+
Aa
-
like
comment

Đạo luật kẻ thù công cụ đắc lực để nhanh chóng trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp

Bích Ngân - 20/11/2024 15:00

Một trong những cam kết quan trọng ông Donald Trump đưa ra khi tranh cử là thực hiện đợt trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ, nhắm vào những người nhập cư trái phép mà ông cho là “những kẻ tội phạm làm vấy bẩn dòng máu Mỹ”. Tổng thống đắc cử chưa nêu cụ thể cách thực hiện, nhưng gần đây có đề cập đến một đạo luật được xây dựng từ 226 năm trước và hiếm khi được kích hoạt ở Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại thủ đô Washington ngày 13/11. Ảnh: AFP

Theo đó, ông Trump có thể kích hoạt Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài năm 1798 làm công cụ đắc lực để nhanh chóng trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép.

“Tôi sẽ viện dẫn Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài (AEA) năm 1798 để xác định và triệt phá mọi mạng lưới tội phạm nhập cư đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ”, ông Trump tuyên bố tại sự kiện vận động tranh cử ngày 4/11.

Tổng thống đắc cử Trump cho rằng AEA sẽ trao cho chính quyền của ông “quyền lực to lớn” và cho phép các quan chức nhập cư nhanh chóng “trục xuất tất cả những người đã được xác định hoặc bị nghi là thành viên băng đảng, buôn bán ma túy khỏi Mỹ”.

Một trong những cam kết quan trọng ông Donald Trump đưa ra khi tranh cử là thực hiện đợt trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ, nhắm vào những người nhập cư trái phép mà ông cho là “những kẻ tội phạm làm vấy bẩn dòng máu Mỹ”. Tổng thống đắc cử chưa nêu cụ thể cách thực hiện, nhưng gần đây có đề cập đến một đạo luật được xây dựng từ 226 năm trước và hiếm khi được kích hoạt ở Mỹ.

“Tôi sẽ viện dẫn Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài (AEA) năm 1798 để xác định và triệt phá mọi mạng lưới tội phạm nhập cư đang hoạt động trên lãnh thổ Mỹ”, ông Trump tuyên bố tại sự kiện vận động tranh cử ngày 4/11.

Tổng thống đắc cử Trump cho rằng AEA sẽ trao cho chính quyền của ông “quyền lực to lớn” và cho phép các quan chức nhập cư nhanh chóng “trục xuất tất cả những người đã được xác định hoặc bị nghi là thành viên băng đảng, buôn bán ma túy khỏi Mỹ”.

AEA được thông qua năm 1798, dưới thời tổng thống John Adams của đảng Liên bang. Nước Mỹ non trẻ khi đó chỉ gồm 16 bang và đang cận kề một cuộc chiến với Pháp. Đảng Liên bang cho rằng việc đảng Dân chủ – Cộng hòa chỉ trích các chính sách của chính quyền ông Adams là “không trung thành” và những người nước ngoài sống ở Mỹ sẽ ủng hộ Pháp nếu chiến tranh xảy ra.

Với lo ngại này, quốc hội Mỹ do đảng Liên bang kiểm soát đã thông qua gói 4 đạo luật, gọi là Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài và Phản loạn. 4 đạo luật yêu cầu nâng độ tuổi để nhập tịch Mỹ từ 5 lên 14, cho phép tổng thống ra lệnh bắt, bỏ tù và trục xuất “những người đến từ bên ngoài” trong thời chiến.

Gói đạo luật châm ngòi hàng loạt chỉ trích nhằm vào đảng Liên bang, khiến phe này thất bại trong cuộc bầu cử năm 1800. Ba đạo luật sau đó bị bãi bỏ hoặc hết hiệu lực, chỉ còn AEA được duy trì, do không có quy định về thời hạn.

“Đạo luật được sinh ra nhằm ngăn gián điệp nước ngoài hoặc hành vi phá hoại trong thời chiến, nhưng cũng có thể được áp dụng với những người nhập cư, dù họ không làm gì sai”, Katherine Yon Ebright, chuyên gia về quyền lực hiến pháp thời chiến tại viện chính sách phi đảng phái Trung tâm Brennan vì Công lý, Trường Luật Đại học New York, trả lời Al Jazeera.

Theo giới chuyên gia pháp lý, đạo luật này sẽ được kích hoạt khi “Mỹ và bất kỳ quốc gia nào trên thế giới tuyên chiến với nhau” hay “một quốc gia tấn công hoặc đe dọa, âm mưu tấn công lãnh thổ Mỹ và tổng thống Mỹ công khai tuyên bố về sự kiện”.

Khi đó, tất cả người bản xứ, công dân, thường trú nhân hay thần dân của quốc gia, chính phủ thù địch từ 14 tuổi trở lên và chưa nhập tịch Mỹ đều có thể bị bắt, giam giữ và trục xuất. Nói cách khác, những người không phải công dân Mỹ có thể bị chính phủ nước này coi là “kẻ thù từ bên ngoài” dựa trên quốc tịch, từ đó bắt và trục xuất họ.

Tổng thống James Madison kích hoạt đạo luật lần đầu trong chiến tranh Mỹ – Đế quốc Anh năm 1812 nhằm vào công dân Anh. Trong Thế chiến I, tổng thống Woodrow Wilson kích hoạt đạo luật nhằm vào công dân Đức cùng đồng minh của Berlin, như Áo – Hung.

Lần gần nhất đạo luật được kích hoạt là Thế chiến II, khi tổng thống Franklin Roosevelt muốn “bắt những kẻ thù từ bên ngoài tiềm ẩn nguy cơ”, theo National Archives. Mục tiêu chủ yếu bị nhắm đến là công dân Đức, Italy và Nhật Bản, không bao gồm công dân Mỹ là con cháu của những người đến từ ba nước này.

Hàng chục nghìn người, chủ yếu là người đến từ Nhật, đã bị bắt và đưa đến trại tập trung theo đạo luật này, dẫn đến nhiều bi kịch và các vụ kiện tụng kéo dài sau chiến tranh.

Hiện nay, do Mỹ không đang trong thời chiến, nên nếu chính quyền ông Trump kích hoạt đạo luật, các bên ủng hộ người nhập cư và quyền dân sự sẽ cho rằng hành động này là phi pháp.

“Bất kể phạm vi mà ông Trump muốn sử dụng đạo luật rộng hay hẹp, chúng tôi sẽ phản đối, coi đó là lạm dụng quyền lực thời chiến”, Ebright nói. Vấn đề có thể được đưa ra tòa án và chính quyền ông Trump sẽ ở thế bất lợi.

Ông Trump nhắm đến đạo luật 226 năm tuổi này vì nó giúp tránh được thời gian xử lý các trường hợp trục xuất thông qua phán quyết của tòa án, đôi khi mất nhiều năm, gây trở ngại cho kế hoạch của Tổng thống đắc cử.

“Đó là lý do để Đạo luật Kẻ thù bên ngoài vào cuộc”, Jean Lantz Reisz, đồng giám đốc phòng khám di trú tại Trường Luật Gould, Đại học Southern California, nói với CNN. “Tôi nghĩ ông Trump coi đạo luật là phương thức để vượt quyền mọi quy trình liên quan, khiến việc bắt và trục xuất trở nên dễ dàng hơn”.

Ông Trump thường nhắc đến đạo luật cùng với việc ứng phó các băng đảng, tổ chức tội phạm từ nước ngoài. “Nhưng một thành viên băng đảng, tổ chức tội phạm không được coi là ‘chính phủ nước ngoài'”, theo Reisz. “Nếu chính quyền Trump muốn dựa vào đó để kích hoạt đạo luật, đó là vấn đề lớn, bởi mỗi quốc gia chỉ có một chính phủ”.

George Fishman, cựu phó tổng cố vấn Bộ An ninh Nội địa Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, năm ngoái thực hiện phân tích và cho rằng đạo luật từ thế kỷ 18 này cần tiếp tục được duy trì để trở thành “công cụ quan trọng trong các cuộc xung đột tương lai”.

Nhưng Fishman cho rằng đạo luật không nên được áp dụng cho một kế hoạch trục xuất hàng loạt nhắm vào người nhập cư trái phép.

“Tôi nghĩ đạo luật sẽ không đứng vững ở tòa án liên bang nếu bị kiện, vì không thể quy kết hành động của người nhập cư cho chính phủ nước họ. Và ngay cả khi có thể thì một câu hỏi khác được đặt ra là người nhập cư trái phép có bị coi là ‘kẻ thù bên ngoài xâm lược nước Mỹ’ hay không”, Fishman nói. “Lập luận này đã được nêu ra, nhưng chưa tòa án liên bang nào chấp thuận. Do đó, đây là một trở ngại”.

Một số nghị sĩ Dân chủ đã tìm cách vô hiệu hóa đạo luật này trong những năm gần đây, nhưng nỗ lực của họ vẫn chưa vượt qua được cấp tiểu ban tư pháp ở lưỡng viện quốc hội.

“AEA là một đạo luật bài ngoại được sử dụng một cách bất công để nhắm đến những người nhập cư vào Mỹ và đáng lẽ phải bị bãi bỏ từ lâu”, thượng nghị sĩ Mazie Hirono, đảng Dân chủ, bang Hawaii, phát biểu năm ngoái.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều