Danh sách các cửa hàng xăng dầu đang hoạt động
Trên địa bàn TP.HCM ghi nhận 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng, vẫn mở cửa bán mặt hàng dầu bình thường.
Ngày 10/10, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đơn vị vừa cập nhật danh sách các cửa hàng bán lẻ xăng dầu lên website.
Tính đến ngày 9/10, thành phố có 547 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ (hiện có 3/550 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa cửa hàng).
“Qua rà soát sơ bộ, trên địa bàn hiện ghi nhận 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng, vẫn mở cửa bán mặt hàng dầu bình thường”, Sở Công Thương TP cho biết.
Người dân có thể tải xem danh sách cửa hàng xăng dầu đang hoạt động và tạm ngưng bán hàng tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tại đây.
Trong ngày 10/10, UBND TP.HCM cũng đã có báo cáo và kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Theo đó, UBND thành phố nhận định có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh (vì bị thua lỗ) nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối; đồng thời cùng với một số lý do khách quan (ảnh hưởng của bão, quá trình vận chuyển xăng dầu có gián đoạn…) dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ.
Có trường hợp khó khăn của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil trong việc duy trì hoạt động kinh doanh cũng phần nào ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Trước đây, mức dự trữ bình quân của doanh nghiệp này khoảng 100.000-120.000 m3/tháng, sản lượng bán bình quân khoảng 1.160 m3/ngày. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đã ngưng nhập khẩu xăng dầu.
“Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường”, UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.
Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tình hình thiếu nguồn xăng dẫn đến phát sinh một số cửa hàng không còn xăng để bán. Tính tới chiều 10-10, có 121/550 cửa hàng không còn xăng, các cửa hàng có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn xăng để cung cấp. “Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết” – đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin.
Các cửa hàng tạm hết xăng tập trung ở các quận huyện vùng ven như Bình Chánh (8 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng); TP. Thủ Đức (21 cửa hàng)… Điểm chung của các cây xăng dầu hiện nay đều thông báo “hết xăng, chỉ bán dầu” hoặc đang chờ nhập hàng.
Cũng trong ngày 10/10, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản đề xuất Sở Giao thông Vận tải và Công an TP xem xét có phương án tạm thời hỗ trợ phân luồng và tạo điều kiện để phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông vào giờ cao điểm, tức khung giờ 9-16h và 18-22h, trong giai đoạn 11/10-1/11.
Sau thời gian này, Sở Công Thương sẽ đánh giá tình hình và đề xuất thời hạn cho phép lưu thông phù hợp trong trường hợp cần thiết.
Tùng Nguyên (T.H)