+
Aa
-
like
comment

Đập Tam Hiệp: Kiệt tác nhân tạo hay thảm họa tiềm tàng?

29/06/2020 15:08

Đập Tam Hiệp khổng lồ chắn nước sông Dương Tử là đập thủy điện lớn nhất hành tinh. Nhiều người ca ngợi công trình này là “Vạn Lý Trường Thành thứ 2” của Trung Quốc, là kỳ quan nhân tạo. Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, thảm họa khủng khiếp sẽ xảy ra.

Đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh (ảnh: SCMP)

Trung Quốc đang hứng chịu đợt lũ lớn nhất trong vòng 70 năm trở lại đây. Mưa lớn liên tục khiến mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp dâng cao tới 147 mét, vượt ngưỡng cảnh báo lũ 2 mét.

Lưu lượng nước từ các sông khác đổ về Dương Tử đã tăng đến 26.500 m3/s làm dấy lên nhiều lo ngại cấu trúc đập Tam Hiệp đang phải chống chịu sức ép lớn.

Đập Tam Hiệp chắn ngang sông Dương Tử – con sông dài thứ 3 thế giới – nằm ở thị trấn Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, Hồ Bắc Trung Quốc.

Việc xây dựng đập Tam Hiệp bắt đầu từ năm 1994 và thân đập được hoàn thành vào năm 2006. Phải mất 40.000 công nhân và 12 năm để hoàn thành đập Tam Hiệp với kinh phí xây dựng 13,5 tỷ USD (một số nguồn cho rằng kinh phí thực tế là 28,2 tỷ USD hoặc thậm chí hơn).

Năm 1919, Tôn Trung Sơn – một nhà cách mạng Trung Quốc – đã đề ra ý tưởng xây dựng một con đập khổng lồ điều tiết nước sông Dương Tử. Tuy nhiên, mãi đến năm 1994, Trung Quốc mới bắt tay vào xây dựng con đập giữa nhiều tranh cãi.

Đập Tam Hiệp có chiều dài 2.335 mét, cao 185 mét, cấu thành từ 28 triệu mét khối bê tông và hơn 460.000 tấn thép (đủ dựng 63 tòa tháp Eiffel). Mực nước trong đập cao tối đa 175m. Hồ chứa nước của đập Tam Hiệp có tổng diện tích bề mặt 1.045 km vuông.

An ninh của đập Tam Hiệp được siết chặt (ảnh: Interesting Engineering)

Việc xây dựng đập Tam Hiệp đã khiến 1,3 triệu người ở hơn 1.500 thành phố, thị trấn dọc sông Dương Tử phải di dời, nhiều di tích lịch sử cũng bị tổn hại. Khoảng 100 công nhân đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng.

Một trong những ảnh hưởng lớn khi xây dựng đập Tam Hiệp là môi trường. Các loài cá trên sông Dương Tử giảm dần về số lượng, một số loài tuyệt chủng sau khi đập được xây.

Số vụ lở đất, địa chấn xung quanh khu vực đập Tam Hiệp cũng tăng lên sau khi con đập được xây dựng.

Theo Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc, có tới 776 vụ động đất xảy ra ở khu vực xung quanh đập Tam Hiệp vào năm 2017.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, xây dựng công trình lớn như đập Tam Hiệp thì tác động tới môi trường là không thể tránh khỏi. Lợi ích không thể phủ nhận của đập Tam Hiệp là kiểm soát tình trạng lũ lụt ở sông Dương Tử, thúc đẩy giao thương và cung cấp điện năng thiết yếu cho khu vực miền Trung Trung Quốc.

Đập Tam Hiệp có 32 tua bin phát điện chính cùng 2 máy phát điện bổ sung. Đây cũng là con đập có năng suất điện cao nhất thế giới với tổng công suất phát điện là 22.500 MW. Nếu đập Tam Hiệp vỡ, ít nhất 1/3 dân số Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh mất điện.

Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR) từng gọi đập Tam Hiệp là “hình mẫu của thảm họa” khi một con đập phải trữ lượng nước quá lớn.

Một số kỹ sư Trung Quốc và nước ngoài cho rằng, nên xây nhiều đập nước nhỏ dọc sông Dương Tử với chi phí thấp hơn mà vẫn có thể tạo công suất phát điện như đập Tam Hiệp. Đặc biệt, xây nhiều đập nhỏ giúp kiểm soát dòng lũ tốt hơn và giảm nguy cơ vỡ đập.

Trung Quốc khẳng định cấu trúc đập Tam Hiệp vẫn nguyên vẹn (ảnh: Xinhua)

 

Có khoảng 400 – 600 triệu người sống dưới hạ lưu sông Dương Tử, trong đó có các vùng thịnh vượng nhất như Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải. Nếu sự cố vỡ đập Tam Hiệp xảy ra, hậu quả sẽ là vô cùng thảm khốc.

Để đảm bảo an toàn cho đập Tam Hiệp trước mối nguy khủng bố, Trung Quốc đã điều lực lượng vũ trang tới bảo vệ công trình này.

Năm 1999, một số hạng mục trong dự án xây đập Tam Hiệp bị phát hiện có chất lượng thấp, khiến Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Dung Cơ yêu cầu phá đi xây lại. Năm 2000, một số vết nứt bị phát hiện ở thân đập và được khắc phục sau đó.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, kể từ khi khánh thành, Trung Quốc đã chi khoảng 85 tỷ USD để giảm bớt tác động của đập Tam Hiệp đối với các khu vực xung quanh. Trung Quốc cũng di dời nhiều nhà máy, hạn chế xây dựng dọc sông Dương Tử và trồng rừng để giảm nguy cơ sạt lở đất.

Trong những ngày vừa qua đã xuất hiện những lo ngại rằng đập Tam Hiệp có nguy cơ bị vỡ do mưa lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận thông tin trên, tuyên bố kết cấu của đập Tam Hiệp vẫn nguyên vẹn.

Vương Nam/DV

Bài mới
Đọc nhiều