Đảo Phú Quốc chìm trong nước, chớ vội trút hết lỗi cho… “ông trời”(!)
Nói về nguyên nhân gây ra trận ngập lụt lịch sử ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) những ngày qua, nhiều chuyên gia cũng như chính quyền địa phương đều thẳng thắn nhìn nhận, không phải chỉ thiên tai mà có phần lớn do nhân tai.
Để “đảo ngọc” Phú Quốc không bỗng dưng thành… “đảo ngập”, bên cạnh các giải pháp mang tính “chữa cháy”, về lâu dài, cần kiểm soát chặt chẽ trật tự xây dựng, giữ cho được diện tích đất rừng, sông suối, vùng đệm và các “túi chứa nước” tự nhiên, tạo không gian giữ nước và thoát nước…
Theo UBND huyện Phú Quốc, trận ngập bắt đầu từ ngày 5-8, trong khi nước chưa kịp rút hết thì mưa vẫn diễn ra liên tục, đến chiều 8 và sáng 9-8, nước bắt đầu dâng trở lại. Những cơn mưa liên tục đã khiến 63km đường trên toàn huyện đảo Phú Quốc bị ngập, với độ sâu ngập trung bình khoảng 0,7m, nơi ngập sâu nhất lên đến 2m. Có 23 căn nhà bị tốc mái, sập, sụp nứt và 8.424 căn bị ngập trong nước, ước tính tổng thiệt hại hơn 107 tỷ đồng.
Nguyên nhân gây ngập là do tổng lượng mưa trên địa bàn chỉ trong 8 ngày (từ ngày 2 đến 9-8) đã có hơn 1.000mm. Lượng mưa này bằng 1/3 lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc. Chỉ tính riêng ngày 9-8, lượng mưa ở mức kỷ lục 335mm, lại trùng với mực nước biển dâng cao.
UBND huyện Phú Quốc cũng nhìn nhận hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2003, đến nay đã không còn phù hợp trong tình hình Phú Quốc đang phát triển nhanh chóng về dân cư. Các khu vực trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa lượng nước tránh ngập úng nay đã bị san lấp, nâng cao nền gây tắc nghẽn vì rác thải, đất, cát từ các công trình xây dựng.
Ông Mai Văn Huỳnh – Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nhìn nhận: “Ngành chức năng chưa dự báo được tốc độ phát triển của Phú Quốc dẫn tới việc quá tải đô thị. Trước đây, cả thị trấn Dương Đông chỉ có từ 10.000 – 12.000 dân cư sinh sống nên quy hoạch hệ thống thoát nước lúc đó đảm bảo cho mật độ xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô đó. Nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, người đông, đến nay đã lên trên 50.000 dân, song song đó các dịch vụ tăng, tình trạng san lấp mặt bằng xây dựng nhà cửa dẫn đến các hồ chứa nước không còn nữa. Đó là chưa kể việc bùng nổ phát triển du lịch cũng tạo thêm áp lực xây dựng rất lớn”.
Hiện lượng du khách đến Phú Quốc tăng từ 25 – 50% mỗi năm, chỉ riêng năm 2018 có khoảng 4 triệu du khách đến đảo này, nhiều hơn 40 lần dân cư trên đảo. Trong khi đó, Phú Quốc có hệ thống thoát nước mặt dọc theo các trục đường, nhưng hệ thống này được đầu tư xây dựng từ năm 2003, đến nay đã không còn phù hợp với quy mô dân cư và tốc độ đô thị hóa.
Thực tế cho thấy, Phú Quốc có điều kiện tự nhiên thoát nước thuận tiện ra biển, nhưng để tiêu thoát nước được còn phụ thuộc vào hệ thống “túi chứa nước” và thoát nước. Trong khi đó, vài năm nay, bất chấp các khuyến cáo không đánh đổi môi trường lấy dự án đầu tư, không được phá rừng, “bê-tông hóa đảo ngọc”, tuy nhiên sức hút của các đợt “sốt đất” biến cả Phú Quốc thành một “đại công trường” với hàng loạt dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Chính các hoạt động đầu tư kinh tế rầm rộ này đã phá vỡ cảnh quan môi trường thiên nhiên, chặn sông, lấp suối, xóa sổ nhiều khu rừng nguyên sinh, làm mất dần các “túi chứa nước” tự nhiên trên đảo. Trong khi đó, công tác quy hoạch quản lý đất đai, trật tự đô thị trên đảo thời gian qua lại bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Hạ tầng hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác, nước thải trên đảo quá tải, chưa được đầu tư đồng bộ.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, tình trạng Phú Quốc bị ngập vừa qua bởi các ao hồ có tác dụng điều tiết nước thì bị thu hẹp, san lấp. Các công trình, nhà cửa mọc lên nhanh chóng. Tuyến đường giao thông quanh đảo Phú Quốc mới được nâng cấp như một tuyến đê bao cản đường tiêu nước tự nhiên. Ngoài ra, hệ thống cống rãnh thoát nước cũ kỹ, còn ngập rác khá nhiều.
“Nhìn trên bản đồ Google Map, dễ thấy khu vực có đô thị hóa cao như thị trấn Dương Đông, vùng thoát nước sông Cửa Cạn đã trở thành các khu ngập nghiêm trọng. Phát triển đô thị là một xu hướng nhưng cần hạn chế tối đa việc làm hạn chế tuyến thoát nước và giảm khả năng thấm nước mặt đất tự nhiên”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Cùng quan điểm vừa kể, TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cho rằng, không cần những luận cứ khoa học, kết quả dự báo, mà chính nhận xét của người dân bản địa là rất đáng quan tâm. “Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho… ông trời, trên đảo năm nào mà không có mưa nhưng sao trước đây không ngập mà nay hễ mưa là ngập?”. Cần nghiêm túc nhìn nhận nguyên nhân chính gây ngập lụt trên đảo để có giải pháp khắc phục trước khi quá muộn.
TS Trần Hữu Hiệp cũng như nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác phân tích, không gian trữ nước vốn là đất rừng, sông, suối tự nhiên đã dần biến mất, nhường chỗ cho “đất vàng” các khu đô thị, dân cư, các dự án du lịch hoành tráng từ hấp lực của các cơn sốt đất. Ngay cả khu đất rừng phía Bắc đảo vốn là “lá phổi xanh” của Phú Quốc cũng phải nhường một phần diện tích cho các dự án du lịch.
Quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng yếu kém, trật tự đô thị lộn xộn. Phát triển đảo chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu giải pháp đồng bộ; hệ thống xử lý rác thải, nước thải, cấp nước trên đảo quá tải, chưa được đầu tư; các khu dân cư, đô thị vô tư xả thải bừa bãi, “cướp” mất không gian của nước… Từ đó, ngập lụt là điều không tránh khỏi.
“Trước tình trạng đảo ngập, cần thay đổi tư duy ngập nước với các tính toán khoa học và thực tế. Cần khu biệt hóa không gian trên đảo, ngoài vùng lõi phải triệt để chống ngập bằng các giải pháp công trình, kiểm soát nghiêm trật tự xây dựng thì cần giữ cho được vùng đệm và các túi chứa nước tự nhiên”, TS Trần Hữu Hiệp đưa ra giải pháp.
Ông Mai Văn Huỳnh cho biết, trước mắt, cơ quan chức năng toàn huyện lo khắc phục hậu quả, giúp trên 2.000 dân sớm quay về nhà, tái lập các hoạt động kinh tế dân sinh càng sớm càng tốt. Sau đó, phải tiến hành khơi thông dòng chảy, mở toang các luồng thông thoáng thoát nước ra biển. Tổng kiểm tra toàn bộ năng lực hệ thống thoát nước trên đảo để có hướng xử lý sớm, đầu tư đồng bộ. Xử lý nghiêm những trường hợp xây dựng lấn chiếm đất rừng, sông, suối, buộc trả lại nguyên trạng để thông dòng chảy.
Tiếp đến là giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường (rác thải, nước thải), sửa sai việc quy hoạch cấp phép xây dựng khu du lịch, khách sạn bít không gian, các lối thoát nước ra biển. Về lâu dài cần có các giải pháp kiểm soát chặt chẽ trật tự xây dựng, giữ cho được diện tích đất rừng, sông suối, vùng đệm và các “túi chứa nước” tự nhiên để tạo không gian giữ nước và thoát nước…
* Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc Phú Quốc phải giữ rừng, không “bê-tông hóa” Phú Quốc.
“Phát triển Phú Quốc cần lưu ý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế. Thu hút những nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc. Không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật, không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo phát triển tốc độ nhanh vừa qua.
Cho nên, để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, “không được bê tông hóa Phú Quốc. Kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
(Trần Lĩnh/ Công An Nhân Dân)