vài đặc điểm mới sau khi bị gỡ bỏ trên cửa hàng Google.
Bảo Trâm