Đảo chính giáng đòn kinh tế Myanmar thế nào?
Bất ổn sau đảo chính có thể ảnh hưởng nặng đến kinh tế Myanmar, trong bối cảnh nước này mới thể hiện tiềm năng, theo dữ liệu thống kê.
Myanmar là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Thay đổi về chính trị trong 10 năm qua đặt ra hy vọng rằng kinh tế Myanmar có thể sớm cất cánh như nhiều nước Đông Nam Á. Hàng loạt quốc gia đã đánh cược vào tương lai của Myanmar, từ nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất là Singapore đến Nhật Bản, quốc gia đứng sau vùng công nghiệp chủ chốt tại nước này.
Điều đó giờ rất khó đoán định. Nhiều công nhân đã tham gia biểu tình phản đối chính quyền quân sự hoặc bỏ về quê nhà, gây gián đoạn mọi hoạt động kinh doanh sản xuất. Sự hỗn loạn cũng tác động xấu đến nỗ lực kiểm soát Covid-19, gây nhiều lo ngại về khả năng hồi phục của Myanmar sau đại dịch.
Nhiều dấu hiệu đang cho thấy cuộc đảo chính ngày 1/2 có thể tác động mạnh đến nền kinh tế Myanmar, cũng như gây ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.
Chỉ số quản lí thu mua (PMI) của Myanmar đã giảm xuống 27,7 hồi tháng 2, so với mức 47,8 trước đó một tháng, theo thống kê của IHS Markit. Hoạt động sản xuất tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được khảo sát hồi năm 2016.
Khảo sát PMI tính đến những thay đổi trong sản lượng của nhà máy, đơn hàng mới và nhiều yếu tố kinh doanh khác so với một tháng trước đó. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang thu nhỏ lại, trong khi trên 50 là mở rộng.
Khoảng 70% công ty được hỏi tại Myanmar cho biết sản lượng sản phẩm đã giảm mạnh trong tháng 2, sau khi nhiều nhà máy ngừng hoạt động. Một số doanh nghiệp cho biết công nhân đã vội vã trở về quê trong giai đoạn này.
“Covid-19 dẫn tới hàng loạt đợt suy giảm sản xuất trong năm 2020, nhưng các dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện gần đây khi chỉ số PMI dần tiến tới mức ổn định. Tuy nhiên, diễn biến chính trị mới đã đặt ra những bước lùi cho lĩnh vực sản xuất của Myanmar”, chuyên gia kinh tế Shreeya Patel của IHS Markit nói.
Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm tới 86%, khi chỉ có 188 công ty được cấp phép vào tháng 2, so với 1.373 doanh nghiệp vào tháng 1 và 1.298 hồi tháng 2/2020. Mức giảm mạnh cho thấy nhiều nhà đầu tư không sẵn sàng mạo hiểm trong bối cảnh bất ổn chính trị.
“Suy giảm hoạt động kinh doanh có thể gây hiệu ứng lan tỏa đến những vùng kinh tế khác”, Linda Liu, nhà kinh tế tại Singapore, nhận xét.
Nền kinh tế Myanmar vẫn có quy mô nhỏ, chỉ chiếm 2% tổng GPD của khối ASEAN. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa có thể sẽ tập trung vào một số doanh nghiệp cụ thể, tác động mạnh vào những tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp hoặc nhiều hoạt động kinh doanh ở Myanmar.
Một trong những ngành công nghiệp cốt lõi của Myanmar là sản xuất may mặc, cung cấp nguồn hàng cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hãng H&M của Thụy Điển hôm 8/3 thông báo ngừng đơn hàng mới với các nhà cung cấp tại Myanmar do “tình hình khó khăn và khó dự đoán”.
Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore có kế hoạch phát triển một khu công nghiệp ở Yangon, nhưng cuộc đối đầu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh có thể xóa sổ nhu cầu triển khai cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Sembcorp Wong Kim Yin tháng trước cho biết họ sẽ “chờ đến khi tình hình ổn định” và cần đánh giá thêm phản ứng từ khách hàng.
Nhiều nghi vấn cũng xoay quanh tương lai của đặc khu kinh tế Thilawa, dự án được Nhật Bản đầu tư ở phía nam Yangon với mục tiêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Toyota Motor, tên tuổi hàng đầu tại đặc khu này, hoãn kế hoạch khai trương nhà máy ở Thilawa hồi cuối tháng 2.
Các doanh nghiệp startup ở Myanmar chưa nhận được khoản đầu tư mới nào trong năm nay, theo hãng thống kê Crunchbase có trụ sở tại Mỹ. Dữ liệu này có thể chưa đầy đủ, nhưng cũng phản ánh tình hình u ám của những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nước này.
Hồi năm ngoái, Crunchbase đã ghi nhận 4 thỏa thuận trong tháng 1, một thỏa thuận vào tháng 2 và hai hợp đồng trong tháng 3, với tổng giá trị hơn một triệu USD. Những startup của Myanmar chiếm khoảng 2,6% tổng số vốn được huy động tại Đông Nam Á trong năm 2020, nền kinh tế mới nổi mới bắt đầu phát triển những liên doanh đầu tư mạo hiểm như các nước láng giềng khu vực.
Cuộc đảo chính có thể cắt đứt nguồn đầu tư và cản trở nền kinh tế số của Myanmar phát triển. Giới phân tích cũng dự đoán nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar cũng có thể suy giảm trong một thời gian.
“Những biến động chính trị không chỉ ngăn cản đầu tư FDI mới, mà còn có thể khiến nhiều nhà đầu tư rút khỏi những thỏa thuận từ trước, đặc biệt là khi chúng có liên hệ tới quân đội. Tình hình này càng kéo dài thì thiệt hại với nguồn đầu tư càng lớn”, báo cáo ngày 1/3 của công ty xếp hạng tín dụng Moody’s có đoạn viết.
Lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Yangon (YSE) đã giảm 62%, trong đó tổng giao dịch trên YSE từ ngày 3/2 đến 9/3 chỉ đạt 85.436 cổ phiếu so với 223.475 cổ phiếu cùng kỳ năm 2020.
Thị trường chứng khoán Myanmar mở cửa từ năm 2015, vẫn còn tương đối sơ khai và được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của thị trường vốn tại nước này. YSE hồi năm ngoái cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán cổ phiếu.
Chỉ số MYANPIX giảm mạnh ngay sau cuộc đảo chính, hiện ở mức 425 điểm so với 443,72 hồi cuối tháng 1.
Các doanh nghiệp Myanmar ở nước ngoài cũng hứng chịu phản ứng dữ dội. Yoma Strategic Holdings, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, thực phẩm và đồ uống, ô tô và dịch vụ tài chính tại Myanmar, đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm gần một nửa, từ mức 0,28 dollar Singapore hồi tháng 1 xuống còn 0,16 dollar Singapore cuối tuần trước.
Myanmar đến nay ghi nhận hơn 142.000 ca nhiễm nCoV, trong đó 3.200 người đã chết. Kiểm soát đà lây nhiễm Covid-19 và thúc đẩy tiêm vaccine là những yếu tố quan trọng nhằm giúp nền kinh tế phục hồi, nhưng cuộc đảo chính dường như đã cản trở khả năng đối phó khủng hoảng y tế của chính quyền.
Dữ liệu từ Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cho thấy số xét nghiệm nCoV trung bình hàng ngày là khoảng 1.600 trong vòng 7 ngày đầu tháng 3, giảm hơn 90% so với mức trung bình 17.000 xét nghiệm/ngày trong 7 ngày trước đảo chính.
Số ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày từ giữa tháng 2 là khoảng 20, so với hơn 300 ca/ngày trước khi quân đội tiếp quản quyền lực, dường như cho thấy Myanmar đang mất dấu lây nhiễm dịch bệnh.
Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, hôm 8/3 bày tỏ lo ngại rằng năng lực xét nghiệm Covid-19 và kế hoạch tiêm chủng vaccine của Myanmar đã bị “ảnh hưởng nghiêm trọng”.
(Theo Nikkei)