+
Aa
-
like
comment

Đập tan thông điệp “ta là chủ Biển Đông nên ta có quyền” của Trung Quốc

sông trà - 25/04/2020 13:30

Rõ ràng, các hành vi lợi dụng thời cơ, đục nước béo cò của Trung Quốc mà lâu nay thế giới đã biết rất rõ trong thói quen và nghệ thuật chính trị của họ.

Và chuyện lập quận đảo hay đặt tên cho các thực thể ở biển Đông (gồm đảo, đá hay các thực thể dưới đáy biển) là bước đi bài bản trong chiến lược để Trung Quốc dần độc chiếm Biển Đông.

Cộng đồng trong nước cũng như quốc tế phẫn nộ khi Trung Quốc ngang ngược khi lập hai quận Tây Sa và Nam Sa tại Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam

Những tuyên bố rất ngang ngược nhưng vô giá trị

Vừa qua, Bộ Nội chính Trung Quốc đăng thông báo nước này công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’. Hiểu nôm na đây là việc đặt tên chính thức cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở biển Đông.

Trước đó một ngày, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn việc thành lập cái gọi là “quận Nam Sa” và “quận Tây Sa” – hai đơn vị hành chính trực thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Hiện thực hóa cho những tuyên bố đó, năm 2019, Trung Quốc đã cho tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày. Trong năm này, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia.

Đầu tháng 4/2020 vừa qua, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cùng thời gian này, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 08 cùng nhóm tàu hộ tống trở lại biển Đông. Sau khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam, nhóm tàu này hiện đã vào khu vực biển của Malaysia..v..v.

 Một nguyên tắc quan trọng của Luật Biển quốc tế là nguyên tắc “đất thống trị biển”. Đây là một nguyên tắc chung của luật quốc tế, được phát triển từ luật tập quán quốc tế và qua các phán quyết của các tòa án quốc tế. Khởi đầu từ vụ thềm lục địa biển Bắc năm 1969, được nhắc lại trong nhiều phán quyết sau này của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sau đó, nguyên tắc này đã được pháp điển hóa trong quy định tại điều 121 của UNCLOS 82.

Những tuyên bố này của cũng vi phạm Luật Biển quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam nói riêng và các nước nằm trong cái gọi là “đường lưỡi bò” và nó hoàn toàn không có giá trị.

Trung Quốc không hiểu điều này hay cố tình xem thường luật pháp quốc tế. Trong khi chính TQ đã phê chuẩn UNCLOS 1982, trong đó quy định rất rõ ràng về các đối tượng mà một quốc gia được phép và không được phép tuyên bố chủ quyền. Dù vậy, họ dường như đang chống lại UNCLOS khi nước này tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển rất xa.

Thông điệp “ta là chủ Biển Đông nên ta có quyền”

Lập quận đảo hay đặt tên cho các thực thể ở biển Đông (gồm đảo, đá hay các thực thể dưới đáy biển) là bước tiến tiếp theo, bài bản trong chiến lược để Trung Quốc dần độc chiếm Biển Đông. Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán Trung Quốc đang “dương Đông kích Tây”, mượn khảo sát dầu khí để bành trướng phía Nam biển Đông.

PGS. TS Vũ Thanh Ca phân tích: “Trước đây Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông – thứ đã bị vô hiệu hoá bằng Phán quyết của Toà trọng tài vào năm 2016. Sau  đó Trung Quốc giao cho các học giả nghiên cứu để tìm ra những chiến thuật mới. Vào năm 2017, Trung Quốc bắt đầu hé lộ cái gọi là Tứ Sa, trong đó Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo bao gồm 4 hệ thống đảo. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc công bố yêu sách Tứ Sa, bằng quyết định hành chính là thành lập hai đơn vị đơn vị quản lý trên biển Đông, Trung Quốc thể chế hóa chiến lược Tứ Sa của mình.”

Mặt khác, Trung Quốc có lịch sử tận dụng các cuộc khủng hoảng để chiếm hữu các lợi thế phục vụ những ý đồ chiến lược của họ. GS.TS James Kraska – chuyên gia luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật quốc tế Stockton (ĐH Hải chiến Mỹ), nêu quan điểm.

“Có thể nhắc lại các sự kiện lịch sử trong lịch sử: Năm 1956 lợi dụng lúc chế độ miền Nam Việt Nam lơi lỏng, Trung Quốc đã chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sau đó đầu năm 1974 khi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam thì họ lợi dụng chiếm luôn phía Tây Hoàng Sa.  Hay như, sau khi Philippines yêu cầu các lực lượng đồn trú của Mỹ ở vịnh Subic và căn cứ lực lượng không quân Clark đóng cửa vào đầu những năm 1990… Đó rõ ràng là các hành vi lợi dụng thời cơ, đục nước béo cò của Trung Quốc mà lâu nay thế giới đã biết rất rõ trong thói quen và nghệ thuật chính trị của họ.”– GS.TS James Kraska nói.

Nhìn vào thời điểm bấy giờ, đây là thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, có lẽ Trung Quốc cho rằng là cơ hội để họ giành được lợi thế trước khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong khung thời gian 3 năm. Dư luận có cơ sở để nhận diện hành động này của Trung Quốc, cũng giống như những hành động trước đây của họ xâm phạm đến chủ quyền biển của Việt Nam đều là để đạt được lợi ích nào đó khi đưa ra trao đổi.

Xin nhắc lại, những tuyên bố, yêu sách của Trung Quốc đã bị Tòa án Lahay đã khẳng định “đường lưỡi bò” là yêu sách phi lý, không đúng luật quốc tế của Trung Quốc. Sau đó cả Việt Nam và Philippines cũng đã lên tiếng phản đối, cho thấy Trung Quốc không thể đơn phương muốn làm gì thì làm và cũng không thể tự ý thay trắng đổi đen được.

Để ứng phó với Trung Quốc trước mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình đã quá rõ ràng. Một số biện biện pháp nhằm, kiềm tỏa âm mưu, giảm sự bành trướng của Trung Quốc, giảm bớt nguy cơ xung đột vũ trang và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên liên quan, góp phần gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định ở khu vực Biển Đông, đó là:

Trước hết, các nước trực tiếp liên quan biển Đông phải có tiếng nói chung

Nói như ông Hoàng Việt – Chuyên gia luật hàng hải quốc tế và biển Đông (ĐH Luật TP.HCM) thì Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay cần tận dụng tối đa cơ hội để đoàn kết ASEAN, chí ít là các nước liên quan đến biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cần vận động các quốc gia trong “bộ tứ kim cương” (The QUAD), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, cùng các quốc gia thành viên trong Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng lên tiếng. Tất cả đồng lòng lên tiếng thì Trung Quốc chắc chắn phải e ngại.

Hai là, tục theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập và đấu tranh pháp lý

 Việt Nam là quốc gia độc lập, có đường lối ngoại giao độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào khác. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, ở đó đã nêu rõ nguyên tắc “4 không”: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Song song, kết hợp với cộng đồng quốc tế lên án, cũng như sẵn phương án khởi kiện Trung Quốc nếu cần.

Ba là, nỗ lực xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia

Để giải quyết vấn đề hòa bình ở đề Biển Đông không đơn giản là pháp lý và sự mềm dẻo, quan trọng hơn cả vẫn là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Nói như vậy vì pháp lý vẫn bị “bẻ gãy” bởi các siêu cường, còn sự khôn khéo về mặt ngoại giao, chính trị cũng có giới hạn nhất định chứ không là bất biến.

Là nơi bùng phát dịch, thay vì tập trung chống dịch bằng các biện pháp minh bạch, hiệu quả thì Trung Quốc lợi dụng thời điểm khó khăn chung của các nước thuộc vùng ảnh hưởng để bước tiếp con đường độc chiếm biển Đông.

Có thể thấy, Trung Quốc tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” và có trách nhiệm, nhưng cách hành xử của họ ở Biển Đông thì trái ngược. Phải chăng, Trung Quốc muốn chuyển đi thông điệp: “Ta là chủ, mọi thứ ở biển Đông thuộc về ta, nên ta có quyền”?

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều