+
Aa
-
like
comment

Danh sách các tỉnh thành đề nghị tiếp tục cách ly xã hội hết tháng 4

Thành Nhân - 15/04/2020 15:35

Có 24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4. 3 địa phương đề nghị tiếp tục giãn cách ít nhất 1 tuần nữa.

Đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng nay nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15/4.

Trong số này, 24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4; 3 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất 1 tuần nữa; 2 tỉnh đề nghị giãn cách xã hội đến khi không còn ca bệnh lây nhiễm thứ phát; 3 tỉnh đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh và 3 tỉnh đề nghị bỏ giãn cách xã hội đối với một số tỉnh chưa có dịch bệnh.

7 tiêu chí

Trên cơ sở thảo luận và phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lây nhiễm, Ban chỉ đạo và các chuyên gia đi đến thống nhất, việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn; cần tiếp tục thực hiện ở các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao. Các địa phương khác được thực hiện ở mức độ nới lỏng một số biện pháp.

24 tỉnh thành đề nghị tiếp tục cách ly xã hội hết tháng 4
Ở nhà gọi điện, người dân Đà Nẵng được ship giấy tờ hành chính đến tận nhà. Ảnh: Hồ Giáp

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thống nhất việc áp dụng các tiêu chí phân loại các tỉnh, dựa trên các phân tích dịch tễ học, các yếu tố tác động đến tình hình dịch, khả năng ứng phó, các đặc điểm về dân số; giao thông đi lại; có nhiều người nước ngoài đã từng đến.

7 tiêu chí gồm: Tỉnh có các trường hợp nhiễm đặc biệt là nhiễm mới; đầu mối giao thông, đi lại; tỉnh có biên giới, cảng hàng không, có nhiều người qua lại biên giới; tỉnh có nhiều người nước ngoài đã đến du lịch, cư trú trong hai tháng qua; tỉnh có các khu công nghiệp, các nhà máy có đông công nhân; tỉnh có dân số đông; Các đáp ứng về phòng chống dịch; mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế; khả năng xét nghiệm; năng lực của đội ngũ cán bộ.

Ban chỉ đạo và các chuyên gia cũng thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn và kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện phải được thực hiện ở tất cả các địa phương theo chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Ban chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương quyết định việc thực hiện có thể kéo dài nhưng không vượt quá ngày 1/5.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh.

Một chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong những ngày thực hiện cách ly xã hội ở TP.HCM

Dự kiến tiếp tục dãn cách; nhóm 1 thêm 2 tuần, nhóm 2 thêm 1 tuần:

– Nhóm 1 – nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP.HCM, Tây Ninh và Hà Tĩnh.

– Nhóm 2 – nhóm có nguy cơ trung bình, gồm 15 địa phương: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp.

– Đối với nhóm 3 nhóm có nguy cơ thấp: Gồm 36 tỉnh còn lại.

Đối với nhóm 2 và 3, cần có các hình thức quy định cụ thể về hoạt động sản xuất kinh doanh phải để đảm bảo yêu cầu chống dịch, thực hiện các biện pháp bắt buộc, gồm hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác tối thiểu 2 m; cấm tập trung đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng); cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.

“Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất về cách ly xã hội ngăn ngừa COVID-19”

Tại cuộc họp sáng nay, Ban Chỉ đạo cũng đã bàn thảo chi tiết về việc phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh, dựa trên các tiêu chí đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, có những tiêu chí dễ thấy như: có đầu mối giao thông, mật độ di chuyển, đi lại lớn; có biên giới, nhiều người qua lại biên giới; những điểm trước đây có tiếp xúc rất nhiều với người nước ngoài; mật độ dân cư; mật độ các nhà máy, khu công nghiệp tập trung…

Đặc biệt là có một nhóm tiêu chí liên quan đến năng lực ứng phó của cấp uỷ, chính quyền khi có ca bệnh, năng lực kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo, chỉ thị, khuyến nghị về phòng chống dịch từ trước đến nay.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất sẽ đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tỉnh trong cả nước phải thực hiện nghiêm chỉnh như: đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.

Tuỳ theo điều kiện và mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa phương, lãnh đạo tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng nay. Ảnh: Đình Nam

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh

Theo Ban chỉ đạo, việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn. Vì vậy, tất cả các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quan trọng đang triển khai như: hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m.

Cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu… cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị (đại hội Đảng các cấp hoặc các cuộc họp, sự kiện chính trị quan trọng) do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định, những người tham gia phải được giám sát y tế 14 ngày không được tiếp xúc với nguồn bệnh, hoặc đi từ vùng có dịch; có điều kiện thực hiện xét nghiệm cho những người tham gia; thực hiện việc dãn cách trong hội trường; đeo khẩu trang; sát trùng tay; không nghỉ giải lao; không tổ chức ăn uống; mở cửa thông thoáng phòng họp…

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội.

Phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia.

24 tỉnh thành đề nghị tiếp tục cách ly xã hội hết tháng 4

Tính đến sáng 15/4, Việt Nam có 267 bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân mới là nam, 46 tuổi, xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Đây là bố của BN257, chồng của BN258, có tiếp xúc gần với BN243 tại nhà ngày 20/3.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong số 267 bệnh nhân có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,9%, 107 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,1%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.835. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 533, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.573, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 54.729.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều