+
Aa
-
like
comment

Đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài – Giấc mơ của Trung Quốc sớm biến thành “ác mộng”?

20/01/2021 09:15

Ngay cả Campuchia, nơi Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể, đã bác bỏ mọi ý tưởng về việc cho phép Trung Quốc đặt căn cứ tại quốc gia đó.

Đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài - Giấc mơ của Trung Quốc sớm biến thành "ác mộng"?

Trong bài viết có tiêu đề “Giấc mơ của Trung Quốc về việc thiết lập căn cứ quân sự ở ít nhất 12 quốc gia có thể sớm biến thành ác mộng?”, tờ EurAsian Times cho hay, trái ngược với sự e ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Trung Quốc đang “chèo kéo” 12 quốc gia để khiến họ đồng ý tiếp nhận các cơ sở hậu cần quân sự của mình, Bắc Kinh ngày càng thấy bản thân khó mà thành công trong sứ mệnh đó.

12 quốc gia này bao gồm Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan.

Trung Quốc đang nhận ra rằng, mức độ ổn định chính trị, kinh tế và mức độ chặt chẽ trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và các quốc gia tiềm năng trên không đủ thuận lợi để biến họ trở thành các đối tác quân sự đáng tin cậy.

Ví dụ, Toshi Yoshihara – thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ, đã dẫn lời các học giả Trung Quốc như Guo Lingli chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hiện có quan điểm không rõ rệt về Pakistan – nơi có một trong những điểm hậu cần tiềm năng của quân đội Trung Quốc (PLA) tại Gwadar.

Họ nhận ra rằng Pakistan đang phải đối mặt với bất ổn chính trị, các mối đe dọa khủng bố, phong trào ly khai ở Balochistan, cùng nền kinh tế kém phát triển, cơ sở công nghiệp yếu, cơ sở hạ tầng kém và những trở ngại văn hóa xã hội, trong đó có sự phản kháng của người dân địa phương đối với chủ trương hiện đại hóa.

“Những yếu tố này đã trực tiếp góp phần dẫn tới hoạt động mờ nhạt của cảng Gwadar kể từ khi khánh thành vào năm 2007. Một nghiên cứu của Trung Quốc đã phàn nàn rằng phương tiện hỗ trợ và cơ sở hạ tầng của Gwadar không đủ để đáp ứng nhu cầu của Bắc Kinh. Những vấn đề này là điềm xấu đối với sự hiện diện của PLA tại đó trong tương lai” – Yoshihara viết.

Thách thức nhiều đến mức Trung Quốc dường như đang lùi bước khỏi những hứa hẹn tài chính ban đầu với Pakistan trong Khuôn khổ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) do Bắc Kinh tài trợ. Đây là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 60 tỷ USD, trong bối cảnh nạn tham nhũng và những cuộc tấn công quân sự nhằm vào các kỹ sư Trung Quốc đang gia tăng.

Tổng mức cho vay của Ngân hàng phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 75 tỷ USD trong năm 2016 xuống còn 3 tỷ USD vào năm ngoái.

Các trường hợp tham nhũng nhiều đến mức vấn đề này đã trở thành một vấn nạn chính trị lớn ở Pakistan, khiến Thủ tướng Imran Khan phải trì hoãn một số dự án CPEC.

Rắc rối không kém là những nỗ lực của Trung Quốc tại Sri Lanka, nơi họ đã ký hợp đồng thuê 99 năm trị giá 1,1 tỷ USD để phát triển cảng biển tại Hambantota. Các chính đảng tại Sri Lanka cũng cho rằng những khoản đầu tư của Trung Quốc là tham nhũng, bẫy nợ và rất nguy hiểm.

Tương tự như vậy, các kế hoạch của Trung Quốc trong thập kỷ qua để đóng tàu chiến ở Bangladesh và Maldives ít có khả năng thành công. Sự gần gũi của hai quốc gia này với Ấn Độ và mong muốn cân bằng quan hệ giữa họ với Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ khó phát triển các cơ sở quân sự ở các nước này.

Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào Bangladesh và Maldives nhưng khó có khả năng Dhaka và Malé sẽ cho phép Bắc Kinh thiết lập sự hiện diện quân sự vì điều đó sẽ làm suy yếu an ninh của họ.

Một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng việc quản lý các căn cứ ở nước ngoài không hoàn toàn là một vấn đề quân sự. Thay vào đó, nó bao gồm các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa và tôn giáo của các quốc gia sở tại.

Ngay cả Campuchia, nơi Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể, đã bác bỏ mọi ý tưởng về việc cho phép Trung Quốc đặt căn cứ tại quốc gia đó.

Quân Minh

Bài mới
Đọc nhiều