+
Aa
-
like
comment

Đất Đà Nẵng rớt giá thê thảm, nhiều người vỡ nợ

14/09/2020 09:02

Sau thời gian ngắn ‘sốt’ giá, từ đầu năm 2020 trở lại đây đất ở Đà Nẵng rớt giá, người bán ồ ạt nhưng không có người mua. Nhiều đại gia vỡ nợ, trong khi nhà đầu tư bất động sản đang ‘ôm bom’.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá đất tại Đà Nẵng giảm rất mạnh, đặc biệt ở các khu vực vùng ven như khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), khu Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), khu đô thị Golden Hills (quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang).

Thị trường bất động sản tại Đà Nẵng hiện gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Đ.C.

Khu đô thị đìu hiu

Ông Nguyễn Văn Huyên, một người kinh doanh bất động sản lâu năm ở khu đô thị Golden Hills, nói: “Nếu như năm trước người ta tranh nhau mua bán thì nay không có một bóng người đến hỏi mua đất. Từ đầu năm đến giờ có rất nhiều người gửi đất nhờ tôi bán với mỗi lô đất tùy theo vị trí giảm giá 30-40% nhưng không giao dịch được”.

Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân, mọi giao dịch về đất đai đều dừng lại, hàng ngàn điểm giao dịch tại đây đã đóng cửa. Nhận thấy tình hình đất giảm giá, nhiều chủ đầu tư “bung” hàng nhưng không bán được. Giá mỗi lô đất ở khu vực này cũng giảm gần 1 tỉ đồng so với năm ngoái.

Ngoài ra, tại khu vực ven biển Đà Nẵng như đường Nguyễn Tất Thành, Tân Trà, Sơn Thủy… sau một thời gian “sốt” thì nay giá cũng giảm mạnh. Các điểm giao dịch về đất đai ở khu vực ven biển thường rất sôi động nhưng nay vắng tanh, không có người mua.

Ông D.V.H., giám đốc một công ty bất động sản tại Đà Nẵng, cho hay trong dịch COVID-19 đợt 1, công ty của ông còn thực hiện được một vài giao dịch bất động sản với khách thì đợt 2 đến nay hoàn toàn không có. Nguồn thu không có, chi phí lớn nên ông H. phải đưa ra chính sách hỗ trợ cho nhân viên chính thức đã gắn bó lâu năm, còn cộng tác viên thì không nhận lương hoặc giảm 50% lương.

“Ôm đất như ôm bom”

Ông Nguyễn Văn Lan, giám đốc Công ty bất động sản Minh Lan, cho rằng giá đất ở Đà Nẵng bắt đầu giảm mạnh từ đầu năm khi xuất hiện dịch COVID-19. Thường giá đất tăng nhanh trong thời gian ngắn xảy ra ăn theo giá trị đầu tư hạ tầng của Nhà nước hoặc sự phát triển của dịch vụ xung quanh là chuyện bình thường. Còn ở Đà Nẵng, thời gian qua việc gom đất, đầu tư theo kiểu lướt sóng kiếm lời khiến giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.

“Khi thị trường chững lại và có dấu hiệu giảm giá mạnh như hiện nay, nhiều người gom đất bắt đầu “thải” một lượng đất lớn mà họ đã “ôm” trước đây. Tuy nhiên, thực tế hiện giá có giảm nhưng người có nhu cầu mua rất ít. Hiện tại, các tay đầu cơ đất “ôm” hàng với số lượng lớn đã tìm cách “nhả” hàng cắt lỗ nhưng không có người mua. Có thể thấy các tay đầu cơ đất ở nhiều khu vực đang ôm đất như ôm bom” – ông Lan cho biết.

Ông Võ Văn Cường, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng, cho biết hiện giá đất giảm khá mạnh so với thời điểm cách đây hơn một năm. Theo ông Cường, để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng cần có sự chia sẻ để ổn định tình hình. Đối với các khoản vay ngân hàng cần phải khoanh nợ, giãn nợ chứ thực tế hiện nay việc kinh doanh bất động sản đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Đại gia bể nợ trăm tỉ

Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng cho biết đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Dương Thị Ngọc Anh – chuyên viên chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà, và bà Đào Thị Như Lệ (đồng phạm với bà Anh).

Điều khiến dư luận Đà Nẵng xôn xao không chỉ ở sự việc nghiêm trọng là mất hàng loạt sổ đỏ của dân tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Sơn Trà. Mà từ đây, nguồn gốc sâu xa là chuyện bể nợ của đại gia bất động sản.

Bà Anh đã từng tự ý lấy 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để đưa cho bà Lệ sử dụng trái phép. Sau đó, bà Lệ đã mang trả lại các giấy chứng nhận này.

Cơ quan công an vào cuộc điều tra đã khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp bà Anh. Tiếp đó, bà Lệ cũng từ Quảng Nam về đầu thú. Bước đầu bà Lệ khai nhận đã vay khoảng 500 tỉ đồng tại một số ngân hàng để đầu tư bất động sản. Tuy nhiên giá đất bị giảm mạnh và bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên gần như đóng băng. Bà Lệ đi vay ở bên ngoài khoảng 500 tỉ đồng với lãi suất 5-30% để trả nợ ngân hàng cùng các khoản vay khác và dần mất khả năng thanh toán.

ĐOÀN CƯỜNG – HỮU KHÁ/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều