+
Aa
-
like
comment

Đáng suy ngẫm chuyện “một nửa bếp ăn cơ quan là con, em lãnh đạo”

07/09/2019 10:02

Những tưởng chuyện “1 người làm quan cả họ được nhờ” chỉ là ở đâu đó thời xa xưa, nhưng quả là ngã ngửa khi đây là chuyện có thật của thời nay.

Mới đây, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đã công bố một sự thật giật mình là tại nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có quá bán nhân sự là người nhà của nhau. “Thực tế cho thấy ở nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước khi ngồi ăn cơm trưa mà hơn 1 nửa bếp ăn là con, em lãnh đạo của đơn vị”- ông Nguyễn Bá Sơn cho biết.

Ủy viên Thường trực UBTP Đà Nẵng Mai Thị Phương Hoa cho biết thêm, bỏ qua việc bổ nhiệm cán bộ không đạt tiêu chuẩn, có địa phương bổ nhiệm cán bộ dù đủ tiêu chuẩn nhưng người dân vẫn bức xúc, dị nghị. “Bởi có tỉnh gần như cả họ làm quan dù người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn nhưng nhân dân vẫn bức xúc”- bà Phương Hoa bày tỏ.

Đáng suy ngẫm chuyện “một nửa bếp ăn cơ quan là con, em lãnh đạo” - Ảnh 1.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn

Điều đáng lo ngại là căn bệnh “1 người làm quan cả họ được nhờ” hiện nay đang lây lan khắp nơi. Chỉ nêu một số trường hợp đã bị báo chí “điểm danh” như ở Bình Định mới đây trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ “có nhiều cán bộ bổ nhiệm sai và liên quan đến tham nhũng”. Thanh tra Bộ Nội vụ cũng vừa kết luận Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ nhiệm 98 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Riêng tại Cà Mau để phòng chống căn bệnh “1 người làm quan cả họ được nhờ”, UBND tỉnh Cà Mau đã phải ký văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ. Theo đó, đặc biệt lưu ý các trường hợp tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm người nhà, người thân của lãnh đạo; các trường hợp bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ của thủ trưởng đơn vị…

Có ý kiến cho rằng ngay từ thời phong kiến đã có quy định là trong gia đình hay trong họ tộc, nếu có hai người cùng đỗ đạt, thì sẽ không được làm việc cùng 1 nơi, mà buộc phải điều động đến làm việc ở địa phương khác.

Dư luận cũng có ý kiến là không nên quá cứng nhắc chuyện “1 người làm quan cả họ được nhờ”, với các công việc, chức vụ lớn, nhỏ tốt nhất là dành cho người có đủ năng lực, phẩm chất. Không nên quá “soi” vào các yếu tố nam, nữ, vùng miền, tuổi tác, con cái nhà ai… Con quan chức mà thật sự giỏi thì vẫn có thể trọng dụng, quan trọng là làm việc hiệu quả thì sẽ nhận được sự tín nhiệm của xã hội.

Một góc nhìn khác của dư luận thì cho rằng khi đã có hơn một nửa nhân sự là con em của lãnh đạo, thì làm sao còn là chí công vô tư nữa. Rơi vào tình trạng này thì sẽ rất khó mà thực hiện mục tiêu cải cách hành chính.

Có thể nói căn bệnh “1 người làm quan cả họ được nhờ”, là một vấn đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, và là một vấn đề đáng phải suy ngẫm, cần phải sớm được những người có trách nhiệm hóa giải, chứ không thể để lửng lơ kéo dài. Bỡi lẽ chỉ với nguồn nhân sự mạnh và minh bạch thì đất nước mới có thể phát triển.

Mai Chân/Người Lao Động

Bài mới
Đọc nhiều