Đánh giá và định hướng chính sách thu hút FDI trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về quy mô và tốc độ tăng vốn đầu tư của nước ngoài FDI của cả nước. Sau thời kỳ Đổi mới, bắt đầu thực hiện chính sách thu hút FDI, Hà Nội đã trở thành một vùng đất màu mỡ đáng khai phá của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2018 và năm 2019, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Tuy nhiên, do nhu cầu đổi mới, vận động không ngừng của xã hội, những chính sách thu hút FDI của Hà Nội cũng dần dần phát sinh những hạn chế, bất cập và nhiều vấn đề đáng bàn luận.
Mục tiêu của chính sách thu hút FDI là tạo ra một quy mẫu để dựa vào đó mà điều chỉnh các hoạt động thu hút và sử dụng FDI sao cho hiệu quả nhất. Khi đã chủ động trong việc thu hút các dòng vốn FDI, sau đó sẽ chuyển sang bước định hướng các dòng vốn này vào các ngành, lĩnh vực, vùng, sản phẩm,… trọng điểm, có tiềm năng theo hoạch định ngắn hạn và dài hạn của quốc gia.
Mục tiêu của chính sách thu hút FDI giữa các quốc gia và các địa phương khác nhau là không giống nhau. Nó phụ thuộc vào từng thời điểm, với những nhân tố xã hội cụ thể, những yếu tố nội động, ngoại động nhất định. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia trong giai đoạn trước và trong khi áp dụng. Đối với Việt Nam hiện nay, mục tiêu của chính sách thu hút FDI là: huy động vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh quá trị công nghiệp hóa – hiện đại hóa, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng lao động,… Không có một mục tiêu nào có thể cố định mà luôn phải thay đổi một cách linh hoạt theo những vận động, chuyển biến của bối cảnh kinh tế, xã hội. Cần thường xuyên rà soát và kiểm tra, đánh giá tính thực tiễn của những mục tiêu để kịp thời điều chỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh hiệu ứng “dội ngược” kinh tế xảy ra vô cùng phổ biến _ đây là tình trạng nền kinh tế của một quốc gia bị ảnh hưởng khi thế giới xảy ra nhiều biến động kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời, cần khảo sát thực địa, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tư liệu để đánh giá mức độ áp dụng chính sách thu hút FDI ở từng địa phương.
Trong bối cảnh hiện nay, gia tăng vốn đầu tư FDI là một điều kiện hết sức quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể gây bứt phá trên thị trường quốc tế, bởi đây là một cơ hội cực kì tốt để tận dụng trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến cũng như phát huy được thị trường rộng lớn ở các công ty mẹ ở nước ngoài.
Nguồn vốn đầu tư FDI ở Hà Nội chủ yếu đến từ các nước Đông Á như Nhật Bản (gần 10,2 tỷ USD), Singapore (6,0 tỷ USD), Hàn Quốc (5,48 tỷ USD); các nhà đầu tư đến từ các nước có nền khoa học, công nghệ cao ở châu Âu, châu Mĩ có mức vốn đầu tư còn khá khiêm tốn như Hoa Kỳ (293 triệu USD), Pháp (247 triệu USD), Anh (419 triệu USD),… Tình hình này đặt ra một thách thức lớn với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cần nỗ lực thu hút các nhà đầu tư phương Tây để có thể gián tiếp mở rộng thị trường sang các châu lục khác.
Số dự án đầu tư vào Hà Nội cũng phân bổ chưa đồng đều, có xu hướng tập trung chủ yếu trong vùng đô thị lõi ở trung tâm, ít hấp dẫn khu vực ngoại thành, trong khi đây lại là nơi có quỹ đất rộng và đầy tiềm năng đầu tư. Tuy nhiên, thực trạng này cũng có mặt tích cực khi tạo ra khả năng đầu tư cốt lõi vào các ngành/ lĩnh cực nhất định, tránh tình trạng đầu tư dàn trải nhưng chưa sâu. Bên cạnh đó, cần đề ra chính sách phù hợp để sử dụng quỹ đất ngoại thành vào những quy mô kinh tế thích hợp khác để tránh bị lãng phí.
Việc thu hút mạnh mẽ FDI của Thủ đô Hà Nội đã tạo nên một sức tác động mạnh mẽ đến các thành phần kinh tế khác. Không chỉ tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô mà còn thúc đẩy đầu tư tư nhân ở các địa bàn lân cận và trên khắp cả nước.
Trí Mẫn