Dành cho những ai hay nói “Việt Nam chỉ biết bán tài nguyên”
Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, hàng trăm nghìn người phải lâm vào cảnh thất nghiệp thì mới đây tập đoàn Hoà Phát vừa công bố thông tin chấn động, mua mỏ quặng sắt 320 triệu tấn tại Australia. Và có lẽ thông tin này, sẽ khiến cho những người hay tự rêu rao “Việt Nam chỉ biết làm giàu bằng cách bán sạch, cạn kiệt tài nguyên”, cảm thấy hổ thẹn và nghẹn lời.
Được biết, thương vụ mua lại mỏ quặng sắt Roper Valley của Hoà Phát được chính Uỷ ban Đầu tư nước ngoài liên bang Australia (FIRB) chấp thuận. Theo đó, ngay sau khi giao dịch hoàn tất, Hoà Phát sẽ trở thành chủ sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng 320 triệu tấn, công suất khai thác 4 triệu tấn một năm.
Ngoài mỏ Roper Valley, tập đoàn Hòa Phát còn đang nghiên cứu mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Australia, nhằm đảm bảo ít nhất 50% nguồn cung quặng sắt của tập đoàn này (khoảng 10 triệu tấn mỗi năm) về dài hạn. Ngoài quặng sắt, Hòa Phát cũng đang đặt ra tham vọng mua một vài mỏ than luyện cốc của Australia, nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này. Hiện than luyện cốc chiếm 30% giá thép và được Hoà Phát nhập khẩu từ Australia, thị trường cung cấp loại nguyên liệu này lớn nhất thế giới.
Đây là bước chuẩn bị rất lớn của tập đoàn Hòa Phát được Bộ Công Thương dành lời khen ngợi trước tình trạng dịch bệnh Covid-19 khiến giá thành các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các thành phẩm sắt, thép bị phụ thuộc. Được biết, giá nguyên liệu thế giới tăng gấp đôi trong 6 tháng qua, khiến giá thép trong nước tăng 40-50%, buộc Chính phủ đưa ra yêu cầu hạ nhiệt giá mặt hàng này thông qua hạn chế xuất khẩu loại thép trong nước có nhu cầu và tăng năng lực sản xuất thép trong nước.
Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 18.000 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm trước. Quý I năm nay, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 63%. Lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh là 6.500 tỷ, còn lại là lợi nhuận từ thoái vốn mảng nội thất.
Không chỉ Hòa Phát mà thời gian qua các tập đoàn lớn cũng đã vươn mình ra thế giới chủ động mua tài nguyên, khoáng sản để “làm giàu”. Xin hỏi, những người hay rêu rao Việt Nam “chỉ biết làm giàu từ việc bán cạn kiệt tài nguyên”, có đủ lý trí để tiếp nhận thông tin Việt Nam cũng biết làm giàu từ việc mua tài nguyên không?
Hạnh Nhân