Từ phát biểu của Tổng Bí Thư, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị. Cho đến đến kiến nghị của Bộ Giao Thông nâng số vốn đầu tư cho vùng từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước. Và nay là dự án cầu Rạnh Miễu 2 tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre được đích thân Thủ Tướng Phạm Minh Chính xuống thăm đôn đốc. Tất cả đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo nhà nước đối với vùng ĐBSCL nói riêng và phía Nam nói chung. Đây cũng là thời điểm đặt dấu chấm hết cho luận điệu “đào Nam lấp Bắc” hòng công kích chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ.
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam gồm 8 tỉnh thành phố là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh và vùng KTTĐ ĐBSCL gồm 5 tỉnh thành phố là: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp. Từ lâu hai vùng trọng điểm kinh tế này là hai khu vực đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Trong đó phía Nam góp 37,75% GDP và ĐBSCL 4,95% GDP. Mặc dù có vị thế hết sức quan trọng về kinh tế, thế nhưng cả hai vùng vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính đó là do hạ tầng giao thông, đường cao tốc kém phát triển. Ngược lại các tuyến cao tốc lại tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc, trong khi, đóng góp cho ngân sách lại không vượt trội hơn so với các tỉnh phía Nam. Thế nên không ít ý kiến cho rằng chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam đang không đồng đều, do miền nam có thế mạnh kinh tế hơn nhưng không được ưu tiên.
Song, trên thực tế, việc đầu tư của Chính phủ vào các tỉnh phía Bắc những năm qua là có lý do, trong đó là đi theo xu thế của toàn cầu. Bởi khu vực Đông Bắc Á là nơi có những nền kinh tế giàu có và phát triển. Thế nên so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc rất gần Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, vị trí địa lý thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đến giao thương và xây dựng nhà máy. Đặc biệt do gần gũi với Trung Quốc, việc nhập khẩu các nguyên vật liệu thô từ quốc gia này sẽ dễ dàng và nhanh hơn, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp ngoại.
Trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc tăng cao, thì việc đầu tư hạ tầng ở miền bắc, đặc biệt là cao tốc sẽ giúp nước ta thu hút giữa chân các doanh nghiệp ngoại, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Qua đó tạo nên một lớp lao động tay nghề cao, những công nhân trí thức lành nghề, còn các doanh nghiệp nội sẽ có cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới, hệ sinh thái kinh doanh trong nước cũng sẽ thay đổi với nhiều công ty phụ trợ, qua đó tạo nền tảng cho việc tự chủ các sản phẩm quan trọng trong nước như chất bán dẫn, công nghệ quốc phòng, … Quan trọng hơn đó là nhanh chóng xây dựng chỗ đứng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt như giai đoạn năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra và trở thành tâm điểm của thế giới, với sự chuyển dịch các nhà máy, khu công nghiệp ồ ạt sang Đông Nam Á. Thì việc đầu tư hạ tầng cho các tỉnh miền bắc đã giúp Việt Nam nắm bắt cơ hội hiếm có này.
Có thể về kinh tế, đặc biệt trong các ngành công nghiệp truyền thống như nhựa và dệt may, xuất khẩu lương thực, trái cây nhiệt đới, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản,… các tỉnh phía Bắc không bì được so với phía Nam. Thế nhưng những giá trị vô hình khác như gần với khu vực Đông Bắc Á, cửa ngõ giữa biển đông với Thái Bình Dương,… miền Bắc lại có ưu thế hơn so với miền Nam. Do đó câu chuyện ở đây không phải vùng miền, mà là vùng nào cần trước, có cơ hội lớn hơn trước thì Chính phủ sẽ quy hoạch trước. Mục tiêu vẫn là xem xét cơ hội nào sẽ giúp Việt Nam đi nhanh hơn, bật cao hơn để mà căn chỉnh dòng vốn đầu tư cho phù hợp.
Thực tế hiện nay, sau khi đã có chỗ đứng nhất định trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Chính phủ đã và đang quan tâm hơn đối với các vùng KTTĐ phía Nam và ĐBSCL. Trong đó, mới đây nhất là Thủ tướng đã đến kiểm tra công tác thi công dự án cầu Rạch Miễu 2 tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre vào sáng 15/2. Tại đây Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thay đổi biện pháp thi công, “3 ca, 4 kíp” để rút ngắn thời gian thi công xuống 6 tháng. Ông cũng nhấn mạnh “Thi công làm sớm và hoàn thành thì có thưởng, làm chậm thì phạt”.
Trước đó, chiều 30/1, tại Cần Thơ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ làm bằng được 544 km cao tốc, quyết tâm thay đổi hệ thống giao thông ĐBSCL trong nhiệm kỳ này. Và tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng…
Có thể thấy hạ tầng các tỉnh miền Nam đang trở thành tâm điểm trong chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ. Vì vậy, mỗi khi đánh giá các chính sách, cần nhìn với con mắt rộng hơn, với một tầm nhìn dài hạn hơn thay vì góc nhìn hạn hẹp bó buộc trong một thời điểm nhất định như câu nói “đào Nam lấp Bắc” làm mất đoàn kết dân tộc.
Nội dung: Huy Hoàng
Đồ họa: M.N